Đây là một nội dung quan trọng tại văn bản vừa được Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính ban hành nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng hoá đơn, tập trung thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế.
>> Khoanh nợ, xóa nợ thuế: Chính sách giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị gồm: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Thanh tra Bộ Tài chính triển khai các biện pháp vừa đảm bảo tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế nhằm duy trì ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Tổng cục Thuế tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của người nộp thuế, quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng; tăng cường quản lý thuế tập trung thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế đối với các lĩnh vực, nội dung có rủi ro cao như thương mại điện tử và kinh doanh trên các nền tảng số; hoàn thuế; chuyển giá; chuyển nhượng bất động sản; chuyển nhượng vốn; mua bán, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp; hợp thức hoá hàng nhập lậu, trốn thuế...
Đồng thời, ngành Thuế đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng trong quản lý thuế đặc biệt là cơ quan hải quan, quản lý thị trường để xác minh nguồn gốc hàng hoá, nắm bắt, trao đổi thông tin về các thủ đoạn gian lận đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu trốn thuế, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng...
Tăng cường phối hợp với cơ quan công an để thực hiện xác minh các giao dịch kinh tế phát sinh; phối hợp với các ngân hàng để xác minh việc thanh toán qua ngân hàng các giao dịch đáng ngờ...
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Hải quan triển khai áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hoá xuất nhập khẩu, hành lý, phương tiện xuất nhập cảnh theo các tuyến, địa bàn, mặt hàng, đối tượng trọng điểm.
Đặc biệt, ngành Hải quan cần tập trung trọng tâm vào các mặt hàng trọng điểm là hàng cấm, ma tuý, hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện; loại hình xuất nhập khẩu như gia công, sản xuất xuất khẩu, đầu tư, vận chuyển độc lập, hàng hoá tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, quà biếu, quà tặng, phi mậu dịch và hàng hoá gửi kho ngoại quan... nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đặc biệt là ma tuý, vũ khí, chất nổ và các mặt hàng khác ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng.
Tổng cục Hải quan cũng cần đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng trong và ngoài ngành, ngoài nước trong việc xây dựng các phương án, kế hoạch điều tra, xác minh đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực hải quan.
Theo Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, các đơn vị cần tiếp tục triển khai quyết liệt các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua cảng hàng không quốc tế...
Có thể bạn quan tâm