Nhu cầu tiêu thị sụt giảm, điện mặt trời áp mái phát triển ồ ạt...gây áp lực truyền tải lớn lên hệ thống, buộc nhiều dự án lớn phải cắt giảm công suất tới 50%, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến khiến ngành điện đối diện với bài toán nan giải... thừa điện, nhiều nhà máy điện mặt trời phải cắt giảm sản lượng vào giờ cao điểm.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Nhà máy điện mặt trời Hoà Hội cho biết, trong vòng 4 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12/2020, nhà máy liên tục phải cắt giảm công suất vì lý do đường dây quá tải, nhu cầu giảm.
“Nhiều ngày liền nhà máy bị cắt giảm công suất theo yêu cầu của A0, có những ngày công suất cắt giảm vào giờ cao điểm lên tới 50%. Thiệt hại ước tính khoảng 18 tỷ đồng chỉ tính riêng 4 tháng qua. Năm 2021 sẽ tiếp tục là năm khó khăn xương máu với các doanh nghiệp điện mặt trời”, ông Hùng chia sẻ.
Không riêng với Nhà máy điện mặt trời Hoà Hội, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió đang phải tiếp tục đau đầu do Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho hay, trong năm 2021 sẽ phải cắt giảm 1,3 tỷ kWh điện ở khối năng lượng tái tạo, trong đó có 500 triệu kWh là do thừa nguồn, thấp điểm trưa và quá tải vận hành đường dây 500 kV.
Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do thừa nguồn phát. “Phụ tải tiêu thụ điện thường có mức tăng trưởng 8-10% mỗi năm, tuy nhiên do nhiều yếu tố mà tăng trưởng năm 2020 chỉ đạt 2,4%/năm. Trong khi đó, công suất lắp đặt trong năm 2020 đã tăng gần 15.000 MW, điều này gây thừa điện”, ông Hùng chia sẻ.
Cùng với đó, nguyên nhân khác là do sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời áp mái nhà trong năm 2020, đặc biệt là trong tuần cuối cùng của năm, đã khiến tình trạng không huy động các nhà máy điện mặt trời lớn càng trở nên trầm trọng.
Đặc biệt, việc phát ngược lên lưới của điện mặt trời áp mái nhà do không bị ràng buộc bởi điều độ, mà “có bao nhiêu, lên lưới bấy nhiêu”. Do đó, dẫn đến phát ngược công suất lên lưới điện. Số liệu của EVN cho thấy, trong 9.300 MW điện mặt trời áp mái được bổ sung vào hệ thống năm 2020, thì có tới 76% hệ thống có mức công suất quanh 1 MW - tức là không phải nhằm tới mục tiêu tự dùng cho các hoạt động của mình, mà là để bán điện lên lưới.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho hay, trong năm 2020, cơ quan điều tiết phải giảm 365 triệu kWh điện mặt trời do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung.
“Nửa cuối tháng 11/2020, do tăng trưởng nóng trang trại điện mặt trời và điện mặt trời áp mái, ngành điện phải thực hiện khoảng 20 lần cắt giảm số giờ do thừa nguồn, với tổng sản lượng cắt giảm là 35 triệu kWh. Ngày 27/12 là ngày có công suất cắt giảm lớn nhất”, ông Ninh cho hay.
Với thực tế công suất các nguồn năng lượng tái tạo có lúc tương đương với nhu cầu tiêu thụ điện vào trưa các ngày cuối tuần, nên để đảm bảo hệ thống điện toàn quốc được vận hành an toàn, ổn định, việc giảm huy động điện mặt trời và điện gió đã phải thực hiện.
Cùng với đó, con số trên chưa kể tới 2.900 MW thủy điện nhỏ cũng đang phát và đây là nguồn được ưu tiên mua đầu tiên. Điều này dẫn tới tình trạng nhu cầu tiêu thụ điện nói chung giảm xuống, dẫn tới tiếp tục phải cắt giảm công suất của nhiều nhà máy điện trong hệ thống, nhất là các nhà máy điện mặt trời. Gần đây, nhiều nhà đầu tư điện tái tạo cũng đã phải gửi thư “kêu cứu” kiến nghị ưu tiên điều độ khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của dự án.
Do đó, Giám đốc A0 kiến nghị điều chỉnh giờ phát của các thủy điện nhỏ, đặc biệt là ở khu vực miền Trung, sang khung giờ khác, tránh thời gian từ 11h00 đến 13h00, vốn là thời gian bức xạ mặt trời tốt nhất trong ngày. Đồng thời, phân bổ lại công suất phát của điện mặt trời áp mái khi tỷ trọng của điện mặt trời áp mái so với nhà máy điện mặt trời lớn đã xấp xỉ 90%.
Mới đây, EVN cũng đã có đề nghị các nhà máy thủy điện nhỏ, tập trung ưu tiên phát điện trong cao điểm sáng (6h00-8h00) và chiều (17h00 – 20h00) của hồ thuỷ điện, hạn chế phát điện trong các khung giờ còn lại như 11h -13h chiều để giải toả công suất điện mặt trời. Đồng thời, sẽ không mua điện Trung Quốc trong năm 2021.
Đặc biệt, các nhà đầu tư cho rằng cần xem xét quy hoạch tổng thể điện tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái.
Có thể bạn quan tâm
13:50, 15/01/2021
05:00, 14/01/2021
03:00, 12/01/2021
14:39, 08/01/2021
03:30, 03/01/2021