Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN do NHNN vừa ban hành đang tạo hiệu ứng niềm tin tích cực cho nửa cuối năm 2023.
>>> Giải bài toán tăng cường tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng
Ngay trong ngày 23/08/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN (Thông tư 10) để ngưng hiệu lực thi hành Khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39), đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
Đánh giá nhanh về tác động của Thông tư 10/2023, ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Đầu tư FIDT cho biết, trước tiên phải nói là Thông tư 06 có nhiều tác động tích cực trong dài hạn khi kiểm soát chặt chẽ hơn các mục đích cho vay được xem là rủi ro, giúp nâng cao chất lượng tài sản của hệ thống và giúp hệ thống ngân hàng cạnh tranh lành mạnh hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, một số điều khoản trong Thông tư 06 sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng, hạn chế tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản và có thể tác động tiêu cực đến chất lượng nợ của hệ thống trong bối cảnh nền kinh tế còn đang khó khăn.
"Việc NHNN kịp thời ban hành Thông tư 10 ngày 23/08/2023 có nghĩa là từ ngày 01/09/2023 các quy định theo Thông tư 06 sẽ có hiệu lực trừ 3 khoản 8,9,10 của Điều 8 theo Thông tư 06. Các khoản này của Thông tư 06 nhằm mục đích hạn chế các Tổ chức tín dụng cho vay các mục đích liên quan đến thanh toán tiền góp vốn vào các công ty hay góp vốn hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư và hạn chế cho vay bù đắp tài chính (cho vay để trả lại các khoản khách hàng tự ứng trước để thanh toán). Tôi cho rằng việc điều chỉnh này là phù hợp với bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước, chính sách tài khóa và tiền tệ cần tập trung đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với việc ban hành Thông tư 10 trước 01/09 còn được kỳ vọng sẽ giúp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể phát huy vài trò", ông Phương nhận định.
Ngoài ra, theo Giám đốc Khối của FIDT, tăng trưởng tín dụng hệ thống hiện đang rất thấp chỉ tăng 4,56% so với đầu năm cách xa mục tiêu định hướng đầu năm ở mức 14-15%. Với điều kiện mở hơn nhờ ngưng thi hành các khoản trên sẽ giúp tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới của hệ thống ngân hàng và hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.
"Do đó, tôi cho rằng quyết định trên của NHNN là hoàn toàn hợp lý và các khoản trên cần được cân nhắc áp dụng ở một thời điểm phù hợp hơn", ông Phương nhấn mạnh.
>>>Ngân hàng Nhà nước ngưng một số quy định cấm cho vay tại Thông tư 06/2023
>>>Phó Thống đốc NHNN: "Nếu tháo điều kiện tăng trưởng tín dụng, nợ xấu sẽ lên"
Nhận định về tác động của Thông tư 10/2023, nhóm phân tích CTCK Maybank Investment Bank (MSVN) cũng cho rằng, cần xác nhận Thông tư 06 được hình thành là mục đích tốt, nhưng việc áp dụng ngay như vậy là một sự siết chặt quá mức.
"Chúng tôi cho rằng việc hoãn thi hành các điều trên là thông tin khả quan cho ngành bất động sản, giúp cho ngành bất động sản khả quan hơn thông qua việc dễ dàng tiếp cận vốn vay của tổ chức tín dụng trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang "đói vốn" như hiện nay.
Theo chúng tôi, Thông tư 06 sẽ rõ ràng hơn cho các công ty bất động sản sau khi thị trường này đã được hình thành các khung pháp lí mới như ở Luật đất đai, Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản (được kỳ vọng thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023). Lúc này các quy định, định nghĩa sẽ rõ ràng hơn và các ngân hàng cũng như công ty bất động sản có thể dễ dàng tiếp cận vốn mà không bị đánh đồng cho các doanh nghiệp phát triển tốt và xấu", các nhà phân tích của MSVN nhận định.
Đồng thời, các chuyên gia cũng chia sẻ thêm điều đáng quan tâm nhất ở đây là việc chờ đợi hướng dẫn cụ thể hơn về các dự án đủ điều kiện kinh doanh so với đủ điều kiện pháp lý. Bởi lẽ dự án khi đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, chủ đầu tư không nhất thiết đi vay tín dụng ngân hàng với lãi suất cao; do tại thời điểm này thì chủ đầu tư đã được phép mua bán bất động sản hình thành trong tương lai, được huy động vốn từ khách hàng.
