Đề án Luật Đối tác theo hình thức đối tác công tư sẽ phải giải quyết cả vấn đề nội tại và tương lai - Đây là quan điểm của Luật sư Nguyễn Hưng Quang, văn phòng luật sư NH Quang và cộng sự.
- Theo ông, đề án Luật về PPP đang được Bộ KH&ĐT xây dựng liệu có “giải được bài toán” hành lang pháp lý?
Hiện nay, các dự án PPP còn tồn tại nhiều bất ổn, các quy định pháp luật còn chưa thực sự đồng bộ. Hoạt động đầu tư theo hình thức PPP được quy định rải rác ở nhiều văn bản luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và nhiều nghị định...
Có thể bạn quan tâm
11:00, 11/05/2018
16:01, 10/05/2018
06:09, 08/05/2018
Do đó, Luật về PPP không chỉ giải quyết những vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư PPP mà còn tạo được hành lang pháp lý bảo đảm lợi ích cho các bên tham gia là Nhà nước và nhà đầu tư và cả cộng đồng.
- Vậy, diện mạo mới về PPP như thế nào để có thể đáp ứng được mong mỏi này?
Luật về PPP đang được doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn. Để đáp ứng được với kỳ vọng ấy, “diện mạo” của Luật PPP nên như sau: Thứ nhất, phân định rõ trách nhiệm của các bên và cần có cơ chế thẩm định và giám sát hoạt động này.
Luật mới về PPP cần lưu tâm tới việc Nhà nước bảo lãnh vay vốn cho nhà đầu tư tại các dự án PPP.
Luật mới cần quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là dự án hạ tầng giao thông và bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư tại những dự án này. Đồng thời, Luật mới cũng cần quy định rõ về cơ chế xác định giá trị đầu tư, lợi nhuận thu hồi của doanh nghiệp để bảo đảm Nhà nước, cộng đồng không bị lạm dụng.
Thứ hai, hạn chế việc chuyển dịch lợi ích của Nhà nước cho nhà đầu tư một cách không đúng đắn, không bảo đảm lợi ích Nhà nước và cộng đồng.
Tôi cho rằng Luật mới về PPP cần lưu tâm tới việc Nhà nước bảo lãnh vay vốn cho nhà đầu tư tại các dự án PPP. Nếu Nhà nước đứng ra bảo lãnh phần vốn vay, cung cấp đặc quyền khai thác dự án cho nhà đầu tư thì vô hình chung Nhà nước chuyển nguồn lực của mình cho nhà đầu tư.
Thứ ba, tạo một khung pháp lý đồng bộ, thống nhất và có khả năng thực thi. Thứ tư, bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các bên tham gia vào quan hệ đối tác công tư.
Cuối cùng, Luật mới cần quy định các hoạt động hợp tác đối tác công tư trong việc cung cấp dịch vụ công, các dự án cơ sở hạ tầng có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
- Nhưng Luật này chỉ điều chỉnh được các dự án PPP về sau. Còn đối với với các dự án PPP với đầy rẫy những bất ổn ở trước thì sao, thưa luật sư?
Cũng có thể có quy định chuyển tiếp trong Luật mới để nhà đầu tư khắc phục các vướng mắc trước đây. Tuy nhiên, quy định mới cần phải bảo đảm tính tự nguyện áp dụng của nhà đầu tư đối với các dự án PPP đã được cấp phép trước khi Luật mới có hiệu lực.
- Trân trọng cảm ơn ông!