Hoạt động thanh tra phục vụ công tác quản lý thị trường rất cần được phối hợp của các bên liên quan.
>>>2 lực đẩy giá vàng tuần tới
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tăng cường thanh tra, giám sát thị trường, xử lý và cung cấp thông tin các hành vi vi phạm, đặc biệt trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.
Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng giá vàng tăng cao để đầu cơ, trục lợi, nhập lậu vàng qua biên giới gây xáo trộn thị trường.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất Bộ Tài chính tăng hướng dẫn, kiểm tra việc phát hành, sử dụng hóa đơn chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng; xử lý nghiêm hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cả 3 Bộ: Công Thương, Công An, Tài chính, cùng phối hợp để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu cơ quan này điều hành, không để giá vàng trong nước chênh cao với thế giới.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cho biết sẵn sàng tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường và có giải pháp hạn chế ảnh hưởng lên tỷ giá, lạm phát.
Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Nghị định 24 với chủ trương "chống vàng hóa" nền kinh tế. Từ đó đến nay, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và chỉ thuê Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) gia công khi có nhu cầu dưới sự giám sát của nhà điều hành.
Tuy nhiên trong chục năm nay, Ngân hàng Nhà nước không sản xuất thêm vàng miếng cũng như không cấp phép doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu. Do đó, nguồn cung vàng miếng hằng năm không tăng thêm mà thậm chí giảm đi bởi có những thời điểm chế tác vàng miếng thành nguyên liệu, nữ trang và xuất ra nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đang đánh giá việc triển khai Nghị định 24. Trong tháng này, nhà điều hành sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Tuy nhiên, cho đến hiện nay, đã 2/3 thời gian của tháng 1, tuy nhiên Nghị định 24 vẫn chưa có "thông tin" về đề xuất sửa đổi cụ thể.
>>>Giá vàng tuần tới: “Ẩn số” nằm ở lạm phát Mỹ
Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng đã khẳng định: Cơ quan quản lý không khuyến khích kinh doanh, bảo hộ giá vàng, nhưng cũng không chấp nhận chênh lệch giá trong và ngoài nước tới 20 triệu đồng mỗi lượng.
Phó Thống đốc cũng cho hay là cơ quan quản lý cũng không chấp nhận việc chênh lệch giữa vàng SJC và các loại vàng khác quá cao, và khẳng định "trong vài ngày tới" sẽ có thông tin về đề xuất sửa đổi Nghị định 24 - một Nghị định "đã hoàn tất vai trò lịch sử của mình".
Trong tuần qua, giá vàng sau giai đoạn biến động giảm trước chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước đối với rà soát, đề xuất sửa đổi Nghị định 24, đã hạ nhiệt khỏi vùng 80 triệu đồng/ lượng và giảm độ chênh lệch giữa giá vàng trước với thế giới, đã lại có dấu hiệu tăng trở lại.
Hiện giá vàng miếng SJC đang dao động quanh 74,3 – 76,8 triệu đồng/lượng (mua – bán) tại TP HCM và khoảng 74,3 – 76,82 triệu đồng/lượng (mua – bán) tại Đà Nẵng và Hà Nội.
Giá vàng thế giới chấm dứt đà giảm dưới "điều hướng" thông tin hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Giá vàng quốc tế trên sàn kitco chốt tuần ở mức 2.030 USD/ounce, tăng nhẹ so với phiên liền trước.
Trao đổi với DĐDN, một chuyên gia về lĩnh vực vàng và ngoại hối cho biết, nếu việc thanh tra, quản lý thị trường không triển khai sớm và kết quả để đi đến sớm có đề xuất sửa đổi Nghị định 24 (theo yêu cầu của Thủ tướng là trong tháng 1/2024), thì giá vàng trong nước dự báo vẫn sẽ còn giữ mức chênh lệch cao, đặc biệt là chênh lệch giữa vàng SJC và các loại vàng khác.
Tuy nhiên, việc loại vàng SJC ra khỏi vai trò thương hiệu vàng quốc gia, theo ông này, vẫn còn phải tính toán đến nhiều yếu tố.
Có thể bạn quan tâm