Khi Việt Nam ngày càng ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nông sản Việt không còn cách nào khác phải được nâng cao chất lượng.
Hiện có một số FTA ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp Việt Nam, như FTA Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA); FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); FTA ASEAN - Australia/ New Zealand (AANZFTA)…
Nỗi lo muôn thủa
Hiện nay, rào cản kỹ thuật lớn nhất đối với nông sản Việt là kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Với kiểm dịch thực vật, phần lớn các nước nhập khẩu yêu cầu rất cao về thành phần dịch hại, biện pháp phòng trừ... Trong khi đó, thời gian phân tích nguy cơ dịch hại kéo dài khá lâu, gây tốn kém.
Còn với an toàn thực phẩm, nhiều mức dư lượng đang được các nước châu Âu, Mỹ… ở mức là 0 hoặc rất thấp. Thế nhưng, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam có quy mô nhỏ, năng lực yếu nên khó đáp ứng được yêu cầu.
Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp nội địa hiện mới chỉ tập trung vào khâu ít rủi ro, nhất là làm thương lái, gom hàng thô sau đó bán cho các đối tác lớn. Thành thử chuỗi giá trị hầu hết thuộc về doanh nghiệp ngoài lãnh thổ.
Cần có tiêu chuẩn chất lượng
Thiếu tiêu chuẩn theo quy định không chỉ khiến nông sản gặp khó khăn ở trong nước mà ở cả thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ có nông dân không thể tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, mà cần sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Chẳng hạn, không thể cho rằng việc kiểm dịch thực vật đang gây nhiều khó khăn cho việc đáp ứng tiêu chuẩn nông sản xuất khẩu, bởi việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn đang là thực trạng đáng báo động. Bởi vậy, muốn có nông sản sạch thì phải có danh mục thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường. Để làm được điều này, phải quản lý chặt đầu vào, loại bỏ được các loại thuốc kém chất lượng, độc hại với con người và môi trường.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất là giải pháp không thể thiếu. Bởi muốn có một khối lượng nông sản lớn, chất lượng đồng đều, đạt tiêu chuẩn thì việc phát triển các chuỗi liên kết là xu hướng tất yếu. Chỉ bằng cách hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, thì bài toán về sản phẩm xuất khẩu, kiểm soát an toàn thực phẩm mới có thể được giải quyết triệt để.