Ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp và trách nhiệm của chính quyền địa phương

VŨ PHƯỜNG 29/07/2022 03:00

Trước thực trạng các cụm công nghiệp (CCN) đang gia tăng mạnh mẽ, các chế tài chưa đủ sức răn đe và có hiệu quả. Theo các chuyên gia, cần quy rõ trách nhiệm cho chính quyền địa phương...

>>“Lá chắn” nào ngăn ô nhiễm môi trường từ làng nghề?

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến hết năm 2020, cả nước có 968 CCN với tổng diện tích 30 nghìn ha đã được thành lập; trong đó có 450 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Các CCN còn lại do chủ yếu do cơ quan nhà nước cấp huyện làm chủ đầu tư. Còn theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến nay chỉ có khoảng 20% số CCN đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các CCN còn lại hoặc tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường, dẫn tới nước thải không đạt yêu cầu QCVN. Tỷ lệ doanh nghiệp xử lý khí thải còn rất thấp.

Ô nhiễm môi trường tại các CCN đang làm “đau đầu” các cơ quan chức năng (Ảnh minh họa)

Ô nhiễm môi trường tại các CCN đang làm “đau đầu” các cơ quan chức năng (Ảnh minh họa)

Hạ tầng xử lý môi trường chưa đồng bộ

Thực trạng các chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng CCN mà chưa có sự ưu tiên công nghệ xử lý chất thải, một số CCN thậm chí còn không có hệ thống xử lý rác thải mà đổ trực tiếp ra môi trường, làm ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư sống tại khu vực lân cận.

Theo các chuyên gia môi trường, thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các CCN đang là bài toán nan giải đối với nhiều địa phương. Bởi theo quy định, các CCN do địa phương chịu trách nhiệm thành lập và quản lý, trong đó chủ yếu do cấp huyện quản lý. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn nên không có hạ tầng, hoặc đầu tư hạ tầng không đồng bộ để kết nối, nên gần như toàn bộ hệ thống xử lý môi trường không hoạt động.

Ngoài ra, tại CCN, việc sắp xếp, bố trí các loại hình công nghiệp hoàn toàn không theo quy hoạch. Điều này đòi hỏi phải thay đổi phương thức kiểm soát về môi trường đối với các CCN, trong đó có các dự án đầu tư phức tạp, nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Đánh giá về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các CCN hiện nay, Bộ TNMT thừa nhận, các CCN thời gian qua phát triển khá nhanh nhưng lại chưa đi đôi với đầu tư cơ sở hạ tầng về môi trường. Nhiều CCN vừa thu hút đầu tư, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, không tuân thủ thiết kế ban đầu và không xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Cùng với đó, không khí các CCN cũ đang bị ô nhiễm do các nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, do vẫn còn tình trạng chồng chéo trong quản lý môi trường tại các CCN nên chưa có sự phối hợp trong quản lý những vấn đề liên quan đến môi trường.

Theo ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho biết, 10 năm trước tại các KCN hầu như không có thiết bị nào dùng để xử lý ô nhiễm nước thải, rác thải và các chất thải khác. Hiện nay, chúng ta đã có quy định bắt buộc các CCN phải lắp đặt và có quy trình thẩm định chặt chẽ. Tuy nhiên, lắp đặt rồi nhưng vận hành hay không lại là câu chuyện khác. Một số chỉ vận hành để đối phó với lực lượng thanh tra.

Việc xây dựng hạ tầng xử lý môi trường là rất cần thiết khi quy hoạch các CCN mới

Việc xây dựng hạ tầng xử lý môi trường là rất cần thiết khi quy hoạch các CCN mới

Cần quy trách nhiệm cho địa phương

Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, nhiều hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đã khá đầy đủ, nhưng công tác bảo vệ môi trường tại đa số các CCN trên cả nước vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng phát triển các CCN thiếu quy hoạch đồng bộ. Thêm vào đó, các địa phương nôn nóng cho việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nên hạ tầng bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các CCN của chủ đầu tư hạ tầng CCN tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại đa số các CCN chưa cao.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là xử lý môi trường. Bên cạnh đó, khi quy hoạch CCN, quy mô của các CCN không được quá nhỏ như hiện nay. Do đó, cần có những điều chỉnh cần thiết về quy hoạch, trên cơ sở đó có thể xử lý được vấn đề môi trường.

>> TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xử lý nghiêm mọi hành vi gây ô nhiễm môi trường

Để giải quyết tình trạng này, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý CCN, sửa đổi bổ sung năm 2020. Trong đó, Thủ tướng đã trực tiếp giao nhiệm vụ rất rõ ràng cho các địa phương trong việc quản lý và phát triển các CCN, đặc biệt là UBND cấp huyện.

Theo đó, chính quyền địa phương phải có năng lực, cần thanh tra, kiểm tra để đánh giá toàn bộ chất lượng các CCN trên địa bàn. Đối với các CCN gây ô nhiễm, các cơ sở sản xuất xả thải ra môi trường vượt quá quy định, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân, phải đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, cần khoanh vùng đối với những CCN có “tiềm năng” ô nhiễm nguy cơ. Việc áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, nhà máy gây ô nhiễm phải chịu sự cung cấp các dịch vụ của các đơn vị xử lý.

Công ty CP Đầu tư quốc tế Limico-HD tại CCN Ba Hàng (tỉnh Hải Dương) vừa bị UBND tỉnh Hải Dương xử phạt 350 triệu đồng do không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định khi triển khai dự án.

Công ty CP Đầu tư quốc tế Limico-HD tại CCN Ba Hàng (tỉnh Hải Dương) vừa bị UBND tỉnh Hải Dương xử phạt 350 triệu đồng do không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định khi triển khai dự án.

Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, để đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, phục hồi chất lượng môi trường, nhất là môi trường CCN, làng nghề, thì nhiệm vụ hàng đầu là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò của môi trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, công khai, minh bạch thông tin và đẩy mạnh sự giám sát của cộng đồng.

Với gần 600 CCN chưa có hạ tầng bảo vệ môi trường, để giải quyết vấn đề này, cần phải rà soát, làm rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư CCN, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp huyện. Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch cụ thể và khả thi nhằm xã hội hóa, huy động nguồn lực cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường tại các CCN.

Có thể bạn quan tâm

  • “Điểm đen” ô nhiễm tại Hà Tĩnh

    “Điểm đen” ô nhiễm tại Hà Tĩnh

    01:10, 12/07/2022

  • Quảng Ninh: Cảnh báo ô nhiễm môi trường vùng nuôi Hàu ở Vân Đồn

    Quảng Ninh: Cảnh báo ô nhiễm môi trường vùng nuôi Hàu ở Vân Đồn

    01:50, 17/11/2021

  • Thanh Hóa: Xử phạt 391 triệu đồng doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường

    Thanh Hóa: Xử phạt 391 triệu đồng doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường

    22:02, 26/03/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

    19:27, 18/01/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp và trách nhiệm của chính quyền địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO