Nhiều chính sách giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp đã bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2024, điển hình như giảm thuế VAT 2% và giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu…
>>Có nên đồng loạt giảm 2% thuế VAT?
Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được giảm 50%. Cụ thể, xăng về mức 2.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; Mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; Dầu hỏa 600 đồng/lít. Mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Bộ Tài chính đánh giá, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó, việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp. Thuế BVMT là một trong những yếu tố cấu thành giá bán lẻ xăng dầu trong nước nên việc điều chỉnh mức thuế BVMT sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Việc tiếp tục giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 sẽ tiếp tục góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Từ đó, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng dầu. Đồng thời, sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhất là doanh nghiệp ở một số lĩnh vực như vận tải, đánh bắt hải sản...
Mặc dù giảm thuế BVMT với xăng dầu làm giảm gần 43.000 tỷ đồng tiền thu ngân sách nhưng mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ tích cực cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 94/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ. Từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.
Người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách giảm thuế VAT. Giảm thuế VAT góp phần giảm giá bán và giảm trực tiếp chi phí tiền mua hàng hoá của của người dân. Đối với doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế VAT góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh.
>>Giảm thuế VAT – “Tiếp sức” cho nền kinh tế
Đánh giá về chính sách giảm thuế VAT của Chính phủ, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, việc giảm 2% VAT thời gian qua đã phát huy tác dụng thiết thực; giúp kéo giảm giá hàng hóa. Chi phí đầu vào giảm, người tiêu dùng mua được hàng hóa rẻ hơn.
“Giảm VAT cũng giúp giảm áp lực lạm phát, đảm bảo cân đối vĩ mô lớn hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chính sách này hỗ trợ trực tiếp giảm khó khăn trước mắt cho hộ gia đình, nhất là lao động thu nhập thấp. Với tác dụng như trên, chính sách giảm thuế kéo dài hơn so với đề xuất là rất hợp lý”, ông Việt chia sẻ.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc giảm VAT là hoàn toàn hợp lý và cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Theo ông Thịnh, thị trường xuất khẩu thế giới giảm, hàng hóa ứ đọng khiến doanh nghiệp đọng vốn. Việc giảm VAT sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, giá bán ra, thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng.
Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả kiến nghị cơ quan chức năng mở rộng ngành nghề, lĩnh vực hỗ trợ giảm VAT 2%. Theo ông Long, trong bối cảnh khó khăn như hiện tại, áp dụng giảm VAT ở nhiều ngành nghề; với nhiều hàng hóa, dịch vụ thì càng tốt. Việc giảm VAT giúp kích thích tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.
“Giảm VAT 2% sẽ trực tiếp giảm giá hàng hóa, không cần thực hiện thủ tục rườm rà; sẽ giúp tiếp sức người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Long nói.
Có thể bạn quan tâm
Cân nhắc việc áp thuế VAT 5% với phân bón và vật tư nông nghiệp
04:00, 13/12/2023
Có nên đồng loạt giảm 2% thuế VAT?
03:00, 02/11/2023
Nên mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT
04:00, 16/10/2023
Tiếp tục giảm thuế VAT - Động lực để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh
04:00, 07/10/2023