Tổng giám đốc Nike, John Donahoe khẳng định như vậy trước tình trạng Nike đang gây thất vọng vì sản phẩm mới thiếu đi sự sáng tạo vốn có và khiến nhà đầu tư lo lắng.
>>Nike: cổ phiếu “sa sút” đã biến 10.000 USD thành gần 1 triệu USD
Hãng giày Nike đang đối mặt với một số khó khăn. Các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư lên tiếng chỉ trích Nike vì sự tụt hậu về mảng đổi mới sáng tạo, khiến thị phần rơi vào tay những công ty mới nổi như On Running và Hoka.
Hồi tháng 12, Nike công bố kế hoạch tái cơ cấu trên diện rộng nhằm giảm 2 tỷ đô chi phí trong vòng 3 năm tới. Đồng thời họ cũng giảm kỳ vọng doanh thu vì dự đoán nhu cầu sẽ không cao trong những quý sắp tới.
Hai tháng sau, Nike tuyên bố sa thải 2% lực lượng lao động, tương đương 1.500 nhân công, để đầu tư vào các lĩnh vực mạnh của mình như giày chạy bộ, giày nữ và thương hiệu Jordan.
Nguyên do của những sự đi xuống này, Tổng giám đốc Nike, ông John Donahoe cho rằng là vì cơ chế làm việc từ xa. Ông chỉ ra rằng trong đại dịch COVID-19, các nhà máy ở Việt Nam bị buộc phải đóng cửa. Thế nhưng điều quan trọng hơn cả là các nhân viên của Nike đã thực hiện chính sách làm việc tại nhà trong vòng 2,5 năm ấy.
Ông chia sẻ: “Thật khó để tạo ra một mẫu giày táo bạo, sáng tạo thông qua Zoom. Khi quay lại làm việc trực tiếp cách đây 18 tháng, chúng tôi đã nhận ra điều này. Vậy nên chúng tôi đã tập trung hết sức để xây dựng lại quy trình đổi mới.”
Thêm vào đó, ông khẳng định quá trình sáng tạo của Nike “vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, bày tỏ người dùng có thể mong đợi những mẫu mới liên tục được ra lò, cũng như cách kể chuyện tươi trẻ qua sản phẩm - thứ đã khiến Nike trở nên nổi tiếng.
Donahoe rất lạc quan, khẳng định Nike vẫn đang giành được thị phần và là thế lực thống trị trong giày chạy bộ lẫn các loại giày thể thao. Với ông, sự đổi mới luôn là thứ khiến Nike nổi bật trong mọi cuộc đua.
Trong bài phỏng vấn của Donahoe với tờ CNBC, điểm nổi bật là ông cho rằng việc làm việc từ xa là thứ khiến tính sáng tạo của đội ngũ nhân viên đi xuống. Dĩ nhiên đây chỉ là nhận định của cá nhân Donahoe (dù được đúc kết từ trải nghiệm và tình huống cụ thể). Nhận định này tương đồng với quan điểm của nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn như Google, Amazon hay Apple. Những ông lớn này đang cật lực ép nhân viên phải quay về văn phòng làm việc với lí do là làm việc từ xa không hiệu quả, thiếu sáng tạo.
Thế nhưng ở chiều ngược lại, có một thực tế là các công viên càng đòi hỏi ít sự sáng tạo thì lại đang được làm từ xa với hiệu quả không ngờ.
Chẳng hạn, chuỗi nhà hàng gà rán & ramen Sansan ở New York City đã khiến nhiều thực khách bất ngờ khi dàn thu ngân của họ đều là nhân viên làm việc từ xa được thuê từ Philippines. Họ sử dụng Zoom cùng các phần mềm chuyên dụng để chào đón khách hàng qua màn hình và xử lý phần thanh toán. Đặc biệt, dù làm việc từ xa, nhưng họ vẫn nhận tiền tip như thường. Với cách làm này, Sansan đã tiết kiệm được một khoản rất lớn chi phí nhân công, vì lương tối thiểu ở Philippines thấp hơn rất nhiều so với New York.
Hoặc dạo gần đây trên mạng xã hội X có một video khá nổi, đạt 9,1 triệu xem, với nội dung về một nhân viên an ninh tòa nhà làm việc từ xa. Theo chia sẻ từ chủ video, công việc này rất phổ biến ở các nước Nam Mỹ như Uruguay và Argentina. Các nhân viên an ninh này sẽ ngồi sau màn hình và giám sát nhiều khu vực, kiểm soát việc ra vào tòa nhà, đóng mở cửa hoặc ghi lại lịch sử ra vào của khách. Tuy nhiên họ không chỉ giám sát một tòa nhà, mà giám sát hàng trăm, hàng nghìn tòa nhà cùng lúc. Cũng như thu ngân từ xa, nhân viên bảo vệ từ xa có thể giúp người sử dụng lao động tiết kiệm rất nhiều tiền lương.
Những trường hợp này cho thấy quan điểm của ông tổng giám đốc Nike có vẻ có lý, càng xa nhau người ta càng ít sáng tạo.
Có thể bạn quan tâm