Ngưỡng cửa lịch sử của nền kinh tế số 2 châu Âu

TRƯỜNG ĐẶNG 03/07/2024 03:00

Vòng 1 của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp đã đánh dấu chiến thắng áp đảo của phe cực hữu, khiến nước này tiến gần hơn bao giờ hết đến việc thành lập một chính phủ cực hữu lần đầu tiên.

Đảng cực hữu của bà Le Pen đã giành chiến thắng vang dội ở vòng một cuộc bầu cử quốc hội Pháp

Đảng cực hữu của bà Le Pen đã giành chiến thắng vang dội ở vòng một cuộc bầu cử Quốc hội Pháp.

Chính trường Pháp rung động

Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng một vào ngày 30/6 vừa qua đã mang tới một cú sốc cho Tổng thống Emmanuel Macron. Canh bạc kêu gọi tổ chức cuộc bỏ phiếu nhanh chóng sau thất bại thảm hại trước phe cực hữu trong cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6 đã thất bại.

>>Quốc gia nào "mở đường" áp thuế carbon ngành nông nghiệp?

Giờ đây, nền kinh tế Pháp đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc thành lập một chính phủ cực hữu lần đầu tiên, sau khi đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen dẫn đầu đầy ấn tượng trong giai đoạn đầu của cuộc bỏ phiếu.

Nếu cuộc bỏ phiếu vòng hai vào ngày 7 tháng 7 tới mang lại đa số trong Quốc hội cho đảng này, nước Pháp sẽ ở trong một tình cảnh khác, nơi các chính trị gia được cho sẽ có xu hướng thân Nga hơn, chống lại vấn đề di cư và thậm chí đe dọa sự đoàn kết của NATO. Chiến thắng trong cuộc bầu cử này sẽ gia tăng cơ hội cho bà Marine Le Pen giành chức Tổng thống Pháp vào năm 2027.

Mặc dù đảng của bà Le Pen đã xoa dịu một số lập trường cứng rắn, nhưng theo các chuyên gia, đảng này vẫn hoài nghi sâu sắc về các quan điểm chính trị chính thống của phương Tây.

Bruno Cautrès, nhà phân tích chính trị của viện Sciences Po, cho biết: “Họ đã thắng cuộc bầu cử châu Âu ba lần liên tiếp và bà Marine Le Pen hai lần lọt vào vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống. Nếu họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quan trọng thứ hai ở Pháp (cuộc bầu cử Quốc hội), họ sẽ trở thành xu hướng chủ đạo.”

Theo kết quả cuối cùng được Bộ Nội vụ Pháp công bố, đảng RN đã giành 29,5% phiếu bầu trong vòng đầu tiên. Cuối tuần này, Viện Ipsos ước tính phe cực hữu có thể giành được từ 230-280 ghế trong Quốc hội có tổng cộng 577 ghế. 

Trong khi đó, liên minh Ensemble của đương kim Tổng thống Macron đứng thứ ba với 20% phiếu bầu, sau cả Liên minh Mặt trận Bình dân Mới cánh tả với 28% phiếu bầu.

Với ngưỡng để giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội là 289 ghế, phe cực hữu thậm chí có thể thành lập chính phủ trong thời gian một tuần, với Chủ tịch National Rally 28 tuổi Jordan Bardella làm Thủ tướng.

>>EU vấp nhiều rào cản để kiềm chế năng lực công nghệ Trung Quốc

Quan điểm chính sách của bà Le Pen

Thông qua các tuyên bố và vận động bầu cử, chính sách kinh tế của đảng RN dưới sự lãnh đạo của bà Marine Le Pen có một số đặc điểm khác biệt nổi bật và có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Pháp và châu Âu.

Nền kinh tế Pháp dưới thời ông Macron chưa có nhiều tiến bộ

Nền kinh tế Pháp dưới thời ông Macron chưa có nhiều tiến bộ, dù Pháp là nền kinh tế lớn số hai châu lục.

Đầu tiên, bà Le Pen đã bày tỏ mong muốn bảo vệ nền kinh tế trong nước nhiều hơn. Bà cam kết bảo vệ các doanh nghiệp và công việc của người Pháp bằng cách tái áp dụng kiểm soát biên giới và đưa ra các biện pháp bảo hộ đối với các doanh nghiệp trong nước. Điều này bao gồm việc ưu tiên các hợp đồng của chính phủ cho các công ty Pháp và cung cấp trợ cấp bổ sung cho nông dân Pháp.

RN cũng đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với nhiên liệu, điện, khí đốt và hàng tiêu dùng, ước tính trị giá 24 tỷ euro, nhằm giảm gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, phe cực hữu của Pháp cũng cam kết tăng chi tiêu công để hỗ trợ các dịch vụ công cộng và phát triển hạ tầng, mặc dù điều này có thể làm tăng nợ công vốn đã cao của nước Pháp.

Điều mà các nhà quan sát quan tâm ngoài kinh tế còn là quan điểm của đảng này đối với EU và quốc tế. Lãnh đạo đảng Le Pen có quan điểm hoài nghi về EU và đã hậu thuẫn các chính sách có thể vi phạm luật pháp của EU, chẳng hạn như kiểm soát biên giới và ưu tiên các doanh nghiệp quốc gia trong các hợp đồng công. Lập trường cứng rắn của bà Le Pen còn thể hiện ở việc muốn giảm đóng góp của Pháp vào ngân sách EU, điều này có thể gây ra xung đột pháp lý và tài chính với Brussels.

Trong chính sách đối ngoại, bà Le Pen được cho có quan điểm muốn giảm sự phụ thuộc của Pháp vào Đức và Mỹ, đồng thời duy trì một lập trường cứng rắn hơn với việc mở rộng NATO và EU. Nếu bà trở thành Tổng thống Pháp, có nguy cơ Pháp giảm ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Có thể bạn quan tâm

  • "Bùng nổ" điện mặt trời: Mặt trái ám ảnh châu Âu

    03:00, 26/06/2024

  • Ngành ô tô châu Âu

    Ngành ô tô châu Âu "nổi giận", EU sẽ đảo ngược chính sách thuế?

    03:00, 19/06/2024

  • Đánh thuế xe điện Trung Quốc, châu Âu sẽ chịu thiệt?

    Đánh thuế xe điện Trung Quốc, châu Âu sẽ chịu thiệt?

    04:00, 15/06/2024

  • Ninh Thuận đề xuất Ủy ban Châu Âu hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo

    Ninh Thuận đề xuất Ủy ban Châu Âu hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo

    19:19, 29/05/2024

  • Kinh tế châu Âu sắp “hạ cánh mềm”

    Kinh tế châu Âu sắp “hạ cánh mềm”

    12:00, 25/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngưỡng cửa lịch sử của nền kinh tế số 2 châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO