Việc Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Công ty CP Dược phẩm OPC khiến giới đầu tư khá bất ngờ, khi các cổ đông không ủng hộ bán cổ phần cho khối ngoại.
Nói bất ngờ là bởi vì từ trước tới nay, diễn biến trên thị trường M&A cho thấy không có nhiều trường hợp chống lại xu hướng này. Trong khi nhà đầu tư Nhật Bản tham gia đầu tư mạnh mẽ vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm thì Singapore nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại, Thái Lan lại hướng mục tiêu đến mảng bán lẻ và vật liệu – hoá chất. Nhà đầu tư Hàn Quốc thực hiện chủ yếu các thương vụ trong mảng thực phẩm và tài chính ngân hàng…
Ông Trịnh Xuân Vương, Chủ tịch HĐQT Dược phẩm OPC không ngần ngại khẳng định, Dược phẩm OPC luôn cố gắng duy trì hoạt động, phát triển theo kỳ vọng của cổ đông, không để sở hữu rơi vào tay nước ngoài nếu không phải trong tình huống thực sự cần thiết. Đó là niềm tin vào khả năng vươn lên của doanh nghiệp nội trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Trên thực tế ngoài mục tiêu kinh doanh để kiếm tiền, doanh nhân việt còn kinh doanh là để thỏa mãn niềm đam mê, tìm kiếm tự do và vị thế quyết định độc lập, là chấp nhận dấn thân vào mọi thử thách…
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, không chỉ kinh tế Nhà nước mà phải mở rộng ra kinh tế trong nước nói chung, trong đó doanh nghiệp Việt Nam mới là chủ đạo. Sự giàu có của người dân Việt Nam, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt như là một mệnh lệnh trên con đường tiến đến một Việt Nam cường thịnh.