Ngành ngân hàng tiếp tục soán ngôi bất động sản về phát hành trái phiếu trong 08 tháng đầu năm. Dự báo nhóm này sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường...
Ngân hàng soán ngôi bất động sản
Ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Bộ phận Dữ liệu tài chính, FiinGroup cho biết, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp từ đầu năm đến 13/8/2024 đạt 240.000 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp quy mô lưu hành đạt 1,21 triệu tỷ đồng, tức khoảng 11,7% GDP năm 2023.Về cơ cấu phát hành, trái phiếu ngân hàng đạt 136.500 tỷ đồng, chiếm 68% tổng giá trị phát hành, trái phiếu ngành bất động sản đạt 43.200 tỷ đồng, chiếm 21,54%.
Lãi suất danh nghĩa bình quân huy động của trái phiếu quanh ở mức 7,47%/năm trong 8 tháng 2024, giảm 0,66 điểm % so với mức bình quân 8,13% của năm 2023. Kỳ hạn huy động trái phiếu 8 ttháng đầu năm bình quân ở mức 3,8 năm giảm so với mức bình quân 4,7 năm của 2023.
Cũng theo số liệu của FiinGroup, số dư trái phiếu (cả gốc và lãi) đến hạn trong năm 2024 ở mức 315.000 tỷ đồng và năm 2025 đạt đỉnh ở mức 334.000 tỷ đồng. Riêng trái phiếu bất động sản thì số dư đến hạn năm 2024 hiện ở mức 60.000 tỷ đồng và năm 2025 ước tính ở mức 135.000 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tính đến 30/6/2024, có 30 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 40.147 tỷ đồng và 3 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.000 tỷ đồng trong tháng 6/2024.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 102 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 104,109 tỷ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.378 tỷ đồng. Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 4,2% giá trị.
Ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 73.732 tỷ đồng (tương đương chiếm 64% tổng giá trị phát hành), theo sau là nhóm ngành bất động sản với 30.184 tỷ đồng (chiếm 26,2% tổng giá trị phát hành)”, Theo đó, ngân hàng đã vượt ngành bất động sản trở thành nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất, tăng 147% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, việc các ngân hàng phát hành trái phiếu nhằm giải quyết việc đáp ứng thanh khoản cho ngân hàng, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao. Ngoài ra, trái phiếu là những nguồn vốn trung và dài hạn hỗ trợ ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn
Ngoài ra, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng cũng có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn. Điều này lý giải vì sao ngân hàng vừa là nhóm dẫn đầu phát hành mới, đồng thời cũng là đơn vị chủ yếu mua lại trái phiếu đã phát hành trong thời gian qua…
Sẽ không tác động tới thị trường
Dự báo về triển vọng thị trường trái phiếu, chuyên gia của FiinGroup cho biết, trong thời gian tới, trái phiếu ngân hàng sẽ vẫn là nhóm chủ đạo dẫn dắt thị trường, dự kiến chiếm khoảng 70% giá trị phát hành. Trong khi đó, trái phiếu bất động sản bắt đầu hồi phục nhờ một số có tiến độ pháp lý và trái phiếu hạ tầng có dấu hiệu khởi sắc.
Ông Trần Phú Việt nhấn mạnh, lãi suất vẫn cơ bản trên nền thấp nhưng nhiều tổ chức phát hành đang cân nhắc sử dụng vay dài hạn ngân hàng hay phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư phi ngân hàng. Bên cạnh đó, thị trường đang mong đợi hỗ trợ chính sách từ Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp phép cho các ngân hàng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo...
Ông Lực cho rằng, động thái phát hành trái phiếu thời gian vừa rồi của các ngân hàng không tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất. Tuy rằng, lãi suất huy động, lãi suất đầu vào, lãi suất trung và dài hạn cũng có nhích lên một chút trong nhưng chỉ mang tính chất tạm thời và chỉ xảy ra tại một số ngân hàng chứ không phải tất cả. Đối với lãi suất đầu ra, hệ thống ngân hàng phải thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, có nghĩa không thể tăng lãi suất cho vay mà cơ bản giữ ổn định lãi suất cho vay đễ hỗ trợ doanh nghiệp…