Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Không chỉ ảnh hướng đến các nhà sản xuất, phát hành nội dung, xâm phạm bản quyền trên không gian mạng còn tác động tiêu cực tới việc phát triển kinh tế và thu hút đầu tư trong nước…
>> Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Cần sự chủ động của doanh nghiệp
Cùng với sự phát triển của các nền tảng truyền thông số, mạng xã hội, dịch vụ phát nội dung online (streaming), vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng ở các nước trong đó có Việt Nam đã và đang trở nên ngày càng nhức nhối.
Thực tế, khảo sát vi phạm bản quyền của Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua streaming, mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin trực tuyến. Theo đó, có tới 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin; 19% thông qua streaming, tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%.
Thông tin buổi thảo luận về “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng” mới đây, bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết, chưa bao giờ tình trạng đánh cắp, vi phạm bản quyền diễn ra nhanh, nguy hiểm, có hệ thống và gây ra nhiều nguy hại cho các nhà sản xuất, phát hành nội dung như thời kỳ công nghệ số.
“Việc xâm phạm bản quyền diễn ra nghiêm trọng và gây tổn thất nặng nề. Các hãng phim, công ty phát hành hàng đầu Việt Nam hầu như đều bị tổn hại lớn vì xâm hại bản quyền”, bà Phương Lan chia sẻ.
Theo bà Phương Lan, vi phạm bản quyền trên không gian mạng không chỉ gây hại cho nhà phát hành mà còn tổn hại đến nền kinh tế khi ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
>> Cần tăng cường xây dựng và quản lý các tài sản sở hữu trí tuệ
Lấy thống kê từ thực tiễn, bà Phương Lan cho biết, từ năm 2017, phimmoi đã vi phạm bản quyền 27 bộ phim của Galaxy, dẫn đến những tổn thất cho doanh nghiệp khi phải đầu tư mua bản quyền và phát hành. Việc phimmoi bị cơ quan quản lý khởi tố chứng tỏ nhận thức về xâm phạm bản quyền tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn 1 năm khởi tố, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, điều này khiến cho công tác xử lý vấn đề vi phạm trong thực tế còn thiếu tính răn đe.
“Những biện pháp xử lý dứt điểm trong vấn đề vi phạm bản quyền là vô cùng quan trọng, chỉ có như vậy mới mang tính răn đe”, bà Phương Lan nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm đã nêu, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong khi tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến một số chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe và quá trình xử lý vi phạm chưa thực sự nhanh chóng. Đây là một trong các yếu tố dẫn tới tình trạng xâm phạm quyền tác giả, sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày một diễn biến tinh vi, phức tạp hơn.
Đánh giá về tình trạng xâm phạm bản quyền trên không gian mạng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Nguyễn Quang Dũng cho hay, dù Việt Nam đã và đang không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về Quyền Sở hữu trí tuệ; xét xử nhiều vụ án về về vấn đề này nhưng vấn nạn xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra rất phức tạp. Các hành vi xâm phạm Quyền Sở hữu trí tuệ ngày tinh vi. Nhiều đối tượng sử dụng các thiết bị công nghệ cao để làm giả, làm nhái sản phẩm hòng qua mắt lực lượng chức năng.
“Đặc biệt, với tính chất xuyên biên giới của không gian mạng, việc truy tìm các đối tượng vi phạm Quyền Sở hữu trí tuệ gặp không ít khó khăn và tốn nhiều thời gian. Sau đó, khâu xử lý cũng gặp nhiều vướng mắc do liên quan đến các vấn đề về luật quốc tế. Do đó, chúng tôi rất kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm nhận được sự giúp đỡ của các quốc gia trong xử lý các đối tượng xâm phạm Quyền Sở hữu trí tuệ”, ông Nguyễn Quang Dũng bày tỏ.
Từ đó, để bảo vệ bản quyền trên môi trường mạng, nhất là trong thời điểm bùng nổ về công nghệ như hiện nay, các chuyên gia đề xuất, cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện quy chế, chính sách về quyền sở hữu trí tuệ; nghiên cứu chế tài xử phạt hợp lý đối với các hành vi vi phạm; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ thực thi luật về sở hữu trí tuệ; cũng như tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về các vấn đề trong sở hữu trí tuệ như đăng ký bản quyền, tiêu dùng thông minh, phân biệt hàng giả, hàng nhái,...
Ông Peter Fowler - Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Thương mại Mỹ (USPTO) cho rằng, các chính sách ở Việt Nam đã có những bước tiến lớn khi xem xét đến vấn đề tội phạm công nghệ cao và có các hướng tiếp cận mới với hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Khi hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng phát triển hơn, các doanh nghiệp sẽ ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ bản quyền thương hiệu và bí mật thương mại, vì vậy, việc có những chính sách phù hợp sẽ rất quan trọng để thu hút đầu tư, đặc biệt trong các ngành như công nghệ sinh học, năng lượng sạch, công nghệ xanh.
“Kinh nghiệm ở Mỹ mà chúng tôi thấy là cần làm việc chặt chẽ với khối tư nhân, những người trực tiếp có quyền lợi liên quan đến vấn đề này, bởi họ có thông tin và trực tiếp kiểm soát sản phẩm của mình. Đó cũng là một điểm Việt Nam có thể xem xét tăng cường”, ông Peter Fowler chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Cần sự chủ động của doanh nghiệp
04:00, 03/09/2022
Cần tăng cường xây dựng và quản lý các tài sản sở hữu trí tuệ
04:00, 04/08/2022
02/08: Hội thảo "Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0"
09:32, 24/07/2022
Lúng túng quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ thương hiệu thời hội nhập
12:06, 20/07/2022
Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi): Tạo cú hích cho đổi mới sáng tạo
04:00, 07/07/2022