Mặc dù chịu tác động mạnh từ đại dịch COVID-19, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn rất hấp dẫn các quỹ đầu tư, song cũng đang bộc lộ “lỗ hổng” về nguồn nhân lực.
Mặc dù chịu tác động khá nặng từ đại dịch COVID-19, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển về số lượng, hiện đã bước vào giai đoạn trọng yếu, cần nhiều sự đầu tư theo chiều sâu để có thể tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có chất lượng cao và mang tầm quốc tế. Để làm được điều này, phát triển nguồn nhân lực là một trong những nền tảng quan trọng nhất.
Rất nhiều người nghĩ bài toán nhân sự chỉ là vấn đề của các công ty lớn, nhưng thực tế thì không phải vậy. Quản trị nhân sự có vai trò rất quan trọng đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi vì con người chính là yếu tố tạo nên thành công cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Bài toán nhân sự là bài toán thách thức lớn đối với các startup, nếu không có bộ phận nhân sự để dựa vào. Lúc này, CEO chính là người làm nhân sự, còn nhân viên phụ trách nhân sự chỉ thiên về mảng hành chính nên doanh nghiệp nhìn chung còn yếu và thiếu về các hoạt động quản trị nhân sự bài bản.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Việt Nam đang thiếu rất nhiều nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, bởi nhân lực cho hệ sinh thái này không chỉ là những người khởi nghiệp, mà còn là các nhà tư vấn, chuyên gia và chủ doanh nghiệp thành công quay lại hỗ trợ cho khởi nghiệp... Ngoài việc xây dựng nguồn nhân lực trong lãnh thổ Việt Nam, Nhà nước luôn chào đón, tạo điều kiện cho các du học sinh, startup ở nước ngoài quay trở về Việt Nam sinh sống, làm việc. Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Bộ Ngoại giao đã và đang hoàn thiện chính sách nhằm khuyến khích sự sáng tạo, cống hiến nhiều hơn của người dân, thu hút nhân tài trong và ngoài nước, khơi dậy khát vọng dân tộc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển đất nước.
Để nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy phát triển nhận thức, tư duy về đổi mới sáng tạo, trong Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025”, vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo được hết sức quan tâm. Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Lê Văn Quân thông tin, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí đào tạo kiến thức chuyên sâu và kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo cho các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ huấn luyện viên, cố vấn và các cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô; khuyến khích thành lập mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.... Chỉ riêng năm 2020, thành phố đã bố trí khoảng 20 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ, trong đó có chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo.
Theo bà Hoàng Thị Kim Dung, Trưởng đại diện Genesia Ventures tại Việt Nam chia sẻ, rất trăn trở về yếu tố nhân lực và đánh giá, đây là “lỗ hổng” lớn nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Thu hút nhân tài luôn là vấn đề khiến các startup “đau đầu”, kể cả các startup đã gây dựng được quy mô lớn so với các đối thủ trên thị trường.
Với ông Lâm Hữu Khánh Phương, nhà sáng lập Vườn ươm khởi nghiệp Uni Incubator từng cho rằng, hầu hết startup Việt Nam đều gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự, nhất là các nhân sự có trình độ, kỹ năng. Lý do là đa số người có năng lực làm việc tốt lại muốn phát triển tại những doanh nghiệp lớn thay vì chịu rủi ro cùng startup. Một người có năng lực tốt bao giờ cũng yêu cầu mức thu nhập tương xứng, họ chỉ chấp nhận mức lương bình thường khi có một số điều kiện khác thúc đẩy họ như: lãnh đạo là người giỏi, sản phẩm có tiềm năng lớn hoặc họ có khả năng sở hữu một phần doanh nghiệp.
Hậu hết giai đoạn đầu doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu nguồn lực nên khó khăn thu hút nhân tài. Do đó doanh nghiệp có xu hướng thuê và sử dụng nhân lực có mức tiền lương thấp, năng lực đôi khi chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây có lẽ là sai lầm lớn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tham vọng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ đổi mới sáng tạo, và muốn thu hút vốn của nhà đầu tư. Thu hút nhân tài về chính là chìa khóa giúp quá trình khởi nghiệp thành công. Nhưng để thu hút được nhân tài, hai yếu tố chi phối khả năng thu hút người tài đó là: Bản thân chủ doanh nghiệp không đủ năng lực để sử dụng nhân tài. Khi tầm nhìn của chủ doanh nghiệp còn hẹp, thì doanh nghiệp khởi nghiệp khó thu hút được nhân tài; Sự hấp dẫn của ý tưởng và dự án khởi nghiệp. Khi ý tưởng và dự án khởi nghiệp tốt, tiềm năng cao, đó là chìa khóa để thu hút nhân tài. Ngược lại, rất khó thu hút người tài về tham gia doanh nghiệp khởi nghiệp mà họ không đánh giá tốt về tương lai của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC từng chia sẻ để có một hành trình khởi nghiệp suôn sẻ và thuận lợi, ngoài tiềm lực kinh tế và trình độ, công nghệ sản xuất… các startup cũng rất cần chuẩn bị cho mình hành trang kiến thức về quản trị nhân sự; tích lũy kinh nghiệm từ các tình huống thực tế cũng như biết vận dụng cách thức quản lý sao cho linh hoạt và hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm