Nỗ lực cho “chuyến tàu di sản miền Trung”

TUẤN VỸ 26/06/2024 03:00

Với lợi thế sở hữu di sản cũng như việc thay đổi lựa chọn phương hình thức di chuyển du lịch, ngành du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng – Huế đang tích cực hình thành “con đường du lịch” mới.

>>Du lịch bằng đường sắt ngày càng hút khách

Thực tế, hiện nay số lượng khách du lịch lựa chọn thay đổi địa điểm, hình thức di chuyển cho kỳ nghỉ hè cao điểm hiện nay là khá lớn. Nguyên nhân xuất phát từ chi phí vé máy bay tăng, chi phí nghỉ dưỡng tăng nên du lịch bằng đường sắt hoặc tự túc cũng được ưu tiên hơn.

Tại miền Trung, với lợi thế của các địa phương như Quảng Nam – Đà Nẵng – Huế gồm các di sản, ngành du lịch địa phương đã tích cực phối hợp để có thêm sản phẩm mới. Trong đó, một sản phẩm về “chuyến tàu di sản miền Trung” đang manh nha hình thành, mở đầu đã có tuyến Đà Nẵng – Huế.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã đặt nhiều kỳ vọng vào sản phẩm mới này, từ đây có thêm “động lực” để phát triển ngành du lịch địa phương trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế cũng cam kết tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đồng hành, tăng cường quảng bá đến các doanh nghiệp du lịch, người dân và du khách về đoàn tàu.

Tuyến đường sắt du lịch Huế - Đà Nẵng đã nhận được nhiều sự quan tâm của khách du lịch.

Tuyến đường sắt du lịch Huế - Đà Nẵng đã nhận được nhiều sự quan tâm của khách du lịch.

Song song với đó, địa phương sẽ vận động các doanh nghiệp có chính sách ưu đãi dịch vụ, hỗ trợ kết nối các phương thức vận tải khác để hành khách tiếp tục chuyến hành trình, đảm bảo an toàn chạy tàu. Đồng thời, quảng bá đặc sản du lịch trên các chuyến tàu để thu hút đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước.

Tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp du lịch cũng đang tích cực xây dựng sản phẩm giữa 2 địa phương xung quanh tuyến đường sắt  du lịch mới. Đây được xem là phương án mới của ngành du lịch địa phương, thêm đa dạng sản phẩm để thu hút khách du lịch đến và trải nghiệm.

Và sau 3 tháng triển khai, sản phẩm mới này đã nhận được nhiều sự quan tâm của du khách. Đặc biệt, khách quốc tế đặc biệt ưa thích với những dịch vụ, tiện nghi trên chuyến hành trình.

Với Quảng Nam, địa phương này cũng đang thể hiện kết nối du lịch với tuyến đường sắt Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế. Thực tế, về hạ tầng địa phương này đang cơ bản đáp ứng được “điều kiện cần”. Cùng với đó với lợi thế là có 2 Di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam, việc phát triển và kết nối “chuyến tàu di sản miền Trung” trong giai đoạn hiện nay nhận được rất nhiều sự quan tâm. 

Để cụ thể hóa, vừa qua đại diện ngành du lịch tỉnh Quảng Nam cùng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã có một cuộc họp để bàn về phương án chạy tàu kết nối “chuyến tàu di sản miền Trung” giữa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Theo đánh giá của các bên, việc hình thành chuyến tàu này sẽ góp phần gia tăng nguồn khách du lịch đến Quảng Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho khách nội địa và khách quốc tế đến, đi từ Quảng Nam bằng đường sắt, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và ngành du lịch tỉnh Quảng Nam.

Ngành du lịch Quảng Nam đã khảo sát, có kế hoạch phát triển để kết nối

Đại diện ngành du lịch Quảng Nam đã khảo sát, có kế hoạch phát triển để kết nối  “chuyến tàu di sản miền Trung”. 

