Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 45, nhiều kế hoạch, chương trình, đề án được TP Hải Phòng ban hành, nhiều nguồn lực được bố trí để triển khai, nhất là các lĩnh vực mũi nhọn.
>>>Hải Phòng: Điểm sáng tăng trưởng kinh tế của cả nước
>>>Hải Phòng: Tăng cường hợp tác để phát triển công nghiệp phụ trợ
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức mới đây.
Khẳng định vai trò trung tâm kinh tế
Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 45-NQ/TW (Nghị quyết 45) về xây dựng và phát triển Hải Phòng tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 45, TP Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 45, nhiều kế hoạch, chương trình, đề án được ban hành; nhiều nguồn lực được bố trí để triển khai, nhất là các lĩnh vực mũi nhọn. Vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của thành phố Hải Phòng đối với vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước tiếp tục được khẳng định. Phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước”.
Cụ thể, quy mô kinh tế Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong Vùng đồng bằng sông Hồng, sau Hà Nội. Tăng trưởng GRDP bình quân đầu người giai đoạn 2019 - 2023 đạt 11,64%/năm, gấp 2,83 lần mức tăng bình quân chung của cả nước và gấp 1,97 lần GDP vùng đồng bằng sông Hồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2023 tăng trưởng bình quân đạt 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước. Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc.
Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ TP Hải Phòng đã có những bước phát triển đột phá. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. TP Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Giai đoạn 2019 - 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của thành phố đã có những chuyển biến mạnh mẽ, liên tục đạt vị trí xếp hạng cao. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của thành phố luôn duy trì là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước kể từ năm 2012 - năm đầu tiên Bộ Nội vụ thực hiện đo lường, đánh giá chỉ số này.
Đặc biệt, TP Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc, thành phố đã thu hút được 14 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 6 trong cả nước và được 307.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư Vùng đồng bằng sông Hồng với điểm sáng là khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Nhiều dự án quy mô lớn đến từ các tập đoàn, công ty hàng đầu tư thế giới và trong nước như LG, SK, Bridgestone, Vinfast...
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: “Từ kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 5/8/2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nghị quyết 45 ra đời là kim chỉ nam cho sự phát triển của Hải Phòng. Nghị quyết 45 với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể, những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thành phố phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu Hải Phòng phải đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ”.
Đề xuất thêm các chính sách đặc thù
Được biết, TP Hải Phòng hiện đang tập trung chỉ đạo xây dựng khu kinh tế mới - khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha. Đây là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics hiện đại và đô thị thông minh; là đầu mối của thành phố tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới.
Mục tiêu đến năm 2030, khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, TP Hải Phòng đã nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng, nằm trong khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 45, TP Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu mặc dù còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, TP Hải Phòng vẫn chưa đạt được kỳ vọng trong lộ trình phát triển. TP Hải Phòng cần xây dựng, hoàn thiện và kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố trong giai đoạn tới, trọng tâm là cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế, xã hội. Ví dụ như: Uỷ quyền, phân cấp cho thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thành lập Khu thương mại tự do TP Hải Phòng nằm trong Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.
Theo ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với TP Hải Phòng và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua ban hành Nghị quyết 35 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng đối với 3 lĩnh vực: quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Theo ông Trần Quốc Phương, đối với một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù cho TP Hải Phòng chưa được ban hành như: Thành lập Khu thương mại tự do, thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính; nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cảng. Vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thức rõ, để tạo động lực cho TP Hải Phòng phát triển tương xứng với tiềm năng vị trí cần có các cơ chế, chính sách đủ mạnh tạo đột phá, xứng đáng là thành phố cảng, có nền công nghiệp hiện đại, trọng điểm về kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics của khu vực phía Bắc.
Để xây dựng và phát triển Hải Phòng như mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất TP Hải Phòng cần chủ động nghiên cứu, đánh giá các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế chính sách đang được áp dụng tại khu thương mại tự do trên thế giới để xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do tại TP Hải Phòng. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng Đề án tổ chức chính quyền đô thị được quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, chế độ trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền thành phố gắn với một số cơ chế, chính sách hợp lý, kết hợp đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý theo “mô hình chính quyền đô thị” phù hợp đặc thù đô thị loại I…
Có thể bạn quan tâm