Nghị quyết 41-NQ/TW: Động lực thúc đẩy tinh thần cải cách

GIA NGUYỄN thực hiện 18/11/2023 11:30

Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị tạo cơ sở và động lực thúc đẩy tinh thần cải cách, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh bền vững, ổn định giúp doanh nghiệp phátt triển và cống hiến.

>>Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm thực hiện tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (Nghị quyết) tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân; đề ra các giải pháp toàn diện, trong đó có nhóm giải pháp liên quan đến hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp phát triển và cống hiến.

Theo bà Nghị quyết sẽ tác động như thế nào đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới?

Một môi trường đầu tư, kinh doanh với thể chế, pháp luật đảm bảo tự do, an toàn, bình đẳng và ổn định là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư; đồng thời tạo dựng niềm tin, động lực và khuyến khích sự sáng tạo của đội ngũ doanh nhân. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước sẽ thúc đẩy và lan toả tinh thần cải cách ở các cấp, từ đó tạo thêm các động lực cho tăng trưởng và phát triển.

Để hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp theo Nghị quyết đòi hỏi phải có sự vào cuộc của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Chính phủ, và các bên liên quan. Đây là một căn cứ cứ quan trọng để các cơ quan tham chiếu khi xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật.

Theo đó, Chính phủ cần khẩn trương hiện thực hoá các giải pháp Bộ Chính trị đề ra bằng việc rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản trong từng lĩnh vực cụ thể liên quan tới hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường giám sát và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách. Môi trường kinh doanh tự do, an toàn, ổn định sẽ góp phần khơi thông nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Một trong những giải pháp được Bộ Chính trị nhấn mạnh là không hình sự hóa quan hệ kinh tế. Trước đây, Nghị quyết số 35/NQ-CP (năm 2016) của Chính phủ, cũng đã xác định nguyên tắc này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vấn đề này lại là một trong những nỗi bất an của doanh nghiệp, doanh nhân. Vì thế, Nghị quyết sẽ củng cố niềm tin, tạo sự an tâm cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

>>Nghị quyết 41-NQ/TW: Tạo sức mạnh cộng hưởng

Ngoài ra, Nghị quyết cũng xác định nhiều giải pháp quan trọng khác như đảm bảo sự ổn định của pháp luật. Đây là vấn đề mà hầu hết nhà đầu tư và doanh nghiệp kỳ vọng bởi chính sách ổn định mới giúp họ xây dựng được chiến lược, kế hoạch kinh doanh dài hạn, từ đó quyết định thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh. Bởi vậy, các cơ quan hoạch định chính sách cần đảm bảo không tạo thêm gánh nặng chi phí, gây bất lợi và thiệt hại cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế để bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp do những rủi ro chính sách tạo ra.

 Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

Doanh nghiệp doanh nhân sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc đóng góp xây dựng chính sách pháp luật, thưa bà?

Theo quy định hiện hành, khi soạn thảo văn bản pháp luật cơ quan soạn thảo cần phải lấy ý kiến của các bên liên quan và các đối tượng chịu tác động. Theo đó, doanh nghiệp cũng là nhóm đối tượng quan trọng đóng góp vào xây dựng chính sách.

Thời gian qua, các doanh nghiệp khá chủ động và tích cực đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản pháp luật liên quan. Cơ quan soạn thảo cũng cầu thị hơn và tiếp thu tích cực các ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy vậy, vẫn còn nhiều trường hợp khi soạn thảo văn bản pháp luật, cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến còn hình thức, chưa thực chất. Vì thế, cần tiếp tục thực thi nghiêm túc và thực chất quy trình tham vấn các bên, trong đó có đối tượng chịu tác động trực tiếp là doanh nghiệp. Chất lượng văn bản chỉ được cải thiện khi cơ quan soạn thảo cầu thị và lắng nghe.

Bên cạnh việc lấy ý kiến doanh nghiệp, trong xây dựng chính sách thì Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các Hiệp hội cũng đóng vai trò rất quan trọng, bởi đây là nơi tổng hợp và phản ánh các ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Nghị quyết của Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của quá trình tham vấn và rõ ràng còn nhiều dư địa để làm tốt hơn.

Với góc độ chuyên gia nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, bà có đề xuất, khuyến nghị gì?

Để hiện thực hóa Nghị quyết, cần khôi phục Chương trình cải cách trong Chính phủ. Trong giai đoạn 2014-2019, Chính phủ đã rất thành công trong việc khơi dậy tinh thần và động lực cải cách; nhiều giải pháp đã được thực thi và môi trường kinh doanh cải thiện rõ rệt, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Với bối cảnh hiện nay, khi doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức thì việc thực hiện một Chương trình cải cách môi trường kinh doanh càng trở nên cần thiết; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp, doanh nhân. Chương trình này tạo lực cải cách trong các bộ, ngành, địa phương; gắn trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương và của người đứng đầu.

Cải cách phải là thực chất chứ không chỉ trên giấy. Việc đánh giá hiệu quả cải cách phải từ thực tế, từ đánh giá, ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, chứ không phải từ báo cáo hành chính.

Trân trọng cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm thực hiện tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW

    Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm thực hiện tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW

    13:09, 01/11/2023

  • Nghị quyết 41-NQ/TW

    Nghị quyết 41-NQ/TW "kim chỉ nam" để doanh nghiệp phát triển

    03:24, 23/10/2023

  • Nghị quyết 41-NQ/TW: Tạo sức mạnh cộng hưởng

    Nghị quyết 41-NQ/TW: Tạo sức mạnh cộng hưởng

    04:00, 21/10/2023

  • Nghị quyết 41-NQ/TW: VCCI phải có cách suy nghĩ mới

    Nghị quyết 41-NQ/TW: VCCI phải có cách suy nghĩ mới

    03:14, 20/10/2023

  • Nghị quyết 41-NQ/TW: Định hướng không hình sự hoá quan hệ kinh tế

    Nghị quyết 41-NQ/TW: Định hướng không hình sự hoá quan hệ kinh tế

    05:30, 19/10/2023

  • Nghị quyết 41-NQ/TW: Nâng tầm khát vọng!

    Nghị quyết 41-NQ/TW: Nâng tầm khát vọng!

    20:35, 18/10/2023

  • Nghị quyết 41-NQ/TW: Khởi đầu mới trong tình hình mới

    Nghị quyết 41-NQ/TW: Khởi đầu mới trong tình hình mới

    03:08, 18/10/2023

  • Nghị quyết 41-NQ/TW: Thôi thúc xã hội có góc nhìn mới về đội ngũ doanh nhân Việt Nam

    Nghị quyết 41-NQ/TW: Thôi thúc xã hội có góc nhìn mới về đội ngũ doanh nhân Việt Nam

    11:30, 17/10/2023

  • Để Nghị quyết 41-NQ/TW đi vào thực tiễn

    Để Nghị quyết 41-NQ/TW đi vào thực tiễn

    03:15, 15/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghị quyết 41-NQ/TW: Động lực thúc đẩy tinh thần cải cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO