Từng tiên phong trong giao dịch không tiền mặt, Nhật Bản nay đang tụt lại phía sau vì dân số già vẫn ưa chuộng tiền mặt hơn.
Khi chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào ngày 1/10 tới đây, việc này không chỉ là một nỗ lực để tăng doanh thu và cắt giảm thâm hụt của đất nước, mà đây còn được xem là một cơ hội hoàn hảo giúp thúc đẩy Nhật Bản sớm xây dựng một xã hội không tiền mặt.
Hiện tại, tiền mặt đang là phương tiện thanh toán được ưa chuộng nhất tại đất nước mặt trời mọc. Người dân Nhật Bản, với những chiếc ví dày nhô ra khỏi túi sau hoặc để chúng trên bàn trong quán cà phê trong khi chờ xếp hàng để uống một tách cà phê là một hình ảnh quá quen thuộc.
Tại Nhật Bản, các hộ gia đình Nhật Bản thường có thói quen tích lũy hơn một nửa tài sản của họ bằng hình thức cất giữ tiền mặt tại nhà, hay sử dụng các tài khoản tiền gửi tại ngân hàng.
Có nhiều lý do khiến gười dân Nhật Bản có thói quen sử dụng tiền mặt. Người dân cảm thấy thoải mái khi mang theo tiền mặt trong người vì đất nước này vốn có rất ít tội phạm.Tuy nhiên, nếu nhìn vào mặt khác của vấn đề, Nhật Bản đang dần trở thành xã hội "siêu già" đầu tiên của thế giới với hơn 28% dân số từ 65 tuổi trở lên.
Điều này cũng khiến việc thuyết phục người tiêu dùng ở đây thử các công nghệ mới trở nên khó khăn hơn, theo chuyên gia phân tích Yuki Fukumoto của Viện Nghiên cứu NLI. Ông Fukomoto khẳng định "thách thức hiện nay là làm sao khuyến khích được người dân thay đổi thói quen của họ".
Nhưng chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang muốn áp dụng nhiều hơn các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, do các nhà lãnh đạo quốc gia này đang nhận ra sự phát triển của các công cụ tài chính hiện đại chính là điều cần thiết để Nhật Bản đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư về trí tuệ nhân tạo, robot và thậm chí là hơn thế nữa. Bên cạnh đó, thông qua các công cụ thanh toán tài chính hiện đại, chính phủ cũng có thể theo dõi dòng tiền một cách hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 16/07/2019
17:46, 12/06/2019
04:17, 06/11/2018
Chính phủ Nhật Bản đã mất nhiều năm để đặt nền tảng cho các công cụ thanh toán hiện đại này. Năm 2017, Bộ Kinh tế và Công Thương Nhật Bản (METI) đã công bố một kế hoạch về chính sách fintech của quốc gia này, theo đó Nhật Bản xác định ba mục tiêu tăng trưởng của các công cụ thanh toán tài chính hiện đại, Nhật Bản sẽ nâng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt từ chỉ hơn 18% trong năm 2017 lên 40% vào năm 2027.
Những nỗ lực từ METI, kết hợp với Đạo luật Ngân hàng sửa đổi năm 2017 đã giúp hỗ trợ triển khai hệ thống "ngân hàng mở". Việc này sẽ thúc đẩy sự phát triển của tài chính số, giúp ứng dụng ngân hàng điện tử của các ngân hàng tại Nhật Bản hiện diện trên điện thoại thông minh của người dùng quốc đảo này.
Thuế tiêu dùng được cho là giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch này của Nhật Bản. Trước nguy cơ người dân cắt giảm chi tiêu - lần tăng thuế bán hàng cuối cùng đã đẩy đất nước vào suy thoái - trong một loạt các biện pháp đối phó của mình, METI đã áp dụng một chiến dịch kéo dài 9 tháng để hoàn trả cho người tiêu dùng.
Theo đó, người tiêu dùng sẽ được hoàn tiền dưới dạng điểm nếu họ sử dụng một trong hơn 40 hệ thống thanh toán tiền điện tử được Chính phủ phê duyệt khi mua sắm tại các cửa hàng trong hệ thống hơn nửa triệu cửa hàng trên toàn quốc.
