Mặc dù đã quyết liệt cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, song vẫn còn nhiều doanh nghiệp “kêu khổ” về thủ tục hành chính.
Cắt giảm vẫn mang tính… hình thức
Tại cuộc làm việc với 14 bộ, cơ quan về tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và việc cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, diễn ra sáng nay (21/8), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã nhắc lại quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là luôn đặc biệt quan tâm công tác xây dựng thể chế, đôn đốc các bộ, cơ quan ban hành các văn bản quy định chi tiết, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian qua các bộ, ngành đã làm rất tích cực, quyết liệt, cắt giảm được 3.100 đăng ký kinh doanh, 6.700 thủ tục kiểm tra chuyên ngành… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng vẫn còn nhiều ý kiến nói cần xem xét thực chất các kết quả này. Có việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trước khi thông quan chứ không phải là xóa bỏ việc kiểm tra chuyên ngành như Thủ tướng chỉ đạo. Cũng có ý kiến nhận định kiểm tra chuyên ngành còn hình thức, việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm.
“Có những văn bản, thông tư thuộc thẩm quyền của các Bộ trưởng còn nhiều vấn đề phải xem xét, như “thủ thuật” chuyển điều kiện kinh doanh thành tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh đố doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đưa ra nhận xét.
Dẫn kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Dũng nói vẫn còn hơn 300 văn bản quy định phạm vi rất rộng, rất khó cho việc tra cứu, áp dụng. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một mặt hàng, sản phẩm chịu sự kiểm tra của nhiều đầu mối trong một bộ hoặc nhiều bộ. Nhiều hiệp hội doanh nghiệp cũng than là các bộ, ngành chưa tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ trưởng Dũng cũng không quên nhắc tới Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và cho biết cơ quan này cũng “bất bình” khi thực tế việc cắt giảm điều kiện kinh doanh mới chỉ là hình thức vì thủ tục thì giảm nhưng thời gian xử lý công việc không giảm. Thậm chí có một vấn đề doanh nghiệp hỏi ý kiến nhưng phải chờ vài ba bộ trả lời. Nếu các bộ trả lời đúng hạn nhưng chỉ cần một bộ kéo dài đến ba tháng là các khâu khác cùng phải chậm lại để… chờ.
Có thể bạn quan tâm
16:30, 12/06/2019
06:16, 21/05/2019
15:05, 19/04/2019
00:00, 26/03/2019
00:00, 25/02/2019
06:16, 08/03/2019
Nhiều quy định còn quá… chung chung
Tại buổi làm việc, nhiều vướng mắc cụ thể cũng được Tổ công tác nêu rõ.
Theo đó, vướng mắc đối với Bộ Công Thương hiện nay là thủ tục kiểm tra formaldehyte với sản phẩm dệt may.
“Hiện có 6 nghìn doanh nghiệp dệt may, nhưng tỷ lệ vi phạm về kiểm tra formaldehyte rất nhỏ, mà lại kiểm tra 100% các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mặt hàng này, vậy có thể thay đổi phương thức kiểm tra không, như quản lý rủi ro, phân luồng xanh, đỏ, vàng để có hình thức kiểm tra phù hợp?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.
Còn đối với Bộ LĐTB&XH, Tổ trưởng Tổ công tác nhắc tới quy định các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô phải có đủ nhân lực, phương án về an toàn vệ sinh lao động theo pháp luật về lao động. Đề nghị Bộ nghiên cứu, xem xét, Tổ trưởng cho rằng đây là quy định dẫn chiếu nhưng chung chung, rất khó cho doanh nghiệp và dẫn tới tình trạng “ai kiểm tra cũng được, hạch kiểu gì cũng được”.
Tổ trưởng Tổ công tác nhắc lại Nghị quyết 02 năm 2019 của Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018; các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trong quý III năm 2019.
“Phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhưng không vì lý do đấy mà đặt ra rào cản, kìm hãm phát triển”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.
Được biết, cho tới thời điểm này, Bộ Công Thương là Bộ đầu tiên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 02, một số bộ khác như Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này.
Tổ công tác đề nghị các Bộ giải trình về các văn bản còn nợ đọng (nếu có), khẩn trương lên phương án cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đăng tải công khai về các điều kiện đã cắt giảm, đồng thời trả lời về ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội về các khó khăn, vướng mắc với phương án xử lý cụ thể…
Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ đã báo cáo cụ thể về số điều kiện, thủ tục được đơn giản hóa, cắt giảm, đánh giá chất lượng việc đơn giản hóa, cắt giảm qua số ngày công và số tiền tiết kiệm được cho doanh nghiệp và xã hội; phương án tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện, thủ tục trong thời gian tới... Kết quả kiểm tra sẽ được tổng hợp, báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 sắp diễn ra. |