Khảo sát của HSBC cho thấy hơn một phần ba (35%) nữ doanh nhân gặp phải định kiến về giới tính khi huy động vốn cho doanh nghiệp của mình, điển hình như trong quá trình đầu tư…
Nhiều cơ hội khẳng định
Năm 2016, sau khi Forbes Việt Nam công bố danh sách 30 under 30, câu chuyện khởi nghiệp của cô gái H’Mông Tẩn Thị Shu, với ý chí và nghị lực kiên cường vượt qua những trở ngại, thiếu thốn và định kiến xã hội dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số, đã trở thành nguồn cảm hứng cho phụ nữ Việt.
Đến nay, sau hơn 12 năm thành lập, Sapa O’Chau - đứa con tinh thần của Shu, đã trở thành một doanh nghiệp xã hội chuyên nghiệp về du lịch, không chỉ kinh doanh mà còn giới thiệu những nét văn hóa bản địa đến du khách nước ngoài.
Tháng 2/2020, tên Lee So-jeong đồng loạt được nhắc đến trên các trang báo nổi tiếng tại Singapore, Anh, Ấn Độ, Việt Nam,… với tư cách là nữ MC chính đầu tiên của chương trình thời sự đài KBS. Lee đã vượt qua định kiến xã hội và tư tưởng trọng nam khinh nữ nặng nề tại Hàn Quốc để chứng minh năng lực và tiếp tục con đường sự nghiệp của mình trong khi nhiều phụ nữ có trình độ khác phải từ bỏ.
Tẩn Thị Shu và Lee So-jeong thuộc số 48% phụ nữ trong độ tuổi lao động hiện đang làm việc, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO công bố tháng 2/2019. Những người phụ nữ này ngày ngày nỗ lực thể hiện khả năng, cố gắng đạt được những thành tựu nghề nghiệp nhất định trong khi vẫn phải chịu sự phân biệt giới tính, những quan niệm bảo thủ và rào cản vô hình trong xã hội.
Với sự dịch chuyển trọng tâm kinh tế thế giới về châu Á – Thái Bình Dương và xã hội đang bước vào nền kinh tế tri thức, phụ nữ châu Á hiện có nhiều cơ hội chứng tỏ mình hơn, đồng thời, những bất lợi của họ về mặt thể chất dần biến mất. Trong những năm gần đây, không khó để thấy ảnh hưởng của phụ nữ trong doanh nghiệp ngày càng lớn và tỉ lệ phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo trong xã hội dần tăng.
Theo kết quả điều tra doanh nghiệp dân doanh của VCCI trên các tỉnh, thành phố từ năm 2011 tới 2019, tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng từ 21% năm 2011 lên 24% năm 2018. Số liệu này cũng phù hợp với kết quả thống kê mới nhất của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2019. Báo cáo của VCCI cũng cho thấy có tới 68,8% nữ lãnh đạo có trình độ đại học và thạc sĩ quản trị kinh doanh, chứng tỏ nữ giới hoàn toàn có đầy đủ năng lực và trình độ để lèo lái hoạt động của doanh nghiệp.
Một báo cáo khác của Grant Thornton có tiêu đề Phụ nữ trong Kinh doanh 2019 (Women in Business) cho biết tại Việt Nam, phụ nữ nắm giữ 36% các vị trí quản lý cấp cao, đứng thứ hai sau Philippines (37,5%) ở trong khu vực. Con số này cao hơn tỉ lệ trung bình của ASEAN (28%) và trên toàn cầu (29%).
Định kiến giới khi huy động vốn đầu tư
Trong báo cáo Phụ nữ làm kinh doanh (She’s the Business) của HSBC thực hiện vào quý cuối năm 2019 cho thấy các doanh nhân nữ trên toàn cầu gọi vốn ít hơn 5% so với các doanh nhân nam, cũng như phải mất nhiều thời gian gọi vốn hơn so với nam giới. Các doanh nhân nữ ở Hồng Kông phải đối mặt với quá trình phê duyệt vốn kéo dài trung bình 9,7 tháng, so với 8,8 tháng đối với các doanh nhân nam ở Hồng Kông.
Có thể bạn quan tâm
09:00, 15/02/2020
14:36, 07/01/2020
19:38, 26/03/2020
05:00, 27/03/2020
Sự bất bình đẳng giới vô thức vẫn tồn tại. Khảo sát của HSBC cho thấy hơn một phần ba (35%) nữ doanh nhân gặp phải định kiến về giới tính khi huy động vốn cho doanh nghiệp của mình. Định kiến này được thể hiện một cách rõ ràng, điển hình như trong quá trình đầu tư, các nữ doanh nhân thường “được” đặt các câu hỏi về hoàn cảnh gia đình, uy tín của họ với tư cách là lãnh đạo doanh nghiệp hay làm sao phòng tránh thua lỗ…
Thực trạng cho thấy phụ nữ thường dành thời gian ngoài giờ làm việc để chăm sóc gia đình, hơn là ưu tiên cho những hoạt động mở rộng quan hệ, mạng lưới liên kết hoặc tiếp cận các nguồn huy động vốn. Vậy chúng ta cần làm gì để khai phóng tiềm năng của họ? Các nữ doanh nhân này cần được khuyến khích và tạo điều kiện để tham gia các hoạt động kết nối nhiều hơn. Chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ cho các nữ doanh nhân từ chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn chuyên nghiệp, tổ chức hội thảo đầu tư, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp, các lĩnh vực khác nhau, kết nối các nguồn lực và vốn.
Để hoàn toàn xóa bỏ sự bất bình đẳng giới trong kinh doanh, cũng như hỗ trợ các nữ doanh nhân gọi vốn hiệu quả, đó là cả chặng đường dài. Nhưng chắc chắn, những nữ cường nhân mạnh mẽ và đầy nghị lực này sẽ không ngừng học hỏi, phát triển và sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai.