Nhóm ngành nào sẽ hỗ trợ đà tăng cho VN-Index?

Bài: DIỄM NGỌC - Ảnh: Quốc Tuấn 28/01/2023 05:15

Theo chuyên gia, năm 2023, nếu các nhóm ngành chính tiếp tục gia tăng lợi nhuận dù chậm lại, thì khả năng chỉ số VN-Index vẫn có hy vọng hồi phục. Đặc biệt là nhóm ngành ngân hàng và vật liệu cơ bản.

>>3 kịch bản VN-Index năm 2023: Bao giờ quay lại đỉnh giá lịch sử?

Kết thúc phiên giao dịch ngày mùng 6 Tết (27/1), chỉ số VN-Index tăng 9,02 điểm, tương đương, 0,81%, lên 1.117,1 điểm. Toàn sàn HoSE có 275 mã tăng giá, 59 mã đứng giá tham chiếu và 132 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh ở mức không thấp, đạt 10.373 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày mùng 6 Tết (27/1), chỉ số VN-Index tăng gần 15 điểm lên 1.123 điểm

Kết thúc phiên giao dịch ngày mùng 6 Tết (27/1), chỉ số VN-Index tăng 9,02 điểm, tương đương, 0,81%, lên 1.117,1 điểm.

Thị trường có sự phân hóa đáng kể và diễn ra ở cả nhóm trụ ngân hàng, giảm ở nhóm chứng khoán trong khi bất động sản, năng lượng có sự khởi sắc... Một phiên tăng điểm nối tiếp chuỗi tăng trọn 8 phiên của VN-Index bao gồm trước Tết Nguyên đán khiến nhà đầu tư đã bắt đầu vững tin vào một đà tăng dài hơi hơn. 

Tuy nhiên, năm 2023, trao đổi với phóng viên, ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư  quỹ AFC Vietnam Fund đánh giá, việc thị trường chứng khoán Việt Nam có giữ vững đà tăng ổn định hay không, phụ thuộc rất rất lớn vào những viễn cảnh sau:

Thứ nhất, lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng dù có chậm lại. Năm 2022, lợi nhuận của toàn thị trường chứng khoán đã tăng khá mạnh, tuy nhiên nó lại xảy ra tình trạng phân hóa rõ rệt.

Cụ thể, các nhóm ngành chính như ngân hàng thì lợi nhuận tăng phi mã, tăng rất mạnh. Nhóm ngành này chiếm 35% cơ cấu vốn hóa của VN-Index. Nhưng do các áp lực bán tháo (không thể làm giá và bán để trả nợ trái phiếu) thì dòng ngân hàng đã lao dốc mạnh. Nhóm ngành nguyên vật liệu (8%), trong đó chủ yếu là thép lại giảm mạnh bởi tính chu kỳ. Nhóm ngành bất động sản (BĐS) (24,5%) cũng bị ảnh hưởng lớn bởi vấn đề trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và lãi suất tăng cao làm cho thị trường bị rơi vào tình trạng đóng băng, nên khả năng cao là lợi nhuận nhóm này trong 2022 là giảm. Còn nhóm ngành hàng tiêu dùng (16%) thì lại đi ngang.

Vậy trong năm 2023, nếu các nhóm ngành chính tiếp tục gia tăng lợi nhuận, dù chậm lại rất nhiều thì khả năng chỉ số VN-Index sẽ vẫn có hi vọng hồi phục. Đặc biệt trong đó có nhóm ngành ngân hàng và vật liệu cơ bản. Nhóm BĐS kỳ vọng sẽ tiếp tục khó khăn trong môi trường lãi suất cao như hiện nay, ngành vật liệu cơ bản kỳ vọng có thể khởi sắc hơn chút khi giá thép đã có chiều hướng tăng lại. Ngoài ra, nhóm ngành tiêu dùng kỳ vọng cũng sẽ tăng lại bởi Trung Quốc mở cửa và ảnh hưởng của đại dịch càng ngày càng ít đi, do đó lợi nhuận của các công ty chính trong ngành như VNM, SAB hay MWG sẽ được cải thiện đáng kể.

Do đó, 3 nhóm ngành này có thể hỗ trợ lớn cho chỉ số VN-Index. Các nhóm ngành như công nghiệp và nhóm ngành khác sẽ đi ngang là chính. Kỳ vọng rằng lợi nhuận chung toàn thị trường vẫn sẽ tăng trưởng nhưng chậm lại đáng kể, bởi ngay cả trong nhóm ngân hàng, lợi nhuận cũng sẽ phân hóa rõ rệt.

Các ngân hàng nhóm Big 4 thuộc Nhà nước sẽ tăng trưởng 15-20%, trong đó kỳ vọng VCB là động lực tăng trưởng chính. Các ngân hàng tư nhân thì chia thành 2 nhóm, nhóm bị ảnh hưởng lớn bởi TPDN và BĐS sẽ tăng chậm, thậm chí là không tăng, nhưng nhóm ít bị ảnh hưởng, hoặc không bị ảnh hưởng trực tiếp từ hai vấn đề này sẽ tiếp tục bứt phá.

>>Cận Tết, dòng vốn ngoại đua chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Thứ hai, dòng tiền vào thị trường phải quay trở lại mức ổn định. Thực tế, giá của chứng khoán trong ngắn hạn phụ thuộc rất lớn vào dòng tiền. Nếu dự báo chỉ số trong vòng 1 năm thì đồng nghĩa với dự báo dòng tiền.