Theo thông tin, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh qua địa bàn Quảng Nam dài 91,5km. Trong đó có 8 ga gồm Nông Sơn, Trà Kiệu, Phú Cang, Tam Thành, An Mỹ, Tam Kỳ, Diêm Phổ, Núi Thành. Với vấn đề phục vụ du lịch, sẽ có 3 ga tác nghiệp đón trả khách là Trà Kiệu, Tam Kỳ và Núi Thành, trong đó ga Trà Kiệu phù hợp nhất để mở rộng chặng tàu di sản Huế - Đà Nẵng bởi hạ tầng tương đối ổn và khoảng cách từ ga đến hai di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn đều dưới 25km.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam  cho rằng chuyến tàu cũng sẽ kết nối đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Qua đó hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch, hợp tác phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đường sắt, góp phần phục hồi và phát triển mạnh mẽ du lịch.

Về kế hoạch, tại các ga Trà Kiệu, Tam Kỳ sẽ do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, vận hành, kết hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn/dịch vụ,... để tạo thuận lợi nhất cho khách đi tàu. Sau đó, các bên sẽ vận hành thử nghiệm việc mở rộng “chuyến tàu di sản miền Trung” từ ga Đà Nẵng đến ga Trà Kiệu trong năm 2024.

Với Quảng Nam, thời gia qua ngành du lịch cũng đã tích cực bắt nhịp xu thế du lịch đường sắt, bắt đầu từ việc chuẩn bị các điều kiện để nối dài hành trình “chuyến tàu di sản miền Trung”. Các ý kiến đều cho rằng hạ tầng giao thông phụ trợ cho ga Trà Kiệu hoặc tuyến xe buýt phục vụ khách trên tuyến này không phải là nút thắt mà là cần phương án, kịch bản cụ thể để vận hành tuyến Đà Nẵng - Trà Kiệu.

Đại diện Công ty HoiAn Express – một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, thông tin thị trường khai thác chủ yếu của đơn vị là khách Âu - Mỹ - Úc và sự quan tâm của thị trường này về các di sản là rất lớn. Vị đại diện cho biết, phía doanh nghiệp vẫn đang khai thác khách đi Huế - Đà Nẵng bằng đường bộ và nếu mở rộng tuyến tàu di sản thì có thể cân nhắc đổi chiều đi hoặc chiều về của khách sang đi bằng tàu để gia tăng trải nghiệm.

“Vì vậy, việc mở rộng trải nghiệm tàu di sản ở Quảng Nam là khả thi.Về lâu dài, khi đưa vào vận hành, nếu triển khai các toa tàu “charter” thì sẽ thuận lợi hơn nữa cho đơn vị khai thác vì chủ động về số lượng”, vị đại diện doanh nghiệp đề xuất.

Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp trước đó, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho hay để thu hút khách nội địa đến Quảng Nam trong thời gian tới,  địa phương đã cùng Tổng công ty đường sắt Việt Nam khảo sát tại các điểm ga tàu.Theo ông Hồng, đây là hoạt động nằm trong kế hoạch hợp tác dài hạn của Quảng Nam với ngành đường sắt để mời gọi du khách từ các tỉnh ở xa đi tàu lửa đến Quảng Nam du lịch.

Cụ thể, phương án đầu tiên sẽ là đầu tư hạ tầng đón khách, toa tàu, ga bến để thuận tiện hơn. Song song, ngành du lịch cũng có kế hoạch tăng ưu đãi, chăm sóc với khách du lịch chọn đi tàu hỏa từ các tỉnh đến Quảng Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần cuộc “cách mạng” về du lịch

    Cần cuộc “cách mạng” về du lịch

    02:00, 20/06/2024

  • Khai thác lợi thế phát triển du lịch tàu biển

    Khai thác lợi thế phát triển du lịch tàu biển

    01:02, 18/06/2024

  • Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Vinpearl ký kết hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch

    Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Vinpearl ký kết hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch

    16:32, 06/06/2024

  • Ngành đường sắt

    Ngành đường sắt "bội thu" dịp nghỉ lễ

    15:10, 29/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nỗ lực cho “chuyến tàu di sản miền Trung”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO