VNDirect kỳ vọng ngành vận tải biển sẽ sớm phục hồi và HAH, công ty dẫn đầu về năng lực vận tải biển tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ điều này sau khi vượt qua nhiều khó khăn trong 6 tháng năm 2023.
>>>Ngành cảng và vận tải biển năm 2024: Từng bước phục hồi
Theo Chứng khoán VNDirect, doanh thu 9 tháng năm 2023 Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) giảm 17,5% so với cùng kỳ do hoạt động vận tải giảm 25% so với cùng kỳ và khai thác cảng giảm 11,6% so với cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp giảm 23,2 điểm % do giá cước giảm mạnh và chi phí khấu hao cao hơn so với cùng kỳ. VNDirect dự báo, tổng sản lượng khai thác tại HAH lần lượt tăng 2,7% trong năm 2023, giảm 3,9% trong năm 2024 và tăng 1,9% trong năm 2025 dựa trên tiến độ mở rộng đội tàu.
Theo VNDirect, ngày 4/12 vừa qua, HĐQT HAH đã phê duyệt khoản vay lên tới 333,8 tỷ đồng từ Ngân hàng VCB – chi nhánh Hải Phòng. Khoản vay có thời hạn 8 năm này sẽ được dùng để tài trợ cho dự án đóng tàu container HCY-265. Tài sản đảm bảo bao gồm các quyền sở hữu tài sản từ hợp đồng HC2021-18 cho tàu container 1.800 TEU ký với Huanghai Shipbuilding vào ngày 04/08/2021 và tàu Haian Link.
HAH đã hạ thủy thành công tàu container HCY-265 tại nhà máy đóng tàu Huanghai vào ngày 23/7/2023. Tàu container vẫn tạm thời neo đậu ở đó cho đến đầu tháng 11/2023 và sẽ bắt đầu hoạt động vào quý I/2024 với tên là Haian Alfa.
Cũng theo VNDirect, vào tháng 11/2023, HAH đã sửa đổi kế hoạch năm 2023 của mình để phát hành trái phiếu chuyển đổi 500 tỷ đồng (với yêu cầu thời gian nắm giữ một năm đối với NĐT tổ chức) để huy động một phần vốn cho hai tàu mới: HCY-266 và HCY-268 (theo quyết định của HĐQT HAH).
“Chúng tôi ước tính tổng nợ của HAH sẽ lên tới gần 1.983 tỷ đồng/2.252,8 tỷ đồng trong 2023-2024, với tỷ lệ Tổng nợ/VCSH lần lượt là 68,5%/67,0%. Thêm vào đó, chi phí lãi vay sẽ là 89,2 tỷ đồng/157,1 tỷ đồng trong 2023-2024 (+56,1%/+76,1% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, do tiềm năng tăng trưởng doanh thu, chúng tôi cho rằng tỷ lệ D/E và khả năng thanh toán lãi vay của HAH vẫn ở mức hợp lý”, VNDirect cho biết.
Ngoài ra, trong tháng 12/2023, HAH dự kiến mua 4.638.600 cổ phiếu, tương đương 51,5% cổ phần của CTCP Dịch vụ Cảng Lưu Nguyễn Cái Mép (LN-CM), với trị giá 124,4 tỷ đồng. Thương vụ này sẽ biến LN-CM trở thành công ty con của HAH, nâng tổng số công ty con của HAH lên bảy công ty và công ty liên doanh liên kết lên 2 công ty. Việc mua lại này là một phần trong chiến lược của HAH nhằm mở rộng dịch vụ logistics và cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải.
“Chúng tôi kỳ vọng ngành vận tải biển sẽ sớm phục hồi và HAH, công ty dẫn đầu về năng lực vận tải biển tại Việt Nam, sẽ được hưởng lợi từ điều này sau khi vượt qua nhiều khó khăn trong 6 tháng năm 2023. Điều này đặc biệt khả quan khi công ty đang không ngừng mở rộng hệ thống vận tải của mình”, VNDirect nhận định.
Dẫn số liệu từ S&P Global, VNDirect cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng là 47,3 vào tháng 11/2023 từ mức 49,6 trong tháng 10/2023, mức độ giảm cao nhất kể từ tháng 5/2023. Điều này cho thấy các nhà sản xuất đang phải đối mặt với tình trạng giảm số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 11, kết thúc chuỗi tăng trưởng kéo dài ba tháng. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm là do người mua hàng lưỡng lự vì giá cả tăng.
Mặt khác, Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) duy trì đà tăng trong 7 tháng qua với mức tăng lên 5,8% so với cùng kỳ, tăng 3,0% so với tháng trước. Tổng cục Thống kê cho biết, các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm và chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng cuối năm nên sản xuất công nghiệp tháng 11 sẽ tiếp tục xu hướng tích cực.
Chỉ số cân bằng số lượng đơn đặt hàng mới trong quý IV/2023 sẽ tăng 14,0% so với quý III/2023, trong đó 37,3% doanh nghiệp dự đoán sẽ tăng và 23,3% số doanh nghiệp dự đoán sẽ giảm. Trong đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước có chỉ số cân bằng cao nhất là 16,0%, tiếp theo là doanh nghiệp nhà nước với 12,8% và doanh nghiệp thuộc nguồn vốn FDI là 9,9%. Hơn nữa, việc kéo dài kích thích tài khóa đến hết quý II/2024 sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước trong những tháng tới.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 6,2% so với cùng kỳ trong 11 tháng năm 2023, đạt 57 tỷ USD, một kết quả tích cực hiếm có trong bối cảnh các thị trường lớn khác suy giảm. Mặt khác, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 99,7 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại 43,6 tỷ USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ. Tổng giá trị thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 11 tháng năm 2023 là 155,7 tỷ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ.
“Do đó, chúng tôi tin rằng hoạt động khai thác tuyến nội Á của HAH cũng được cải thiện tương tự trong nửa cuối năm 2023. Ngoài ra, tổng giá trị thương mại giữa hai quốc gia thường giảm vào tháng 1 và tháng 2 (dịp Tết Nguyên đán), vì vậy chúng tôi kỳ vọng giá trị thương mại giữa hai nước sẽ cải thiện từ quý II/2024 trở đi”, VNDirect đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Ngành cảng và vận tải biển năm 2024: Từng bước phục hồi
04:30, 24/12/2023
Vận tải biển Việt Nam hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc?
02:30, 06/12/2023
4 “con sóng” hồi cho ngành vận tải biển
04:30, 21/10/2023
Ngành vận tải biển sẽ phục hồi trong năm 2024?
00:30, 03/09/2023
Sắp có Thông tư sửa đổi, cổ phiếu vận tải biển thăng hoa
05:30, 01/09/2023