Năm 2023, áp lực rút ròng khỏi thị trường chứng khoán của cả nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước đã không còn, thì yếu tố tác động làm cho TTCK rơi cũng không còn nhiều

Năm 2023, áp lực rút ròng khỏi thị trường chứng khoán của cả nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước đã không còn, thì yếu tố tác động làm cho TTCK rơi cũng không còn nhiều

Nhìn lại lý do của việc TTCK lao dốc năm 2022, bởi dòng tiền bị rút ra thông qua hai sự kiện là các vụ thao túng cổ phiếu bị xử lý và kiểm soát thị trường TPDN. Cả hai sự kiện này đã làm dòng vốn bị rút ra mạnh và đột ngột.

Trong 2023 điều này sẽ không xảy ra nữa, hoặc nếu có thì rất ít, vì các vụ thao túng đáng bị xử lý cũng đã bị xử lý, các “đội lái” sẽ không nhất thiết phải bán tháo cổ phiếu, không dám lộ liễu làm giá, thao túng giá cổ phiếu nữa.

“Áp lực từ nhóm thứ hai là TPDN cũng đã giảm đi bởi một lượng rất lớn TPDN (210.000 tỷ đồng) đã được mua lại trước hạn. Theo cảm quan của tôi cho rằng, đây là nhóm có sai phạm. Còn các đợt phát hành đúng mục đích, đúng luật sẽ diễn ra bình thường. Thị trường TPDN rồi cũng sẽ quay lại mức bình thường nhưng cần có thời gian. Áp lực trả nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là BĐS là còn rất lớn, nhưng áp lực bán tháo cổ phiếu trên TTCK để thu tiền về mua lại TPDN là không còn”, ông Vicente Nguyen phân tích.

Còn áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài thì sao? Vị chuyên gia lý giải, năm 2022, tình hình USD tăng mạnh đã khiến nhà đầu tư nước ngoài buộc phải rút khỏi thị trường cận biên và mới nổi. Bởi khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thì USD tăng giá, áp lực đó lại càng tăng cao. Tuy nhiên đến nay, áp lực này không còn nhiều, bởi lạm phát của Mỹ đã bắt đầu thuyên giảm và tạo đỉnh trong tháng 6/2022. Do đó việc FED tăng mạnh lãi suất nữa là không cao, dù rằng cũng không có gì là chắc chắn.

Biểu hiện rõ nhất của áp lực này chính là chỉ số sức mạnh của đồng đô la Mỹ (DXY), chỉ số này đã quay đầu giảm mạnh trong những tháng gần đây khi nó đã liên tục tăng cao và nhiều khả năng tạo đỉnh. Khi USD ngừng tăng giá hoặc bắt đầu điều chỉnh, đó chính là dấu hiệu cho thấy áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài không còn, họ sẽ không còn áp lực phải bán ở thị trường cận biên và mới nổi.

Thực tế cho thấy, khi TTCK Việt Nam lao dốc thì một lượng lớn vốn từ nước ngoài đã đổ vào trong những tháng cuối năm. Hơn 1.1 tỷ USD đã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. Điều này cho thấy áp lực bán ròng do USD tăng giá đã kết thúc.

Vì vậy, áp lực rút ròng khỏi thị trường chứng khoán của cả nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước đã không còn, thì yếu tố tác động làm cho TTCK rơi cũng không còn nhiều. Nhưng những điều đó cũng không đảm bảo rằng thị trường chứng khoán sẽ tăng. Để TTCK tăng thì dòng tiền chờ đợi buộc phải vào. Có một lượng lớn dòng tiền đã được rút ra khỏi thị trường trong giai đoạn quý 2/2022 và nằm im bất động cho đến bây giờ. Kết hợp với tình hình lợi nhuận tăng tốt, vĩ mô tiếp tục tốt dù chậm lại thì dòng tiền này sẽ nhanh chóng quay lại thị trường. Một thực tế cho thấy, trong hơn 15 năm qua, mỗi khi TTCK giảm mạnh một năm thì sẽ bật lại rất mạnh ngay năm sau đó, thậm chí là tăng trong 2-3 năm tiếp theo.

“Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, chỉ số VN-Index đã giảm 66% trong năm 2008, nhưng đã kịp hồi phục 57% trong năm 2009. Tiếp theo đó là các năm 2011 và 2018, thì chỉ số VN-Index cũng đã hồi phục ngay sau đó. Và hiện tại, chỉ số đã giảm 33% trong năm 2022. Nếu chỉ tính theo xác suất và lịch sử thì dường như VN-Index sẽ có một năm tăng mạnh, thậm chí là tăng trong 2-3 năm tiếp theo. Bởi nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy nhịp tăng liên tiếp 2-3 năm mới xen kẽ một nhịp giảm. Cá nhân tôi tin rằng năm 2023 sẽ là một năm hồi phục đáng kể của chỉ số, dù trong năm sẽ không thể thiếu những nhịp giảm”, vị chuyên gia dự báo.

Có thể bạn quan tâm

  • Cận Tết, dòng vốn ngoại đua chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam

    05:20, 21/01/2023

  • Thị trường chứng khoán thiếu "lửa", HSC công bố kết quả năm đạt 71% kế hoạch

    16:00, 19/01/2023

  • Trung Quốc mở cửa, kỳ vọng dẫn đầu hiệu suất của chứng khoán toàn cầu

    04:55, 18/01/2023

  • 3 cấp giám sát thị trường chứng khoán

    03:00, 17/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhóm ngành nào sẽ hỗ trợ đà tăng cho VN-Index?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO