Dịch COVID-19 lan rộng đang làm một số chính phủ bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp để bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước.
Kazakhstan, một trong những nhà xuất khẩu bột mì lớn nhất thế giới, vừa cấm xuất khẩu mặt hàng chủ lực này cùng một số thực phẩm khác như cà rốt, đường và khoai tây. Trước đó, Kazakhstan cho ngừng xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác, như tam giác mạch và hành.
Tương tự, Serbia cũng ngừng xuất khẩu dầu hạt hướng dương và một số hàng hóa khác. Trong khi đó, Nga - nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới cho biết, đang đánh giá tình hình dịch bệnh hàng tuần và đồng thời để ngỏ khả năng cấm xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
18:26, 26/03/2020
16:45, 26/03/2020
11:05, 26/03/2020
11:02, 26/03/2020
Một số quốc gia khác lại đang tăng mua hàng hóa cho kho dự trữ chiến lược. Điển hình như Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, cam kết tăng mua kỷ lục gạo trước vụ thu hoạch trong nước, mặc dù chính phủ nước này vốn có kho dự trữ gạo và lúa mì khổng lồ, đủ cho một năm tiêu thụ. Những nước nhập khẩu lúa mì lớn như Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa mở các gói thầu mua gạo mới.
Mặc dù nguồn cung thực phẩm vẫn đang hoạt động tốt ở hầu hết các quốc gia hiện nay, tuy nhiên, nhiều vấn đề có thể bắt đầu xuất hiện trong vòng vài tuần tới khi tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Cụ thể, như các chuyên gia phân tích, những rào cản về logistics khiến việc vận chuyển hàng hóa tới nơi người dân cần ngày càng khó khăn hơn. Các hãng hàng không hủy nhiều chuyến bay, các cửa khẩu, bến cảng hạn chế lượng phương tiện ra vào. Các hãng vận tải biển cũng buộc phải hủy các dịch vụ đến và đi từ các quốc gia có dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ.
Ủy ban Hàng hải Liên bang (FMC), cơ quan liên bang chịu trách nhiệm điều tiết vận tải biển của Mỹ đã theo dõi tần suất hoạt động của các tàu hàng sau khi dịch COVID-19 bùng nổ mạnh mẽ. Các báo cáo đã chỉ ra rằng lượng tàu hoạt động giảm mạnh vào thời điểm quốc gia này gia tăng nhanh chóng số lượng ca bệnh nhiễm SARS-CoV-2, dẫn đến tình trạng các nhà bán lẻ tại Mỹ thiếu hàng hóa.
Bên cạnh đó, việc các chính phủ ban hành lệnh hạn chế người dân đến nơi công cộng khiến nhu cầu tích trữ thực phẩm được đẩy lên cao đã làm tăng nỗi lo về việc thiếu hụt. Nhiều người dân Mỹ và các nước châu Âu đang đổ xô đi thu mua hàng hóa tại các siêu thị để tích trữ trong vài tuần vừa qua, bất chấp việc các chính phủ đã nhiều lần cảnh báo chống lại tâm lý bất an trong mùa dịch.
Một số chuyên gia lo ngại, việc các quốc gia chiếm phần lớn nguồn cung lương thực hạn chế xuất khẩu sẽ có tác động tiêu cực lên toàn cầu khi đẩy giá thực phẩm lên cao hơn, dẫn đến nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại.
Do đó, Tổ chức Nông nghiệp và thực phẩm của Liên hợp quốc và nhiều quốc gia đang kêu gọi đẩy mạnh hợp tác và phối hợp thay vì hạn chế xuất khẩu do tình trạng này sẽ không kéo dài quá lâu dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lương thực. Khi người tiêu dùng bắt đầu thấy nhiều sản phẩm hơn trên kệ hàng, họ có thể ngừng tích trữ, lần lượt cho phép các chính phủ rút lại các chính sách thắt chặt.
Mặt khác, việc thiếu nguồn cung sẽ không diễn ra ở tất cả các mặt hàng. Nhiều nhà sản xuất thực phẩm tại những quốc gia bùng phát dịch mạnh như Ý, Pháp, Anh... đã điều chỉnh dây chuyền sản xuất của để hạn chế hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân trong những tuần gần đây cũng có thể dẫn đến việc thiếu một số sản phẩm đặc trưng như mỳ hoặc rượu vang, pho mát... Trong khi đó, những mặt hàng khác như gạo, lúa mỳ, đậu tương... sẽ không gặp phải tình trạng này.
Một số chủ doanh nghiệp tại Mỹ cũng cho biết, hiện nay lượng thực phẩm trong các cửa hàng và siêu thị vẫn đủ để đáp ứng cho người dân. Theo John Mackey, Giám đốc điều hành của Whole Food Market, một công ty con của Amazon, thay vì ban hành các chính sách hạn chế xuất khẩu, chính phủ cần tiến hành tuyên truyền để người dân chỉ tới và mua những gì họ cần thay vì tích trữ lượng lớn thực phẩm trong nhà. Sau đó, nhu cầu sẽ chững lại khi mọi người chuyển từ tâm lý "dự trữ" về trạng thái thông thường.