Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thêm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực chứng khoán, hải quan, kinh doanh đòi nợ, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, từ cuối năm 2018, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2019-2020 và kế hoạch cải cách hành chính năm 2019 với 116 nhiệm vụ cụ thể theo 7 nội dung, đảm bảo yêu cầu tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 01/01/2011 của Chính phủ. Bộ Tài chính cũng đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021, với 4 nhóm giải pháp gắn với 124 sản phẩm đầu ra, nhằm cải thiện các chỉ số về nộp thuế, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới và chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Kết quả năm 2019, đã thực hiện rà soát, bãi bỏ 49 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 23 thủ tục và ban hành mới 38 thủ tục trong các lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán, công sản, ngân hàng và bảo hiểm; đến nay đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 129/190 điều kiện theo kế hoạch và dự kiến sẽ cắt giảm, đơn giản hóa thêm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực chứng khoán, hải quan, kinh doanh đòi nợ, để tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những nỗ lực cải cách hành chính trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan, đã được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.
Trong năm 2019, Bộ Tài chính cũng tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan, góp phần để Bộ Tài chính liên tục nhiều năm trong nhóm đứng đầu các cơ quan của Chính phủ về triển khai công nghệ thông tin.
Tới nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc kết nối liên thông gửi, nhận văn bản với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; triển khai trực tuyến 982 thủ tục hành chính tại Bộ Tài chính (trong đó 114 dịch vụ mức độ 1; 364 dịch vụ mức độ 2; 197 dịch vụ mức độ 3 và 307 dịch vụ mức độ 4).
Trong lĩnh vực thuế, đã triển khai hệ thống khai thuế qua mạng đến 63 Chi cục Thuế địa phương, với 99,86% số doanh nghiệp tham gia, tiếp nhận khoảng 12 triệu hồ sơ khai thuế; số doanh nghiệp đăng ký tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử đạt 99,5% và hoàn thuế theo phương thức điện tử đạt 93,3%; triển khai thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có xác thực tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; mở rộng kết nối thông tin nộp thuế điện tử giữa cơ quan Thuế - Hải quan - Kho bạc - các ngân hàng thương mại.
Trong lĩnh vực hải quan, đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị Hải quan thông qua các hệ thống VNACSS/VCIS; triển khai cổng thanh toán điện tử tại các Cục Hải quan. Mở rộng kết nối thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ công qua Cơ chế một cửa quốc gia với 13/14 bộ, ngành, với 173 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế này; trao đổi chứng nhận xuất xứ điện tử mẫu D với 5 nước ASEAN qua Cơ chế một cửa ASEAN.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhờ tích cực triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) nên từ năm 2017 đến hết năm 2019, Bộ Tài chính đã cắt giảm được 4.024 đầu mối (riêng năm 2019 giảm 2.172 đầu mối). Chỉ tiêu biên chế hành chính được giao đã giảm gần 4.980 biên chế (giảm 6,7% so năm 2015), trong khi vẫn đảm bảo điều hành hiệu quả, thông suốt các hoạt động nghiệp vụ của ngành.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2020 của Bộ là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2020 là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; giảm thời gian thủ tục hành chính đảm bảo công khai minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp toàn diện với các bộ, ngành để cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế để đến năm 2020 đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra. Đồng thời, phấn đấu nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội và chỉ số xếp hạng giao dịch thương mại qua biên giới…
Một số chỉ tiêu trọng tâm trong năm 2020 của Bộ Tài chính, đó là: Tăng thu NSNN khoảng 3% so với dự toán Quốc hội giao; tỷ lệ động viên vào NSNN là 22,2% GDP; bội chi NSNN là 3,44% GDP; dư nợ công là 54,3 GDP; nợ chính phủ là 48,5 GDP; nợ nước ngoài của Quốc gia là 45,8% GDP; nợ thuế dưới 5% tổng thu NSNN.