Người tiêu dùng có thể nhận được khoản hoàn lại từ 2% hoặc 5%, tùy thuộc vào nơi họ mua sắm, cho ứng dụng tiền điện tử mà họ đã sử dụng để mua hàng. Trong một số trường hợp, cả người tiêu dùng lẫn cửa hàng sẽ có lợi hơn so với việc tăng thuế bán hàng thực tế. Điều này được xem là một động thái ngầm trợ cấp của Chính phủ đối với việc áp dụng rộng rãi các khoản thanh toán không dùng tiền mặt tại Nhật Bản.
Đây là một sự thúc đẩy lớn cho ngành thanh toán điện tử tại đất nước mặt trời mọc. Nhưng không phải tất cả các ngân hàng đều đã sẵn sàng cho việc thử nghiệm các hình thức thanh toán điện tử mới này.
Vào tháng 3/2019, Tập đoàn tài chính Mizuho đã ra mắt J-Coin Pay, một hệ thống thanh toán dựa trên mã QR, với 60 tổ chức tài chính khác bất chấp việc người tiêu dùng chưa mấy mặn mà với hình thức thanh toán này. Tương tự như Mizuho, Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ đã phát triển một loại tiền điện tử dựa trên blockchain trong nhiều năm qua, và Tập đoàn này đã kế hoạch phát hành đồng tiền này vào cuối năm 2019.
Một số các công ty công nghệ như Rakuten, Yahoo Nhật Bản và nhà điều hành các ứng dụng nhắn tin đã rất tích cực trong việc quảng bá các ứng dụng thanh toán tiền điện tử của họ, đồng thời cung cấp các tiện ích bổ sung như điểm thưởng cho khách hàng thường xuyên hay tặng mã giảm giá sử dụng cho giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử của họ.
Các chính sách hỗ trợ của chính phủ đối với hệ thống thanh toán điện tử nói chung và tiền điện tử nói riêng được xem là cơ hội vàng, giúp các công ty công nghệ của Nhật Bản trong việc nắm bắt một phần tiền người tiêu dùng Nhật Bản.
Tiền điện tử được xem như công cụ lý tưởng đầu tiên đối với một công ty trong việc thiết lập mối quan hệ dịch vụ tài chính, sau đó theo thời gian các công ty này có thể tạo ra các sản phẩm tài chính có lợi nhuận cao hơn.
Những công ty như Rakuten và Yahoo Nhật Bản có thể dễ dàng cung cấp các dịch vụ tài chính rộng lớn, thông qua hệ dữ liệu phong phú về thói quen chi tiêu, cũng như dễ dàng khảo sát các các khuynh hướng tiêu dùng các nhân của khách hàng dựa trên các công nghệ mới như AI và sự hỗ trợ của chính phủ.
Cuối cùng, các ngân hàng Nhật Bản, với uy tín trong nước rất lớn và niềm tin của khách hàng, cùng với chiến lược mạnh mẽ, có thể được tận dụng để cung cấp sản phẩm thanh toán điện tử và bảo vệ thị phần của họ.
Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nhưng không phải là hệ thống thanh toán điện tử tại Nhật Bản chưa phải chịu một sự tổn thương nào. Hệ thống thanh toán 7Pay đã bị một vụ tấn công lớn ngay sau khi ra mắt vào tháng 7/2019 và ngay sau đó công ty sau đó đã quyết định đóng cửa dịch vụ.
Tương tự như 7Pay, Mizuho đã phát hiện ra một vụ tấn công vào hệ thống thử nghiệm của J-Coin Pay vào ngày 27/8, ảnh hưởng đến dữ liệu của hàng ngàn người dùng và hệ thống các cửa hàng trong chuỗi.
Vẫn còn quá sớm để nói liệu công chúng Nhật Bản có thực sự chuyển sang sử dụng các ứng dụng thanh toán điện tử, hay tiền điện tử hay không và liệu các công ty công nghệ có thể chuyển sang cung cấp thêm dịch vụ tài chính thông qua các ứng dụng tiền điện tử của họ hay không.
Nhưng nếu điều này có thể trở thành hiện thực, người tiêu dùng đất nước mặt trời mọc có thể hy vọng trong một tương lai không xa, họ có thể ra phố mua sắm với những chiếc ví mỏng hơn đáng kể.