Trước đó, hàng loạt tranh cãi về vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đặc biệt của doanh nghiệp bất động sản, đã xảy ra khi Thông tư 06 được NHNN ban hành cuối tháng 6. NHNN cũng cho biết mục đích ban hành Thông tư 06, là xét trên thực tiễn thời gian qua cho thấy việc TCTD cho vay đối với một số nhu cầu vốn như vay để gửi tiền, vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp, trong nhiều trường hợp tiềm ẩn rủi ro, do: Đây là nhu cầu vốn khó kiểm soát mục đích sử dụng tiền vay do TCTD không kiểm soát được việc sử dụng vốn của bên nhận góp vốn, không có cơ sở để đánh giá thường xuyên đối với tình hình tài chính, tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp và đây là một trong những hình thức mà khách hàng có thể sử dụng để che giấu hình thức sở hữu lẫn nhau.
Bên cạnh đó, thực tiễn thời gian qua cho thấy việc cho vay đối với các nhu cầu vốn vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm TCTD quyết định cho vay, cũng tiềm ẩn ro. Mặt khác, việc khách hàng vay để bù đắp tài chính tiềm ẩn rủi ro về việc sử dụng vốn vay do khó đánh giá sự phù hợp giữa nhu cầu vay vốn và giá trị tài chính khách hàng đã mượn, tính xác thực của các giao dịch...
Xuất phát từ những thực tiễn đó và để hạn chế rủi ro cho hệ thống, sau những cảnh báo của NHNN, đã dẫn đến một phần các quy định tại Thông tư 06.
Trong tình thế thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn do sức mua rất yếu hiện nay dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tiếp tục bị thiếu dòng tiền, bị sụt giảm thanh khoản thậm chí bị mất thanh khoản lại đang bị tắc các nguồn vốn khác như bị tắc nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp hoặc bị tắc nguồn vốn huy động từ khách hàng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng là “chiếc phao cứu sinh” đối với các doanh nghiệp bất động sản.
“NHNN cũng cho biết tín dụng tiêu dùng bất động sản sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước đã cho thấy người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản khó tiếp cận tín dụng hoặc giảm nhu cầu tín dụng có liên quan đến tâm lý giảm niềm tin thị trường. Do đó, nếu có cơ chế hỗ trợ về tín dụng sẽ giúp làm tăng sức mua và tăng tổng cầu cho thị trường. Trong tình thế thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn hiện nay thì giải pháp tín dụng là giải pháp có tính đột phá và có tính lan tỏa nhanh nhất, rộng khắp nhất”, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.
HoREA theo đó, cũng là một trong những tổ chức Hiệp hội tích cực có các văn bản kiến nghị lên Chính phủ, NHNN về việc cần sửa đổi Thông tư 06 trước ngày thông tư có hiệu lực.
Tại hội thảo gần nhất do NHNN tổ chức nhằm bàn các giải pháp “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, việc hấp thụ tín dụng trong nền kinh tế yếu, với tăng trưởng tín dụng tháng 7 âm.
Theo thông thường, tín dụng bất động sản (BĐS) chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung nên khi tín dụng BĐS tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện tín dụng BĐS tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung; trong đó dư nợ kinh doanh BĐS trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS chiếm đến 65% dư nợ tín dụng BĐS lại giảm 1,12% (năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 03 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng 31,01%).
Theo bà Hà Thu Giang, điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua BĐS với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án BĐS đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.
Có thể bạn quan tâm
Phó Thống đốc NHNN: "Nếu tháo điều kiện tăng trưởng tín dụng, nợ xấu sẽ lên"
11:08, 22/08/2023
Sửa Luật các tổ chức tín dụng: Tư duy mới trong cách tiếp cận công nghệ tài chính
05:00, 21/08/2023
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giải ngân “ì ạch” vì đâu?
04:00, 16/08/2023
Thống đốc NHNN: Dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh vẫn được vay tín dụng
11:00, 16/08/2023