Nghệ An “phác họa” bức tranh kinh tế năm 2024 ra sao?

Diendandoanhnghiep.vn Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang vấp phải những biến động khó lường, Nghệ An vẫn kỳ vọng bức tranh kinh tế năm 2024 của tỉnh này sẽ có nhiều gam màu sáng…

Theo kế hoạch năm 2024, Nghệ An đã đề ra 28 chỉ tiêu; trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 9 - 10%, thu ngân sách Nhà nước gần 16.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhằm nối đà “thăng hoa” của năm ngoái, địa phương này tiếp tục phấn đấu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 3 tỷ USD; qua đó, từng bước củng cố vị thế của mình trên lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Xuất khẩu sẽ tiếp đà “thăng hoa”…

Trong một bản báo cáo gần đây về tình hình kinh tế - xã hội của Nghệ An, Cục Thống kê tỉnh này dự báo rằng, năm 2024, tình hình chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ có sự giảm nhẹ, tác động sâu sắc đến nền kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói chung.

Khó khăn, thách thức là vậy, thế nhưng, Nghệ An xác định năm 2024 là năm thứ 4 địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời cũng là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong đó có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

>>Nghệ An tiếp tục “hối thúc” cải cách hành chính nhà nước

Do đó, chính quyền tỉnh đặt mục tiêu tổng quát là tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các chương trình hành động thực hiện Đại hội Đảng các cấp để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, nhất là các chỉ tiêu còn đạt thấp.

Cụ thể, dựa theo kế hoạch vừa được ban hành mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã đề ra 28 chỉ tiêu chủ yếu để phấn đấu. Trong đó, chỉ tiêu kinh tế bao gồm: Tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm (GRDP) 9-10%; cơ cấu nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 21 - 22%; công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 35 - 36% và dịch vụ chiếm khoảng từ 42 - 43%.

Nghệ An đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 đạt 3 tỷ USD

Nghệ An đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 đạt 3 tỷ USD

Cùng với đó, địa phương cũng đặt mục tiêu thu ngân sách Nhà nước đạt 15.903 tỷ đồng; tổng nguồn đầu tư phát triển toàn xã hội 106.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 62 - 63 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa 33%.

Và đặc biệt là tổng kim ngạch xuất khẩu trên toàn tỉnh sẽ tiếp tục vượt ngưỡng 3 tỷ USD, trong đó có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD trong năm 2024. Đứng đầu là nhóm hàng thiết bị, linh kiện điện tử với kim ngạch 680 triệu USD; thứ hai là nhóm hàng vật liệu xây dựng 550 triệu USD; thứ ba là nhóm hàng dệt, may với kim ngạch 500 triệu USD; thứ tư là dăm gỗ với kim ngạch 200 triệu USD; thứ năm là hàng thủy sản với kim ngạch 140 triệu USD; thứ sáu là giày, dép các loại với kim ngạch 100 triệu USD.

>>Thấy gì từ hoạt động xuất khẩu của Nghệ An vượt mức kỳ vọng?

Việc nhóm hàng thiết bị, linh kiện điện tử nằm chắc chắn ở vị trí dẫn đầu là bởi trong những năm qua, Nghệ An đã thu hút được nhiều “ông lớn” rót vốn vào đầu tư trên lĩnh vực này. Do vậy, năm 2024, Nghệ An đã đề ra mục tiêu trên địa bàn sản xuất được 580 triệu sản phẩm linh kiện điện tử.

Bên cạnh đó, địa phương này cũng đề ra một số chỉ tiêu khác liên quan đến vấn đề xã hội, đơn cử như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,0 - 1,5%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 78%; tạo việc làm mới 47.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo 70,1%; tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội 25,7%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%; thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông mới kiểu mẫu…

Duy trì tốc độ thu hút vốn FDI

Điều này xuất phát từ định hướng và kết quả thu hút đầu tư tích cực trong những năm gần đây của tỉnh Nghệ An. Theo đó, chỉ trong vòng 2 năm liên tiếp 2022 và 2023,  địa phương này đã thu hút tổng cộng gần 2,5 tỷ USD vốn FDI, trong đó riêng năm 2023 đạt hơn 1,6 tỷ USD.

Cụ thể, trong khuôn khổ phiên họp thường kỳ tháng 12/2023 của UBND tỉnh Nghệ An diễn ra vừa qua, ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An cho biết: Tính đến ngày 22/12/2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 116 dự án, tăng 3,6 lần so với năm 2022; điều chỉnh 185 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 57.891 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch cả năm là từ 30.000 - 35.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm đã đạt trên 1,6 tỷ USD.

>>Nghệ An chuẩn bị nguồn nhân lực đón “làn sóng” FDI

Thông tin thêm về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, ông Lê Tiến Trị - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết: Năm 2023, tỉnh thu hút được 1,603 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, tăng 66,8% so với năm 2022, xếp thứ 8 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó thu hút vào địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam đạt 1,595 tỷ USD.

Cùng với loạt dự án của nhà đầu tư nước ngoài vào “làm tổ” trong thời gian qua, Nghệ An liên tục lọt vào top 10 địa phương có nguồn vốn FDI lớn nhất cả nước... (Trong ảnh: Một góc khu công nghiệp Nam Cấm thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An)

Cùng với loạt dự án của nhà đầu tư nước ngoài vào “làm tổ” trong thời gian qua, Nghệ An liên tục lọt vào top 10 địa phương có nguồn vốn FDI lớn nhất cả nước... (Trong ảnh: Một góc khu công nghiệp Nam Cấm thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An)

Bên cạnh đó, ông Lê Tiến Trị còn thông tin thêm: Trong năm nay, tỉnh đã hỗ trợ, kết nối cung cấp 8.000 lao động cho các doanh nghiệp FDI và năm 2024 dự kiến nhu cầu lên 15.000 - 20.000 lao động.

Trên cơ sở đạt được những thành tích đáng tự hào nêu trên, năm 2024, Nghệ An tiếp tục đặt mục tiêu lọt vào tốp 10 địa phương thu hút FDI cao của cả nước. Riêng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An sẽ phấn đấu thu hút khoảng 20 - 25 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 15.000 - 20.000 tỷ đồng vào khu kinh tế; trong đó, vốn đầu tư FDI khoảng 700 triệu USD; thành lập mới từ 2 - 3 khu công nghiệp, với quy mô khoảng 600ha.

Để làm được điều đó, Nghệ An đã và đang chuẩn bị khá bài bản các nền tảng, hệ sinh thái để chào đón các nhà đầu tư, đặc biệt là nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt “5 sẵn sàng” về: Quy hoạch; hạ tầng thiết yếu; mặt bằng đầu tư; nguồn nhân lực; hỗ trợ thủ tục cho nhà đầu tư, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn đến đầu tư.

Được biết, hiện địa phương đang gấp rút triển khai công tác giải phóng mặt bằng để triển khai Khu công nghiệp VSIP Nghệ An II diện tích 500 ha tại Khu công nghiệp Thọ Lộc thuộc huyện Diễn Châu và Khu công nghiệp Hoàng Mai II diện tích hơn 334 ha ở TX Hoàng Mai để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đến “lót ổ” lâu dài...

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nghệ An “phác họa” bức tranh kinh tế năm 2024 ra sao? tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714203911 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714203911 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10