Nhà đầu tư nước ngoài vẫn "trăn trở" về thủ tục hành chính

THY HẰNG 23/03/2024 03:00

Cho biết nhiều thủ tục hành chính phải mất tới 2-3 năm để giải quyết, doanh nghiệp cho rằng cần thực hiện chính sách một cách nhất quán và theo dõi sát sao hơn việc cải cách thủ tục hành chính.

>>>Quỹ Hỗ trợ đầu tư: “Nới” điều kiện với doanh nghiệp công nghệ cao

Theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng đến tăng trưởng xanh tại Việt Nam, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, cần có những cơ chế ưu đãi hấp dẫn và đa dạng cho các nhà đầu tư FDI tại Việt Nam.

Tổng giám đốc Samsung Việt Nam

Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho rằng cần đơn giản hoá thủ tục hành chính và đảm bảo tính nhất quán của chính sách.

Đặc biệt là liên quan đến quỹ hỗ trợ đầu tư dưới sự quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có vai trò đáng kể để nâng cao quá trình cạnh tranh của Việt Nam, thúc đẩy đáng kể sự chuyển dịch của Việt Nam sang tương lai xanh và sạch hơn.

Cùng với đó, Việt Nam có thể đưa ra cơ chế thử nghiệm để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Để làm được điều đó, theo ông Choi Joo Ho, cần có những cơ chế khuyến khích vào các lĩnh vực mới như: AI, bán dẫn và ESG.

Đặc biệt, cần đơn giản hoá thủ tục hành chính và đảm bảo tính nhất quán của chính sách. Đồng thời, giảm thiểu những điều không chắc chắn về khung pháp lý.

"Để tăng cường lòng tin của doanh nghiệp FDI, đề nghị Chính phủ thực hiện các cam kết với doanh nghiệp về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, theo dõi sát sao việc thực hiện chính sách một cách nhất quán và giảm thiểu những điều không chắc chắn về pháp lý cũng như theo dõi sát sao hơn việc cải cách thủ tục hành chính. Hiện tại, nhiều thủ tục hành chính phải mất tới 2-3 năm để giải quyết”, ông Choi Joo Ho nêu rõ.

Đồng tình với kiến nghị cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đã kiến nghị cụ thể cần đơn giản hóa thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo ông Hong Sun, đối với các doanh nghiệp sản xuất đầu tư vào Việt Nam, căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam được sửa đổi từ ngày 01/1/2022, thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được thay đổi từ cấp tỉnh thành cấp cơ quan trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tùy theo khả năng gây ô nhiễm môi trường và công suất. Điều này khiến thời gian và chi phí xin phê duyệt báo cáo tác động môi trường gia tăng, gây ra gánh nặng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Dù thủ tục đánh giá đã thuận lợi hơn so với giai đoạn đầu mới thực thi quy định, tuy nhiên thực tế là thời gian đánh giá tác động môi trường đang mất ít nhất từ 2 tháng (60 ngày) đến 3 tháng (90 ngày), hồ sơ trình xin phê duyệt cũng tăng khoảng 50-60% so với hồ sơ đã nộp trước đây để xin phê duyệt ở cấp tỉnh. Điều này đang là trở ngại cho hoạt động đầu tư nhanh chóng của các nhà đầu tư”, ông Hong Sun nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng việc giảm thiểu chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính quá mức đối với các doanh nghiệp xin phê duyệt được coi là phù hợp với định hướng cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ cũng như thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Do đó, cần điều chỉnh có tính thực tế các tiêu chí để cơ quan trung ương thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

>>>VBF 2024: Nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo thiếu điện

Kiến nghị giải pháp cho vấn đề này, ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có thể thúc đẩy đáng kể đầu tư nước ngoài bằng cách đơn giản hóa và hợp lý hóa các thủ tục cấp và gia hạn giấy phép kinh doanh, chứng chỉ và giấy phép khác.

đang là trở ngại cho hoạt động đầu tư nhanh chóng của các nhà đầu tư.

Thủ tục hành chính đang là trở ngại cho hoạt động đầu tư nhanh chóng của các nhà đầu tư.

“Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài vốn thường e ngại các quy trình quan liêu phức tạp. Cho đến nay, thủ tục cấp phép và thời gian để doanh nghiệp FDI xin giấy phép kinh doanh cho các lĩnh vực bao gồm hoạt động bán lẻ, cho thuê thiết bị và thương mại điện tử từ Bộ Công thương vẫn còn rất nặng nề và mất thời gian. Thông thường, các doanh nghiệp phải nhiều lần nộp giấy tờ và các vòng giải thích, làm rõ với Bộ Công thương và Sở Công thương. Việc này có thể mất tới 12 tháng”, ông Seck Yee Chung báo cáo ví dụ điển hình.

Đây là lý do, các hiệp hội đã gửi tới những kiến nghị rất cụ thể, để kỳ vọng có các giải pháp xử lý cụ thể, rõ ràng tương ứng, đảm bảo thực hiện hiệu quả. Cụ thể, nhóm liên kết với VBF đề xuất mở rộng cổng thông tin trực tuyến và nộp hồ sơ điện tử, với mong muốn cho phép nhiều ứng dụng và thủ tục của chính phủ được hoàn thành trực tuyến hơn, giúp quá trình này nhanh hơn và thuận tiện hơn.

Cùng với đó, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chấp nhận chữ ký điện tử, chấp nhận thông tin liên lạc qua email, giảm sự phụ thuộc vào giấy tờ.

Thực tế, một số thủ tục, như đăng ký công ty, đã được thực hiện trực tuyến, nhưng ông Seck Yee Chung cho biết, nhiều quy trình liên quan đến đầu tư nước ngoài vẫn yêu cầu gặp mặt trực tiếp và nộp hồ sơ trực tiếp. Số hồ sơ này bao gồm cả đăng ký đầu tư, phê duyệt M&A, đăng ký khoản vay nước ngoài, thành lập văn phòng đại diện và xin giấy phép kinh doanh bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.

“Bằng cách cung cấp các lựa chọn trực tuyến cho các thủ tục này, Việt Nam có thể thu hút thêm vốn và đối tác nước ngoài”, ông Seck Yee Chung chuyển tải kỳ vọng của các doanh nghiệp. 

Có thể bạn quan tâm

  • Thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất 0% và nỗi lo của doanh nghiệp

    03:00, 22/03/2024

  • Quỹ Hỗ trợ đầu tư: “Nới” điều kiện với doanh nghiệp công nghệ cao

    03:00, 21/03/2024

  • VBF 2024: Cộng đồng doanh nghiệp cam kết cùng Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng xanh

    15:48, 19/03/2024

  • VBF 2024: Nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo thiếu điện

    15:22, 19/03/2024

  • VBF 2024: “Chìa khoá” hiện thực mục tiêu tăng trưởng xanh

    15:10, 19/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn "trăn trở" về thủ tục hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO