Sở VH, TT&DL Ninh Thuận phối hợp với Sở VH, TT&DL Hà Nội tổ chức chương trình "Xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận" năm 2022 và “Ngày hội văn hóa, du lịch Ninh Thuận” tại thành phố Hà Nội.
>>Ninh Thuận xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch giữa lòng Thủ đô
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch nhằm từng bước đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, đến năm 2030 thu hút 6 triệu lượt khách và giải quyết việc làm cho 15% lao động trong tỉnh.
- Được biết, Ninh Thuận có rất nhiều lợi thế phát triển du lịch. Ông có thể chia sẻ về những tiềm năng này để góp phần phát triển bền vững ngành du lịch Ninh Thuận?
Ninh Thuận có bờ biển dài hơn 105 km, là một trong 18 điểm nước trồi hiếm hoi trên thế giới với đa dạng chủng, loài hải sản và nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Hang Rái, Vườn Quốc gia Núi Chúa và Vườn Quốc gia Phước Bình, trong đó Vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngoài ra, Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, là một trong 08 vịnh đẹp nhất Việt Nam.
Cùng với nghệ thuật văn hóa Chăm, các nghề truyền thống và những phong tục tập quán,…đã trở thành những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của nền văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, với khí hậu nắng ấm quanh năm cũng là một lợi thế tự nhiên giúp Ninh Thuận phát triển những loại cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và trở thành đặc sản của địa phương như măng tây xanh, táo, tỏi; chăn nuôi dê, cừu; đặc biệt cây Nho và ngành chế biến vang nho...
>>Ninh Thuận: Đồng hành cùng doanh nghiệp, nâng cao chỉ số PCI
- Để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Ninh Thuận định hướng phát triển các sản phẩm du lịch ra sao, thưa ông?
Tỉnh chú trọng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm mang tính đặc trưng; ưu tiên phát triển 3 nhóm chính gồm sản phẩm đặc thù, sản phẩm mới lạ, sản phẩm bổ trợ. Cụ thể, nhóm sản phẩm đặc thù gồm du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển, du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa... Nhóm sản phẩm mới lạ gồm du lịch khám phá và vui chơi giải trí cát - muối; du lịch săn bắn bán hoang dã; du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe... Nhóm sản phẩm bổ trợ gồm du lịch cộng đồng; du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực; du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo...
Nhờ những sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn nói trên, du khách đến Ninh Thuận ngày càng tăng. Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng ước đạt 2.193.800 lượt (tăng 93,2% so với cùng kỳ, vượt 115,5% so với kế hoạch). Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng, một sự khởi sắc sau dịch bệnh vượt kỳ vọng của Ninh Thuận.
- Theo Nghị quyết số 04, thu hút đầu tư vào du lịch tiếp tục được ưu tiên. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tiếp tục chủ trương khuyến khích thu hút các nhà đầu tư ra sao, thưa ông?
Để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, trong thời gian vừa qua, tỉnh Ninh Thuận đã kết nối tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá và tạo chuỗi liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực, qua đó giới thiệu hình ảnh quê hương, con người, các giá trị văn hóa, từ đó tạo ra các sản phẩm đặc trưng của vùng thu hút du khách, tạo đà phục hồi du lịch.
Chúng tôi cũng đã ban hành các cơ chế đặc thù riêng về thu hút phát triển du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Khu Du lịch nghỉ dưỡng Bình Sơn (TP. Phan Rang - Tháp Chàm); Khu Du lịch quốc gia Ninh Chữ,… Đồng thời, các nhà đầu tư luôn được tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư. Nhờ vây đến nay, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án dịch vụ du lịch được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 29.686 tỷ đồng; trong đó có 19 dự án đi vào hoạt động.
>>Ninh Thuận đột phá với những dự án lớn
Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung nâng cao chất lượng, hướng tới nền du lịch xanh bền vững, phát triển đi đôi bảo tồn, phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, gìn giữ cảnh quan, môi trường, góp phần xây dựng Ninh Thuận thành điểm đến an toàn, thân thiện.
Chúng tôi tin rằng, ngành du lịch Ninh Thuận sẽ đạt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách vào năm 2025, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 12-13%; doanh thu du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm