Những thanh niên 9x rời phố về quê khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch

Theo baotintuc 07/03/2021 05:14

Bốn bạn trẻ 9x tại The Moshav Farm ở xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa lại tụ hội cùng nhau như một cái duyên với đam mê rời phố về làng để khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ.

Không có nhiều điểm chung về chuyên môn, quê quán… nhưng bốn bạn trẻ 9x tại The Moshav Farm - một mô hình nông trại ở xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa lại tụ hội cùng nhau như một cái duyên với đam mê rời phố về làng để khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ.

Những mảnh ghép được liên kết

Mô hình nông trại The Moshav Farm kết hợp phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, bên cạnh việc trồng các loại cây ăn quả, còn chăn nuôi cừu, gà.

Mô hình nông trại The Moshav Farm kết hợp phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, bên cạnh việc trồng các loại cây ăn quả, còn chăn nuôi cừu, gà.

Trong một ngày đầu tháng Ba, chúng tôi có dịp được ghé thăm mô hình The Moshav Farm. Điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng không chỉ là khu trang trại 56ha đất trồng mía trước đây đang được phủ lên màu xanh của các loại cây ăn quả, cây dược liệu.... Mà chúng tôi còn được đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác bởi tư duy rất mới, hào sảng của những người trẻ làm chủ khu vực này.

Trò chuyện và hướng dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình là anh Nguyễn Tá Đông, 31 tuổi, quê Đắk Lắk, cũng được xem là “ thủ lĩnh” trong nhóm. Anh Đông chia sẻ trang trại có 4 thành viên đồng làm chủ, tất cả họ không học về nông nghiệp, nhưng đều có một điểm chung là đam mê nông nghiệp và có thời gian đi tu nghiệp sinh tại Israel trong lĩnh vực này. Tại quốc gia xuất khẩu lớn của thế giới về nông sản và đứng hàng đầu về công nghệ trong nông nghiệp, 4 thanh niên 9x được rèn luyện trong môi trường làm việc khắc nghiệt, nhưng bù lại họ được lĩnh hội những kiến thức, phương pháp làm nông khoa học, hiện đại, hiệu quả.

Những trải nghiệm thực tế đó đã bồi đắp, phát triển thêm tư duy cho họ về nền nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao để vận dụng và triển khai tại Việt Nam. Theo các thành viên của The Moshav Farm với sự khác biệt về thổ nhưỡng, khí hậu của hai nước, trong quá trình triển khai, họ phải sàng lọc, lựa chọn để vận dụng phù hợp, chứ không thể bê nguyên cách làm nông nghiệp của Israel vào mô hình của mình được.

Năm 2018, khởi đầu trên diện tích 10ha đất trồng mía, The Moshav Farm đã mua lại của người dân và bắt tay vào thực hiện mô hình, đến cuối năm 2018 chính thức hoạt động. Sau đó The Moshav Farm tiếp tục mở rộng thêm diện tích và đến thời điểm này họ đã sở hữu 56ha để trồng các loại cây ăn quả như dừa, bưởi, ổi, nho, mít, xoài; chăn nuôi gà, cừu; trồng dược liệu.

Anh Đông cho biết để vừa đầu tư, vừa phát triển, đơn vị đã cho ra một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngắn ngày như túi lá xông giải cảm; nước rửa tay, rửa chén, lau nhà, nước giặt từ quả bồ hòn; bột gừng sấy lạnh; bột rau má, dầu gió bạc hà; mặt nạ bùn khoáng, trà đậu biếc... Các sản phẩm được phân phối bởi hơn 100 kênh bán sỉ, lẻ trong toàn quốc và nhận phản hồi tốt từ khách hàng.

Hiện nay nông trại đã cho ra mắt thị trường khoảng 15 dòng sản phẩm từ các dược liệu thiên nhiên trồng tại nông trại như: bột gừng lạnh, bột rau má lạnh, túi xông giải cảm, dầu gió bạc hà, nước rửa chén, rửa tay, giặt, lau sàn được làm từ quả bồ hòn…

Hiện nay nông trại đã cho ra mắt thị trường khoảng 15 dòng sản phẩm từ các dược liệu thiên nhiên trồng tại nông trại như: bột gừng lạnh, bột rau má lạnh, túi xông giải cảm, dầu gió bạc hà, nước rửa chén, rửa tay, giặt, lau sàn được làm từ quả bồ hòn…

Hình thức được The Moshav Farm lựa chọn là lấy ngắn nuôi dài. Vì nếu chỉ tập trung đầu tư thì sẽ khó khăn về tài chính. Do vậy ở giai đoạn đầu, các sản phẩm của trang trại là nguồn thu hỗ trợ để trả lương cho cán bộ, nhân viên lao động, vừa duy trì hoạt động.

Chia sẻ lý do lựa chọn bỏ phố về quê để khởi nghiệp, anh Đông cho biết, trước đây anh từng học ngành Logistics và làm việc ở một công ty xuất nhập khẩu, phụ trách mảng giấy tờ về nông sản, nhận thấy giá trị nông sản Việt Nam quá thấp, không tương xứng với công sức người nông dân bỏ ra, lại luôn đối mặt với vấn đề được mùa mất giá. Vốn là người xuất thân từ nông nghiệp, có đam mê và mong muốn sẽ hình thành, sản xuất những sản phẩm nông nghiệp sạch đến tay người tiêu dùng, năm 2015 anh Đông đã nghỉ việc bắt đầu thực hiện ước mơ khởi nghiệp từ nông nghiệp. Việc đầu tiên trong hành trình là học hỏi kiến thức. Do vậy anh Đông đăng ký tu nghiệp sinh tại Israel. Sau một năm trải nghiệm học tập và làm việc, anh Đông trở về nước và kết nối được thêm 3 thanh niên có cùng đam mê với mình khởi nghiệp theo mô hình nông nghiệp của Israel. Đó là xây dựng mô hình làng nông nghiệp sạch, kết nối với nhau trong sản xuất lẫn phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái.

Ba thành viên còn lại, Nguyễn Mạnh Tiến, sinh năm 1995, quê ở Nghệ An, học Maketting; Trương Hoàng Nam (sinh năm 1995, quê ở tỉnh Đồng Tháp) theo học ngành Công nghệ thực phẩm, Phạm Minh Thông (sinh năm 1996, quê ở Bến Tre) học chuyên ngành kinh tế.

Bốn thanh niên 9x này từ mọi miền Tổ quốc, với những ngành học khác nhau đã tạo thành những mảnh ghép và kết nối với nhau bằng điểm chung là đam mê nông nghiệp. Trên thực tế những sự khác biệt về chuyên môn cũng tạo thành những lợi thế riêng cho The Moshav Farm, vì để vận hành, phát triển một nông trại nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn thì cần có sự tổng hợp về kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau. Do đó trong hai năm qua, The Moshav Farm đã bước đầu gặt hái được những thành công. Các sản phẩm của trang trại được thị trường đón nhận, mô hình cũng đã tiếp nhận được nguồn vốn của các nhà đầu tư. Hiện vốn đầu tư của The Moshav Farm là 24 tỷ đồng; đồng thời thu hút hàng trăm thực tập sinh có đam mê nông nghiệp đến trải nghiệm, thực tập.

Truyền cảm hứng cho thanh niên lập thân, lập nghiệp

Nông trại The Moshav Farm là nơi thu hút nhiều thanh niên đến thực tập sinh, trải nghiệm và làm việc.

Nông trại The Moshav Farm là nơi thu hút nhiều thanh niên đến thực tập sinh, trải nghiệm và làm việc.

Theo học ngành Maketing, khi ra trường Nguyễn Mạnh Tiến đã cùng với những người bạn khởi nghiệp bằng Trà sữa và cũng phát triển được 6 cửa hàng. Tuy nhiên qua hơn 1 năm thực hiện, Tiến vẫn cảm thấy rằng đây chưa thực sự là lĩnh vực mà anh yêu thích. Do đó, cuối năm 2018 khi đọc được bài viết của anh Đông về tuyển thực tập sinh, Tiến đã đăng ký trải nghiệm nông nghiệp. Đến tháng 7/2019, Tiến sang Israel làm thực tập sinh vừa học vừa làm. Đây cũng là khoảng thời gian giúp cho Tiến có được những nhận định về đam mê của mình cũng như kinh nghiệm về làm nông nghiệp.

“Mới đầu sang đó em khá sốc, vì điều kiện tự nhiên, khí hậu khác biệt, cường độ làm việc của họ rất cao. Khí hậu nắng nóng trên 40 độ C, kỷ luật lao động nghiêm khắc. Nhưng sau đó thì em đã rèn luyện và bắt nhịp được. Thời gian đi thực tập sinh, em đã học được tư duy, tinh thần làm việc của người Do Thái. Tư duy của người Israel làm nông nghiệp không phải là người nông dân mà là một người kinh doanh nông nghiệp, họ vừa làm vừa tìm đầu ra cho nông nghiệp, nên mức tiêu thụ ra các thị trường rất cao”, Tiến chia sẻ.

Hiện nay The Moshav Farm cũng đang đi theo hướng vừa làm vừa truyền thông để người tiêu dùng biết đến sản phẩm, quá trình sản xuất sản phẩm của mình để họ chủ động nắm bắt các thông tin về sản phẩm và lựa chọn khi sản phẩm ra thị trường. Đây được xem là hướng đi ngược lại với truyền thống, tuy nhiên theo các thành viên của trang trại, việc để người tiêu dùng giám sát chuỗi sản xuất sản phẩm của mình là cách để nhà sản xuất có trách nhiệm với sản phẩm của mình và người tiêu dùng được bảo đảm quyền lợi.

Mô hình The Moshav Farm tiết kiệm tối đa chi phí bằng cách áp dụng quản lý theo hướng hiện đại, hạn chế sử dụng nhiều nhân công. Nông trại được phân chia khu cây trồng thành từng lô, đánh dấu bằng số để quản lý trên máy tính đồng thời sử dụng hệ thống tưới tự động nhỏ giọt, phun sương, chấm phân tự động, phân chia khu vực chăm sóc, quản lý cây trồng cho từng nhóm người cụ thể. Kết quả công việc được báo cáo hàng ngày, tuần và được quản lý trên phầm mềm quản lý hiệu quả công việc. Hiện nông trại có tổng 30 cán bộ và người lao động. Trong khi đó nếu theo cách canh tác cũ thì số lao động phải tăng gấp 2 lần mới có thể đáp ứng được.

Với định hướng phát triển nông sản sạch, tất cả các cây trồng ở nông trại đều được bón bằng phân hữu cơ do nông trại tự sản xuất từ các nguyên liệu sẵn có ở địa phương như phân bò, rơm rạ kết hợp với ủ men.

Anh Nguyễn Mai Hùng thôn 3 Ninh Trang xã Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) người làm cho nông trại từ những ngày mới thành lập dành cho 4 ông chủ trẻ của trang trại những lời khen ngợi khi diện tích mà nông trại mua lại trồng cây được cải tạo rất nhiều so với trước. “Giờ các em không dùng thuốc bảo vệ thực vật mà ủ xanh cỏ, bỏ phân chuồng, tưới nước thì giờ đất nó tơi tốt trở lại, chứ trước đây dân trồng mía thì đất cằn, người dân họ ít cải tạo và lại dùng thuốc men. Từ ngày làm việc ở đây tôi thấy khỏe ra, cây cối xanh tốt, mấy người dân chúng tôi làm ở đây thu nhập ổn định”, anh Hùng cho biết.

Toàn cảnh mô hình nông trại The Moshav Farm của 4 thanh niên 9x tại xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Toàn cảnh mô hình nông trại The Moshav Farm của 4 thanh niên 9x tại xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Anh Nguyễn Trần Ngọc Hòa, Bí thư xã đoàn Ninh Thượng cũng chia sẻ, từ khi có nông trại trên địa bàn đã tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân, các thanh niên trong và ngoài xã. Nhiều hoạt động thực tế, trải nghiệm của các đoàn viên thanh niên, các em học sinh được tổ chức tại đây thiết thực và rất hiệu quả. “Mô hình của The Moshav Farm có vai trò cổ vũ cho phong trào 4 đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp, tạo được động lực cho các đoàn viên thanh niên đam mê nông nghiệp tại chỗ, giảm bớt đi làm ăn xa thu nhập bấp bênh, thay vào đó là phát triển nông nghiệp tại chỗ, công việc ổn định”, anh Hòa bày tỏ.

Các thành viên The Moshav Farm chia sẻ, ngoài lợi ích về phát triển kinh tế nông nghiệp sạch, mô hình nông trại này còn chú trọng giải quyết công ăn việc làm, hướng tới các dự án thiện nguyện vì cộng đồng. Trong hai năm qua, nông trại đã tổ chức một số hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệp cho các bạn trẻ. Đối với những bài học thất bại đã được đúc rút, các thành viên cũng nhiệt tình chia sẻ để những người sau tránh được. Đây có thể gọi là cách nhặt sạn để giúp cho những bạn trẻ rút ngắn được hành trình khởi nghiệp.

Anh Đông mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, cùng đồng hành của các đơn vị, sở, ban, ngành liên quan để giúp nông trại tháo gỡ các khó khăn như hạ tầng về điện, nước sinh hoạt, hệ thống đường truyền mạng Internet để phục vụ tốt hơn cho công việc nghiên cứu, hướng nghiệp, phát triển mô hình nông nghiệp sạch.

https://baotintuc.vn/kinh-te/nhung-thanh-nien-9x-roi-pho-ve-que-khoi-nghiep-tu-nong-nghiep-sach-20210306164109828.htm

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những thanh niên 9x rời phố về quê khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO