Ông ngồi trên cát, nhìn một cánh buồm bò chầm chậm về phía biển, chở những giấc mơ đã quên dần theo năm tháng.
Ông đã chấp nhận rủi ro, lao động quên mình, ăn chắc mặc bền, chẳng lẽ phần thưởng duy nhất mà ông nhận được lại là một trang trong Bộ luật phá sản sao? Tiền tấn đã đổ xuống biển, mà cái ví nào thì cũng có đáy của nó!
Người ta mách tôi ông là Hoàng Thiềng, chủ nhân của một cơ ngơi (Khu du lịch quốc tế Hòn Dáu ở Đồ Sơn, Hải Phòng) trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Lần đầu tôi nhìn thấy ông, gương mặt ông màu đỏ sẫm như quả mận vừa mới rửa. Mắt đã phai màu, nhưng nồng ấm vì ẩn chứa những đốm lửa vàng li ti. Ông có giọng nói ngọt ngào, song thiếu đi sự vui vẻ thường thấy ở các nhà giàu thích tiêu xài và nhậu nhẹt! Ông không mặc áo sơ mi vải Cashmere của hãng Versace, trên tay không thấy lấp lánh ánh kim cương của chiếc đồng hồ Piaget - những thứ hàng hiệu đánh dấu địa vị xã hội.
Trái lại, người ông thô kệch, to bè, làm ông giống một ông chủ lò bánh hơn một “quý ông- đại gia” chỉ uống rượu Dom Perignon và nhét tiền thưởng vào tay bất cứ kẻ nào cúi đầu chào mình! Ông không giống người như tôi tưởng tượng. Song ông làm ám ảnh tôi, bởi tôi nhận ra một nỗi lo âu dịu dàng gần như van nài, một nỗi buồn không mong sự thương hại, một thái độ không phán xét ai, nhưng ẩn kỹ là một lớp trầm tích xót xa ở đáy sâu tâm hồn ông.
Những năm giao thời giữa 2 thế kỷ, Hải Phòng – Thành phố thứ 3 của cả nước thế kỷ trước - đã bị gạt ra ven đường cao tốc phát triển, bởi phải mang vác một nền kinh tế mệt mỏi, không còn động lực.
Năm 2004, trong một cố gắng tìm lại ngày xưa đã mất, các nhà lãnh đạo Hải Phòng “du” Nam. Họ mời gặp Hội đồng hương Hải Phòng ở TP.HCM tại Dinh Độc Lập. Hôm ấy, lãnh đạo Thành phố kể lại quá khứ huy hoàng của Thành phố để kêu gọi người Hải Phòng xa xứ thành đạt mang tiền bạc về xây dựng quê hương và, dĩ nhiên, kết thúc bằng những lời hứa hẹn về một tấm thảm trải đỏ!
Những ngày sau đó, bên các ly café sáng hay sau những buổi rượu chiều, Hoàng Thiềng và các bạn người Hải Phòng của ông bàn cãi rất nhiều về những lời “tâm huyết” của lãnh đạo thành phố. Không hiếm người đã thận trọng ngờ vực: “Nhiều điều hứa hẹn đôi khi có hạn sử dụng ngắn hơn quả chuối! Thế nên một chân phải luôn đặt sẵn ngoài cửa!”. Hồi ấy ông nghĩ: Họ có khát vọng nhưng nhút nhát và do dự, không dám ngồi xuống chỉ một cái ghế có dính phân chim!
Riêng ông thì chí đã quyết: Ông sẽ đem tất cả về cố hương! Ông tin vào lời tâm huyết. Và ông luôn mang trong tim lòng tự hào của người dân thành phố Hải Phòng!
Vợ ông bị sốc! Đôi khi đàn bà là những quan tòa không mấy sáng suốt trong việc đánh giá đàn ông. Bà không muốn ông mạo hiểm cuộc sống vốn đã phẳng phiu của bà. Thế nhưng, ông lại không phải loại người mặc quần áo ngủ, chân xỏ dép lê, đều đặn bước đi trong cuộc đời này như chiếc đồng hồ treo ở phòng khách. Ông có thời trẻ hào hùng. Năm 17 tuổi (1972), ông gia nhập cái “Đội tàu không số” huyền thoại. Họ là những người lính thủy can đảm đã dự đám tang chính mình trước mỗi chuyến đi cảm tử- Chở súng đạn của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Sau ngày hòa bình, ông xuống các con tàu của VOSCO (Công ty Vận tải biển Việt Nam) vượt qua vịnh Biscay “Bão táp”, mũi Horn “điên rồ”, “Nghĩa địa tàu thuyền, những cái tên làm khiếp đảm các con “sói biển” thực thụ!
Rời biển, ông lên rừng làm đường dây tải điện 500 KV từ Đà Nẵng đến Cà Mau. Hết việc, ông về TP.HCM buôn bất động sản, trở thành đại gia! Rồi bây giờ định quay lại Đồ Sơn lấn biển lấy đất kinh doanh du lịch.
Vợ ông không hiểu: Làm sao biển có thể cướp được ông khỏi vòng tay bà bằng sức lôi cuốn hoang dã của nó? Hay là, bà nghĩ, ở Đồ Sơn có nhiều người đàn bà hư hỏng (?) biết cách dạy thằng nhóc con nhìn ngực phụ nữ (Bà thấy trên mạng nói thế). Họ có thể làm chồng bà sa ngã! Và nỗi ngờ vực đầy chất hoang tưởng của bà cứ mở toác ra như một vết thương không chịu kín miệng. Từ đó, bà đã ra tối hậu thư: Hoặc bà, hoặc là sự nghiệp của ông! Bà viết sẵn đơn ly dị. Đó là dấu hiệu lâm sàng của sự chia tay.
Không thể van nài hay thuyết phục các định kiến cố chấp của bà, trong cơn giận dữ trống rỗng ông đã ký đơn.
Năm 2005, Hoàng Thiềng trở về quê hương mang theo hành lý xách tay là một nửa số tài sản cùng bản dự án lấn biển Đồ Sơn. Bà ở lại TP HCM cùng niềm an ủi: Dùng thời gian để tiêu dần số tiền kếch xù mà bà được hưởng từ vụ ly hôn.
Hải Phòng trải thảm đỏ đón Hoàng Thiềng, thể hiện sự trọng thị của thành phố với một người đã trở thành nhân vật. Những lời hứa ủng hộ ông lặp đi lặp lại dài như một chuỗi tràng hạt của vị cao tăng. Mà họ làm thật! Ông được hưởng quyền ưu đãi đầu tư. Có nhiều vấn đề tưởng chừng không thể vượt qua họ biến chúng thành chuyện nhỏ. Bốn Bộ (kể cả Bộ Quốc Phòng) đồng ý cho ông xẻ núi Đồ Sơn lấn biển.
Thời trẻ có thầy xem tướng phán rằng: Người có đường nét ngang tàng ở cằm như ông là không biết sợ! Ông biết biển dữ dội và nham hiểm khó lường, song ông là người của biển. Hơn nữa, bây giờ ông chỉ còn một khát vọng duy nhất, ông không chấp nhận thất bại.
Thế là bắt đầu những năm tháng dài lầm lũi đổ hàng triệu mét khối đá, trồng hàng vạn cây thông, bàng… Ở cái nơi tận cùng của đất liền, rất xa chốn phồn hoa đô hội này, người ta đánh dấu thời gian bằng nhịp điệu của biển trời. Mùa khô: Nắng trút xuống như đổ lửa, thằn lằn cũng phải trốn trong bòng râm. Mồ hôi (không phải nước biển) đầm đìa đến trôi cả người. Mùa mưa: Bầu trời trĩu mây võng xuống. Bãi cát cũng bị nhuộm màu xám xịt. Sóng cuồn cuộn như nhịp thở của một sinh vật khổng lồ, giận dữ tung bọt trắng xóa cả mép.
Nhiều lần ông bị nếm mùi mặn chát của biển. Năm 2007, hơn 3 cây số kè đá (vài trăm tỷ đồng), run rẩy như một sợi dây trong cơn bão mạnh, bị biển nuốt chửng. Ông lại làm từ đầu. Lấn biển - Phải có sự kiên nhẫn của loài nhện!
Còn một lần nữa, hôm ấy vầng trăng nhô cao tràn đầy, trong trẻo. Trên bãi biển bỏ hoang cho sự cô đơn của mùa thu, ông ngồi một mình với con chó già của người bảo vệ đang nằm ngủ trên tấm thảm chùi chân ở trước cửa nhà, khâu chiếc áo rách (Ông tưởng đã được vĩnh biệt cái kim, sợi chỉ từ khi lấy vợ!).
