Mỹ và Thái Lan hợp tác về chuỗi cung ứng và năng lượng tái tạo; Đường ống Nord Stream I ngừng vận hành; Thủ tướng Sri Lanka nhậm chức quyền Tổng thống... là những tin đáng chú ý trong tuần này.
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 4- 9/7
1. Thái Lan và Mỹ hợp tác về chuỗi cung ứng và năng lượng tái tạo
Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã ký các thỏa thuận bao gồm Bản ghi nhớ về Thúc đẩy khả năng phục hồi chuỗi cung ứng cho phép hai bên tăng cường chia sẻ thông tin và tham vấn nhằm giảm thiểu tình trạng gián đoạn về sản xuất và vận tải, đảm bảo việc tiếp cận các mặt hàng thiết yếu tới hai nước và thị trường toàn cầu. Thỏa thuận còn lại là về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm thúc đẩy phát triển các công nghệ sạch và năng lượng tái tạo như xe điện, công nghệ thu giữ carbon.
2. Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 ngừng vận hành để bảo trì
Ngày 11/7, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức đã dừng vận hành để bảo trì, theo đó dòng khí đốt qua đường ống này dự kiến ngừng trong 10 ngày. Trong quá trình bảo trì, tất cả các hệ thống như hệ thống an toàn, cung cấp điện, phòng cháy chữa cháy, các van đóng ngắt... sẽ được kiểm tra, hiệu chỉnh và sửa chữa nếu cần thiết; phần mềm quản lý cũng sẽ được cập nhật.
3. UAE cam kết hỗ trợ an ninh năng lượng toàn cầu
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ an ninh năng lượng toàn cầu trong bối cảnh giá dầu vẫn biến động mạnh do những lo ngại về nguồn cung liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.
4. Kim ngạch thương mại Ấn Độ-Trung Quốc trên đà vượt mốc 100 tỷ USD
Kim ngạch thương mại Ấn Độ-Trung Quốc đang trên đà vượt mốc 100 tỷ USD năm thứ hai liên tiếp, khi tăng lên 67,08 tỷ USD trong nửa đầu năm nay trong bối cảnh xuất khẩu của Trung Quốc tăng vọt. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ tăng 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 57,51 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc giảm 35,3%, xuống 9,57 tỷ USD.
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 27/6- 2/7
5. Kinh tế Singapore đi ngang trong quý II/2022
Trong quý II/2022, kinh tế Singapore đạt mức tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhờ lĩnh vực sản xuất. Con số này thấp hơn so với dự báo 5,4% mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc thăm dò trước đó của Bloomberg. So với quý đầu tiên và trên cơ sở điều chỉnh theo mùa hằng quý, nền kinh tế Singapore không tăng trưởng trong quý II/2022.
6. Timor Leste sẵn sàng trở thành thành viên ASEAN
Làm việc với đoàn công tác của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) từ ngày 6-8/7, Timor Leste tái khẳng định sẵn sàng trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đoàn công tác ASCC cũng đã đánh giá cao những thành tựu phát triển văn hóa-xã hội của Timor Leste và hoan nghênh sự tham dự của nước này vào các hoạt động hoạch định chính sách của ASEAN nhằm nâng cao năng lực.
7. Hoạt động ngoại thương của Trung Quốc tăng 9,4%
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), hoạt động ngoại thương hàng hóa của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 19.800 tỷ NDT (khoảng 2.940 tỷ USD). Xuất khẩu của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021, lên 11.140 tỷ NDT, trong khi nhập khẩu tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 8.660 tỷ NDT.
8. G20 kêu gọi cùng hành động đối phó với khủng hoảng lương thực
Tại cuộc họp của các bộ trưởng G20, Bộ trưởng Tài chính Indoneisa Sri Mulyani Indrawati đã kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có hành động cụ thể để đối phó với tình trạng mất an ninh lương thực đang ngày càng trầm trọng và cuộc khủng hoảng nguồn cung phân bón.
9. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của “bộ tứ I2U2”
Hội nghị trực tuyến “I2U2” giữa Mỹ, Israel, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã khai mạc nhân chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Các nhà lãnh đạo cũng khẳng định sự ủng hộ đối với các hiệp định Abraham về bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Arab Vùng Vịnh, nhằm “thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Trung Đông và Nam Á”.
10. Thủ tướng Sri Lanka tuyên thệ nhậm chức quyền Tổng thống
Thủ tướng Sri Lanka Wickremesinghe tuyên thệ nhậm chức quyền Tổng thống, thay thế ông Gotabaya Rajapaksa, người đã tháo chạy khỏi đất nước. Ông Wickremesinghe sẽ giữ chức quyền Tổng thống cho tới khi Quốc hội Sri Lanka bầu Tổng thống tiếp theo vào ngày 20/7/2022.
Có thể bạn quan tâm