Trước làn sóng đổ bộ của các tập đoàn đa quốc gia vào Thanh Hóa, các doanh nghiệp trong nước đã gấp rút triển khai nhiều dự án trong hơn 2 năm qua với mức vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.
Bất chấp đại dịch, Văn phòng tư vấn luật của anh Trường Hùng vẫn nhận được nhiều đề nghị của khách hàng là doanh nghiệp nước ngoài muốn xúc tiến các thủ tục đầu tư ở Việt Nam. Điều khiến anh chú ý là các hồ sơ đăng ký vào Thanh Hóa tăng mạnh. “Qua nhiều kênh thông tin, đối tác của chúng tôi biết Thanh Hóa đang có chính sách rất tốt, họ muốn theo chân các tập đoàn xuyên quốc gia. Cũng có trường hợp mình chủ động đưa cái tên Thanh Hóa ra như một lựa chọn tối ưu. Đã có những hợp đồng tư vấn mang lại kết quả” – anh Hùng chia sẻ.
Trong năm nay, dù Covid-19 căng thẳng, vẫn có những cuộc làm việc trực tuyến giữa tỉnh Thanh Hóa với các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Trong đó, có cả những dự án vốn đầu tư cả tỉ USD được ký biên bản ghi nhớ. Các doanh nghiệp đang chứng kiến sự đổi thay của Thanh Hóa khi các cán bộ, công chức tỉnh sốt sắng đồng hành với các nhà đầu tư. Nhưng quan trọng hơn là “3 cam kết” về tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng đồng bộ phục vụ dự án và cùng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh.
Chính sách thông thoáng, ý tưởng sản xuất – kinh doanh được hiện thực hóa nhanh “không tưởng” đã bồi đắp lòng tin cho doanh nghiệp. Do đó, không có gì làm lạ khi chứng kiến cảnh hàng loạt các “đại gia” kinh tế đang xếp hàng để được vào Thanh Hóa.
Các nhà đầu tư muốn mang theo các dự án hàng trăm triệu USD vào xứ Lam Kinh trong 2 năm qua hoạt động trong nhiều lĩnh vực, có thể điểm tên như Exxon Mobil, Milennium Energy, Chuwa Busan, AEON, Foxconn, Mintal, Fangda, INTCO, WHA Industrial Development PLC... Dễ hiểu khi Thanh Hóa đang tính chuyện quảng bá thông tin về đầu tư bằng tiếng Việt và ngôn ngữ quốc tế.
Vẫn theo anh Trường Hùng, lúc này là “thời cơ ngàn vàng” để vào Thanh Hóa. Bởi địa phương này còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, doanh nghiệp có thể thả sức “kén cá, chọn canh”. Thêm vào đó là nhiều chính sách ưu đãi về thời hạn thuê đất, giảm nhiều loại thuế, phí hấp dẫn… Trong khi đó, chỉ nay mai , hạ tầng kết nối nội tỉnh và liên vùng sẽ hoàn thiện, cả đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay.
Với vai trò là thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS Trần Đình Thiên không ngạc nhiên khi Thanh Hóa đang trỗi dậy mạnh mẽ. Theo ông, mảnh đất này đã hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh xác lập tứ giác phát triển. Thậm chí, khi các tiềm lực sẵn có được vực dậy, nhiều lợi thế cạnh tranh của Thanh Hóa sẽ không nơi nào có được.
Giai đoạn 2016 – 2020, Thanh Hóa đã thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 115 nghìn tỷ đồng và gần 3,6 tỷ đô la Mỹ. Cũng trong 5 năm này, nhiều dự án lớn mang tầm quốc gia đã đi vào hoạt động, là một trong những bệ đỡ giúp tỉnh này giữ vững được mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 12,1%.
Thanh Hóa trong tương lai sẽ là một trung tâm kinh tế sầm uất không chỉ ở Bắc Trung Bộ mà của cả đất nước với 6 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế ven biển; Hành lang kinh tế Bắc – Nam; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; Hành lang kinh tế Đông Bắc; Hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế quốc tế.
Rất ít địa phương trong cả nước có đủ các vùng sinh thái từ trung du miền núi, đồng bằng và ven biển như Thanh Hóa. Nguồn tài nguyên đa dạng là dư địa để phát triển mọi lĩnh vực kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, những trụ cột kinh tế sẽ duy trì mức tăng trưởng cao được xác định gồm: công nghiệp chế biến - chế tạo, nông nghiệp, du lịch, y tế và phát triển hạ tầng.
Điểm mặt các “ông lớn” đang có mặt tại xứ Thanh như Vingroup, Sungroup, Eurowindow, T&T…, có thể thấy, các dự án đang bám vào các trụ cột này để khẳng định thương hiệu. Trong đó, Vingroup đang có những bước đi mạnh mẽ, với ý tưởng mang cả “hệ sinh thái” về xứ Thanh. Với thương hiệu Vinpearl, Vingroup đã giúp cho Thanh Hóa từng bước chuyển định hướng từ du lịch bình dân sang tạo những “điểm nhấn cao cấp”. Đặc biệt, khu đô thị Vinhomes Star City đang dần trở thành biểu tượng của quá trình đô thị hóa tại Thanh Hóa với kiến trúc châu Âu. Với định hướng mang tới cuộc sống “All-in-one”, các thương hiệu Vincom hay Vinschool… sẽ là thước đo mới cho tiêu chuẩn cuộc sống hiện đại, tiện nghi.
TS Trần Đình Thiên lạc quan rằng, những doanh nghiệp hàng đầu như Vingroup không khác gì những con “đại bàng”, sẽ giúp Thanh Hóa “cất cánh”, lớn mạnh. Đặc biệt, hàng loạt dự án mang “họ Vin” thuộc đủ lĩnh vực, với giá trị đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng sẽ góp phần tạo dựng các giá trị mới, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh cho vùng đất cầu nối giữa Trung Bộ và Bắc Bộ.
Có thể bạn quan tâm