Tâm trạng ông dường như chìm xuống tận đáy cốc rượu. Ông lặng nghe tiếng chuông điểm ghê gớm của cái tuổi U60 lặng tan dần trong cảnh trời mờ tối. Rồi bất chợt âm thầm khóc, nước mắt từ từ chảy xuống như máu rỉ ra ở một vết thương. Ông đã rời bỏ gia đình nhưng lại cần nó một cách tuyệt vọng.
Thế rồi cũng có những ngày ánh mặt trời lặn vàng như phấn hoa. Các giọt nước đọng trên bãi cỏ xanh khiến cho ánh nắng rạn nứt thành những tia lửa đỏ thẫm. Cảnh đẹp thế này uống rượu hay tán tỉnh người phụ nữ là việc nên làm! Và trong một lần như thế, ông đã gặp người đàn bà thứ hai của mình - Một cô y sĩ xinh đẹp, nết na.
Cuối cùng, mặt đất cũng hiện ra ở nơi trước đây là biển. Trên đó có những khách sạn 5 sao, có các công viên cây xanh, vườn thú, có bến du thuyền, có khu nhà ở nghỉ dưỡng, có bãi tắm nước ngọt nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á…
Giờ phút ông được hưởng các trái ngọt đầu tiên của gần 7 năm lấn biển thì những lời hứa đầu tiên cũng bị rụng cánh. Có các chuyên viên “thổ địa” thành phố lật ngược quan điểm như lật trái chiếc găng tay. Họ truy vấn ông về những thiếu sót do chính hệ thống của họ góp phần gây ra.
Tranh luận với họ như là cãi nhau với biển. Chỉ có khác là biển không thể giết doanh nghiệp bằng sự vô cảm. (Kinh Talmut của người Do Thái viết: “Có 9 con đường dẫn đến tội ác thì một là do vô cảm!”). Có năm ông gửi Trung ương, Thành phố 40 công văn. Những lời thỉnh cầu bị nhét vào ngăn kéo bàn làm việc sau các cuộc họp với kết luận: “Hãy đợi đấy!”. Biểu hiện của quyền lực là nghĩa vụ phải đưa ra những quyết định, vậy mà chúng cứ lẩn đi như nước lẩn vào trong cát! Về Hải Phòng năm 2005, đến nay (2020) dự án của ông vẫn chưa nhận được quyết định giao đất! Không mổ xẻ sự đúng sai của các chi tiết, nhưng sự chờ đợi có thể giết một doanh nghiệp mà không hề gây thương tích .
“Không thể dạy con sáo già biết hót điệu mới”. Bây giờ, ông chỉ còn kỳ vọng vào ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, một người đang mang trọng trách phục hưng thành phố và cũng làm rất tốt điều: “Hợp tác là tinh thần của thời đại” .
Tôi rủ ông vào rừng để chụp ảnh. Không khí ngập tràn hương thu nồng nàn. Ông nói: “Tôi tiếc có cái ngày đó! (Cái ngày quyết định trở về quê hương-nv). Giờ tôi chỉ mong bán lỗ, gom vốn vào lại Sài Gòn!”. Xin đừng nói thế ông ơi, ông làm tôi khóc mất thôi! Ông phải ra đi thì có người Hải Phòng xa quê nào còn muốn về cố hương nữa? Ông có quyền tự hào chứ. Chí ít tôi cũng học được ở ông: Không có khát vọng, cuộc đời chỉ còn là chuyện ăn, ngủ!
Đường về thật dài vì chẳng ai nói câu nào. Chỉ có con chim đen kêu quang quác như một mụ phù thủy già và tiếng gió biển ẩm ướt thổi qua ngọn thông mọc trước cửa các ngôi nhà ủ dột. Những con sóng đã được gió vuốt phẳng vỗ vào bờ cát nghe còn yếu hơn cả tiếng thì thầm của máu.
Có thể bạn quan tâm
“Tấm của lòng vàng” doanh nhân Việt
04:08, 10/10/2020
Cơ ngơi nghìn tỷ của doanh nhân Võ Quốc Thắng tại Đồng Tâm Group
03:15, 09/10/2020
Doanh nhân Đặng Thành Tâm: Sóng cả không ngã tay chèo
03:05, 08/10/2020
Chân dung ông chủ kín tiếng của Rạng Đông Group
03:00, 07/10/2020
Ông Lý Xuân Hải xuất hiện ở Coteccons với vai trò gì?
11:53, 06/10/2020
Ông Nguyễn Bá Dương rời Coteccons sau 17 năm gây dựng công ty
03:15, 06/10/2020
Hé lộ các tỷ phú đang rót tiền cho chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden
03:00, 05/10/2020