Những tiêu chí “cản bước” nhà thầu - Bài 2: “Chiêu trò” tại các gói thầu mua sắm

Diendandoanhnghiep.vn Thời gian qua vẫn có hiện tượng các đơn vị tổ chức đấu thầu thông đồng với nhau “cài cắm” tiêu chí, yêu cầu không phù hợp nhằm hạn chế nhà thầu, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng…

Đó là một trong những nội dung báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Văn phòng Chính phủ mới đây liên quan đến tình trạng “cài cắm” tiêu chí không phù hợp về năng lực, kinh nghiệm trong hồ sơ mời thầu, gây ra sự bức xúc đối với các nhà thầu, làm xấu đi môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh hiện nay.

>>Những tiêu chí “cản bước” nhà thầu - Bài 1: “Chốt chặn” ở gói thầu xây lắp

Một gói thầu mua săm tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Một gói thầu mua săm tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Nghị định số 63), trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra công tác đấu thầu, xử lý phản ánh, kiến nghị của nhà thầu, doanh nghiệp thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, có hiện tượng các chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu và nhà thầu thông đồng với nhau đưa các tiêu chí không phù hợp vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình trạng này đang làm méo mó hoạt động đấu thầu, ảnh hưởng đến động lực phát triển của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đặc biệt là tính cạnh tranh, công bằng, bình đẳng giữa các nhà thầu.

Mới đây, UBND phường Đống Đa, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (Bên mời thầu) lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa các tổ dân phố phường Đống Đa. Gói thầu có giá trị 11,638 tỷ đồng, đa dạng về chủng loại hàng hóa mời thầu, tuy nhiên, nhiều tiêu chí tại hồ sơ mời thầu bị phản ánh bất thường so với quy mô, tính chất gói thầu, hạn chế sự tham gia cạnh tranh của nhiều nhà thầu.

Được biết, gói thầu sử dụng vốn ngân sách phường Đống Đa (TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng, phát hành hồ sơ mời thầu từ ngày 15/9 - 6/10/2022. Gói thầu do Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ chuyển giao kỹ thuật lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Vĩnh Phúc thẩm định hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu.

>>Luật Đấu thầu (sửa đổi): “Gỡ” triệt để vướng mắc trong đấu thầu

Ngày 24/9/2022, trong văn bản phản ánh, Công ty CP P&C Việt Nam (địa chỉ tại TP. Hà Nội) cho biết, hồ sơ mời thầu được lập bao hàm nhiều tiêu chuẩn đánh giá chưa phù hợp với quy định pháp luật đấu thầu, gây khó khăn cho các nhà thầu.

Cụ thể, đối với các yêu cầu về nhân sự chủ chốt, hồ sơ mời thầu xây dựng theo hướng đáp ứng tiêu chí của gói thầu xây lắp. Đơn cử như vị trí Chỉ huy trưởng phải có chứng chỉ giám sát thi công lắp đặt thiết bị vào công trình. Đây là chứng chỉ trong lĩnh vực xây dựng, dành cho các cá nhân thực hiện chức năng tư vấn giám sát; đồng thời, để được cấp chứng chỉ này, cá nhân phải tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan như điện, cơ khí, thông gió - cấp thoát nhiệt, cấp - thoát nước, mạng thông tin - liên lạc, phòng chống cháy - nổ công trình xây dựng...

Trong khi đó, hồ sơ mời thầu quy định vị trí Chỉ huy trưởng phải là nhân sự tốt nghiệp đại học chuyên ngành kiến trúc hoặc mỹ thuật công nghiệp là khập khiễng. Bên cạnh đó, việc nhân sự này không trực tiếp thực hiện các công tác lắp đặt, hướng dẫn chạy thử, vận hành..., song hồ sơ mời thầu yêu cầu có chứng nhận đã qua lớp huấn luyện an toàn lao động; có hợp đồng lao động dài hạn hoặc đủ thời gian thực hiện Gói thầu với doanh nghiệp dự thầu, là hạn chế nhà thầu.

Tại tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, hồ sơ mời thầu quy định bắt buộc nhà thầu tiến hành khảo sát hiện trạng mặt bằng vị trí thi công, cung cắp, lắp đặt thiết bị (tài liệu khảo sát là một phần của hồ sơ dự thầu); đồng thời, có xác nhận đổ thải trong quá trình thi công. Theo Công ty CP P&C Việt Nam, đây đều là các yêu cầu không phù hợp đối với gói thầu mua sắm hàng hóa.

Cũng theo Nhà thầu, căn cứ vào danh mục hàng hóa cần cung cấp, gần như 100% mặt hàng đều là hàng thiết kế theo thông số, tiêu chuẩn kỹ thuật chi tiết (gồm bục để tượng Bác Hồ; bục phát biểu; bàn - ghế hội trường; tủ sách, phông rèm; các loại thiết bị thể dục...) do Bên mời thầu xác định, cần thời gian đủ dài để gia công, đặt hàng sản xuất, tuy nhiên, hồ sơ mời thầu lại không đính kèm bản vẽ thiết kế hàng hóa để các nhà thầu có cơ sở thiết kế, sản xuất phù hợp tiêu chí.

Đáng chú ý, với khối lượng hàng hóa cần cung cấp rất lớn, đa dạng về chủng loại, song hồ sơ mời thầu quy định thời gian thực hiện hợp đồng chỉ có 15 ngày.

“Nếu như không phải nhà thầu/nhà sản xuất đã có sự chuẩn bị từ trước, thì không đơn vị nào có thể đáp ứng tiến độ sản xuất, cung cấp theo yêu cầu trên, chưa kể tới việc các địa điểm cung cấp, lắp đặt không tập trung, mà rải rác tại các nhà văn hóa tổ dân phố trên địa bàn phường”, nhà thầu băn khoăn.

Một gói thầu mua sắm thiết bị Y tế. Ảnh minh họa

Một gói thầu mua sắm thiết bị Y tế. Ảnh minh họa

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh những chiêu trò “cài cắm” tiêu chí nhằm hạn chế nhà thầu hiện nay, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt nhận định rằng, các đơn vị tổ chức đấu thầu thường đưa ra nhiều tiêu chí khó làm “chốt chặn” các nhà thầu “lạ”.

Có thể kể đến như: hồ sơ mời thầu yêu cầu quy mô, tính chất hợp đồng tương tự không phù hợp như hợp đồng tương tự phải của một chủ đầu tư cụ thể; ở một địa bàn, vùng miền cụ thể nào đó; khu biệt tính chất tương tự để hướng tới một sản phẩm, một nhà thầu nào đó… hồ sơ mời thầu đưa ra các yêu cầu về nhân sự không phù hợp như yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt quá cao so với yêu cầu của gói thầu, nhân sự chủ chốt phải thuộc biên chế hoặc có hợp đồng lao động dài hạn với nhà thầu, nhân sự phải được đóng bảo hiểm xã hội tại công ty của nhà thầu… Yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh đã hoàn thành việc đóng bảo hiểm xã hội cho nhân sự; đưa ra các yêu cầu về thiết bị thi công chủ yếu không phù hợp như thiết bị phải thuộc sở hữu của nhà thầu, số lượng thiết bị không hợp lý, không cần thiết… Yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu của nhà thầu; yêu cầu tùy tiện về cung cấp hàng mẫu khi tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa mà trong đó có hàng chục, hàng trăm loại hàng hóa là các hàng hóa có sẵn trên thị trường.

“Việc đưa ra các yêu cầu này là không phù hợp với quy định của Nghị định số 63, các thông tư hướng dẫn của Bộ KH&ĐT về mẫu hồ sơ mời thầu, dẫn đến làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu, không bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”, luật sư Nguyễn Thành Luân đánh giá.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Những tiêu chí “cản bước” nhà thầu - Bài 2: “Chiêu trò” tại các gói thầu mua sắm tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711708923 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711708923 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10