Trong và sau đại dịch, các sản phẩm bất động sản sẽ giữ giá và phục hồi dần, không có làn sóng cắt lỗ, bán tháo như những cuộc khủng hoảng bất động sản trước đó.
Đây có thể xem như thời điểm thị trường sàng lọc mạnh để lựa chọn những doanh nghiệp có đủ thực lực.
Nhà đầu tư vẫn tin vào thị trường
Theo một khảo sát trực tuyến với gần 15.000 người tham gia mới đây cho thấy kết quả lựa chọn các kênh đầu tư có tỷ lệ như sau: 29% chọn bất động sản; 24% chọn gửi tiết kiệm; 16% chọn vàng; 12% chọn chứng khoán; 12% chọn tiền mặt.
Trong khi đó, nguồn cung nhà ở đang tiếp tục có dấu hiệu khan hiếm do cạn quỹ đất và vướng mắc các thủ tục pháp lý. Bối cảnh này hoàn toàn khác biệt với cuộc khủng hoảng năm 2008: hàng loạt dự án đắp chiếu không bán được hoặc không có vốn triển khai; lãi suất ngân hàng tăng vọt; người mua quay lưng; hàng loạt chủ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân phá sản, tiền chôn vào đất...
Một cuộc khảo sát khác cho thấy, nhà đầu tư chưa mất niềm tin vào thị trường. Dù từ năm 2019, bất động sản đã xuất hiện dấu hiệu giảm tốc nhưng thị trường đã có những bước phát triển bền vững, bong bóng bất động sản không xuất hiện, sốt nóng cục bộ ở một vài nơi nhanh chóng được dập tắt.
Trong số 1.100 môi giới tham gia khảo sát, có tới 64% tin rằng thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục vào cuối năm 2020. Niềm tin vào thị trường vẫn tốt nên nhà đầu tư sẽ có xu hướng ôm hàng giữ giá thay vì bán tháo. Các chủ đầu tư cũng chưa có động thái nào cho thấy họ sẽ giảm giá bán trong thời gian tới nhất là khi giá bất động sản đã neo cao và chi phí đầu vào vẫn tăng.
Các nhà đầu tư cho rằng, dịch COVID-19 là một biến cố bất ngờ và chỉ tác động trong một thời gian nhất định. Với riêng thị trường bất động sản, hoạt động giao dịch tạm trì hoãn chỉ gây khó khăn cho những người thu lợi từ dịch vụ trực tiếp, chủ yếu là lực lượng môi giới bất động sản.
Với nền kinh tế, cấu trúc vẫn giữ nguyên, nhu cầu con người không thay đổi, chưa kể còn bị nén lại do ảnh hưởng của chỉ thị cách ly nên khi hết dịch sẽ khôi phục nhanh chóng. Kinh tế hồi phục nhanh sẽ kéo theo sự khởi động trở lại của bất động sản.
Cần cơ chế chính sách thông thoáng
Hiện Chính phủ đã có các biện pháp hỗ trợ kịp thời để thị trường bất động sản có thể hồi phục tốt sau dịch bệnh. Cụ thể, một loạt các chính sách ưu đãi được ban hành bao gồm giảm thuế, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Mới đây, bên cạnh gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và bổ sung 2.000 tỉ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội...
Có thể bạn quan tâm
07:30, 28/04/2020
21:58, 25/04/2020
06:10, 23/04/2020
10:00, 21/04/2020
08:00, 17/04/2020
So với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt được dịch bệnh, đây sẽ là tiền đề tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, giúp kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng sớm hồi phục khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ có sự tái cơ cấu mới, đặc biệt hướng đến đối tượng mua nhà để ở. Bên cạnh đó, thị trường cần cơ chế chính sách thông thoáng hơn, qua đó tạo động lực cho nền kinh tế hồi phục, niềm tin người dân được củng cố và thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại.
Các doanh nghiệp bất động sản, các sàn giao dịch cần tận dụng thời gian này để rà soát lại kế hoạch kinh doanh, đào tạo và nâng cao chất lượng nhân viên, hoàn thiện quy trình làm việc với khách hàng. Đây sẽ là bước chuẩn bị cho giai đoạn sau dịch.
Trong bối cảnh đại dịch, những sản phẩm có pháp lý chắc chắn và được mua với đúng giá trị thực sẽ đảm bảo tiềm năng tăng giá khi dịch bệnh kết thúc và trong tương lai lâu dài.