Nhịp sống thế giới từ ngày 12-19/9

CẨM ANH 18/09/2022 04:30

Nga sắp xây dựng đường ống 'Thế lực châu Á Siberia' tới Trung Quốc; Lãnh đạo các nước SCO ký Tuyên bố Samarkand; Mỹ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine... là những tin đáng chú ý.

>>Nhịp sống thế giới từ ngày 5-11/9

1. Thái Lan hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm hậu cần khu vực ASEAN

Thái Lan đang hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm hậu cần quan trọng, bao phủ các lĩnh vực vận tải đường bộ, đường không và đường biển tại khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm hậu cần ở ASEAN, Thái Lan đã và đang thực hiện đồng loạt nhiều dự án, bao gồm Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC), giai đoạn 3 cảng nước sâu Laem Chabang và mở rộng tuyến đường bộ nối sân bay hỗn hợp U-tapao ở tỉnh duyên hải Rayong. Thái Lan cũng sẽ kết nối với tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung Quốc và các quốc gia khác ở châu Âu.

2. Kinh tế Malaysia có thể tăng trưởng cao hơn dự báo

Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Aziz, cho biết nền kinh tế Malaysia đạt mức tăng trưởng 8,9% trong quý II và có khả năng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này trong quý III. Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Malaysia có thể ở mức cao hơn mức dự báo 5,3- 6,3%.

3. Nga sắp xây dựng đường ống 'Thế lực châu Á Siberia' dẫn khí đốt tới Trung Quốc

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết một đường ống của Nga tới Trung Quốc sẽ thay thế đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tới châu Âu bị từ bỏ trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Nga và Trung Quốc sẽ sớm ký các thỏa thuận về việc cung cấp "50 tỷ m3 khí đốt" mỗi năm qua đường ống Thế lực châu Á Siberia 2 trong tương lai.

4. Nhật Bản gấp rút xem xét gói kích thích kinh tế hơn 200 tỷ USD

Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết đang xem xét xây dựng gói kích thích kinh tế mới trị giá 30.000 tỷ yen (khoảng 210 tỷ USD). Trụ cột của gói kích thích kinh tế lần này là các biện pháp hỗ trợ bổ sung để đối phó với tình trạng giá cả hàng hóa tăng mạnh. Bên cạnh đó, dự thảo cũng sẽ đề xuất các biện pháp nhằm tận dụng tối đa sự giảm giá của đồng yen để khuyến khích du khách nước ngoài đến Nhật Bản và mở rộng xuất khẩu nông sản. 

>>Nhịp sống thế giới từ ngày 29/8- 4/9

5. Kinh tế Đức suy giảm do trừng phạt Nga

Với giá khí đốt và điện tăng cao, Đức - nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), dự kiến sẽ suy giảm vào năm 2023. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế IFO có trụ sở tại Munich, cuộc khủng hoảng năng lượng đang tàn phá nền kinh tế Đức và có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 0,3% vào năm tới. Cú sốc giá năng lượng do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh đang ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến nền kinh tế Đức. 

6. Lãnh đạo các nước thành viên SCO ký Tuyên bố Samarkand

Lãnh đạo các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã ký và công bố Tuyên bố Samarkand của Hội đồng Nguyên thủ quốc gia SCO. Bên cạnh đó, hội nghị lần thứ 22 của Hội đồng nguyên thủ quốc gia SCO cũng đưa ra các tuyên bố về bảo vệ an ninh lương thực toàn cầu, an ninh năng lượng quốc tế, đối phó với biến đổi khí hậu và duy trì chuỗi cung ứng an toàn, ổn định và đa dạng. 

7. Kyrgyzstan và Tajikistan nhất trí ngừng bắn

Kyrgyzstan và Tajikistan đã nhất trí ngừng bắn nhằm chấm dứt các cuộc giao tranh biên giới xảy ra trong tuần này. Trước đó, đấu súng nổ ra sau khi lính biên phòng Kyrgyzstan cáo buộc phía Tajikistan chiếm các vị trí tại khu vực biên giới chưa được phân định. Đụng độ trong hai ngày qua đã làm ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 27 người bị thương.

8. Zambia đối mặt nguy cơ sụp đổ nền kinh tế

Debt Justice - tổ chức ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ - vừa kêu gọi các tổ chức cho vay quốc tế ở Zambia xóa nợ cho quốc gia này, nếu không kinh tế Zambia sẽ sụp đổ. Quốc gia Đông Phi này đã không thanh toán được 42,5 triệu USD trái phiếu chính phủ vào tháng 10/2020. Sau khi lỡ hạn thêm một khoản thanh toán khác vào tháng 11 năm đó, Zambia đã phải tuyên bố vỡ nợ.

9. Mỹ tiếp tục hỗ trợ quân sự trị giá 600 triệu USD cho Ukraine

Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 600 triệu USD dành cho Ukraine. Thông báo nêu rõ gói hỗ trợ mới bao gồm các thiết bị và dịch vụ, các khóa đào tạo và huấn luyện quân sự. Một số nguồn thạo tin cho biết gói hỗ trợ bao gồm các loại vũ khí, đạn dược như Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), đạn pháo.

10. Quy mô nền kinh tế của Ai Cập tăng gấp 3 lần

Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohamed Maait cho biết quy mô nền kinh tế của nước này đã tăng gấp 3 lần trong 6 năm qua mặc dù gặp nhiều khó khăn. Ai Cập đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,6% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6/2022- mức cao nhất kể từ năm 2008, so với mức trung bình 3,2% của các nền kinh tế mới nổi. 

Có thể bạn quan tâm

  • Nhịp sống thế giới từ ngày 5-11/9

    Nhịp sống thế giới từ ngày 5-11/9

    04:21, 11/09/2022

  • Nhịp sống thế giới từ ngày 29/8- 4/9

    Nhịp sống thế giới từ ngày 29/8- 4/9

    04:00, 04/09/2022

  • Nhịp sống thế giới từ ngày 22-28/8

    Nhịp sống thế giới từ ngày 22-28/8

    03:30, 28/08/2022

  • Nhịp sống thế giới từ ngày 15-21/9

    Nhịp sống thế giới từ ngày 15-21/9

    04:00, 21/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhịp sống thế giới từ ngày 12-19/9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO