Ô nhiễm, ngập nước: Khi khái niệm bị đánh tráo!

Trương Khắc Trà 10/07/2018 11:00

Khi nào còn những lý do trời ơi đất hỡi thì khi đó còn cho thấy thái độ bàng quan với thực tại, sự hiểu biết có vấn đề và cả sự bất lực với đòi hỏi chính đáng của người dân.

Trong nhiều vấn đề xảy ra đòi hỏi trách nhiệm từ cơ quan chức năng, với cái nhìn lành mạnh, thường người ta sẽ tìm cách giải quyết bằng các hành động cụ thể. Đó cũng là lúc chức năng quản lý hành chính về mặt nhà nước được thể hiện.

Tuy nhiên, gần đây còn xuất hiện một phương pháp xử lý rất mới, đó là “nói tránh” hay nói đúng bản chất của nó là “đánh tráo khái niệm” nhằm lái vấn đề sang hướng khác!

Có rất nhiều nơi như thế, ví dụ việc bổ nhiệm cán bộ, khi bị dư luận đặt vấn đề thì người ta lái sang “quy trình”; cá chết là do ngạt nước; đường hỏng do trời nắng; tình trạng ngập nước ở TP HCM bị làm nhẹ là “tụ nước”; mùi thối bốc lên từ bãi rác bị cho là... do biến đổi khí hậu…!?

Nhìn lại một chút mới thấy, cách nói tránh có tác dụng không ngờ, nó làm mất hoàn toàn tính cấp thiết của vấn đề. Bài toán trị thủy ngay trong lòng thành phố lớn nhất nước tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của, tốn không biết bao nhiêu thời gian bàn giải pháp từ hàng ngàn cuộc họp, hội thảo, diễn đàn lớn bé.

Bãi rác Đa Phước trở thành căn bệnh vô phương cứu chữa

Bãi rác Đa Phước trở thành "căn bệnh" vô phương cứu chữa

Thế nhưng qua một lời nói, vấn nạn rất đau đầu là ngập nước bỗng nhiên chẳng còn gì đáng lo ngại, vì chỉ là... tụ nước! Đúng rồi, tụ nước thì ở đâu chẳng có, vũng nước bé bằng bàn tay hay cả con phố cũng là tụ nước.

Có thể bạn quan tâm

  • TP HCM: Yêu cầu có biện pháp giảm mùi hôi từ bãi rác Đa Phước

    TP HCM: Yêu cầu có biện pháp giảm mùi hôi từ bãi rác Đa Phước

    14:02, 02/09/2016

  • Đánh tráo khái niệm ?

    00:00, 23/01/2013

  • Luật đất đai: Cố tình đánh tráo khái niệm?

    00:00, 22/09/2011

  • Dự án chống ngập 10.000 tỷ “đói” vốn: Các bên đùn đẩy trách nhiệm

    11:12, 03/06/2018

  • Đùn đẩy trách nhiệm?

    00:00, 18/10/2007

Thật là hay, vì khi dùng từ ngập nước tức là nước phải nhấn chìm thứ gì đó mới gọi là ngập, thật là khó coi nếu ở trong thành phố mà hễ mưa lớn là đường nằm… dưới nước. Nước bị tụ lại tức là không ai nghĩ rằng trong nước đó có cả cuộc sống hàng triệu người, cả cơ sở vật chất và bộ mặt một đô thị hàng đầu.

Tương tự như bãi rác Đa Phước, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường ở địa phương có bãi rác này nhận định mùi hôi bốc lên là do biến đổi khí hậu! Một khẳng định trên phông nền nghe có vẻ khoa học nhưng thật ra có phải như thế?

Một lần nữa, lý do để một bãi rác chình ình giữa thành phố rất khó tìm ra. Nói ra xa một chút, biến đổi khí hậu là thực trạng cả trái đất đang hứng chịu, nguyên nhân vĩ mô nhất là do thay đổi cường độ sáng của Mặt trời, xuất hiện các điểm đen Mặt trời (Sunspots), các hoạt động núi lửa, thay đổi đại dương, thay đổi quỹ đạo quay của trái đất.

Vì vậy, nguyên nhân mùi hôi bốc lên từ bãi rác Đa Phước không thể xác định rõ ràng ở Việt Nam! Muốn hết hôi phải sang diễn đàn tận New York (Mỹ) để kêu cứu bổ sung ngay Công ước chống biến đổi khí hậu được ký từ năm 1982, rằng phải bổ sung điều khoản xử lý rác!

Điều đó xem ra không hề viễn tưởng chút nào, vì đó là kết luận từ cơ quan chức năng chứ không ai dám khẳng định bừa bãi!

Cái lý là vậy, còn cái tình thì sao? Thật ra người ta muốn “đánh bùn sang ao”, cần gì phải viện tới lý do xa xôi như thế, bãi rác không thể giải quyết là do ai? Chẳng lẽ do người dân xả rác quá nhiều, hay là do bất cập trong quy hoạch, hay do yếu kém trong bảo vệ môi trường?

Biến đổi khí hậu là một quá trình quan trắc kéo dài hàng chục năm, ví dụ báo cáo gần đây nhất của Uỷ ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) chỉ ra rằng nhiệt độ bề mặt Trái Đất sẽ có thể tăng 1,1 đến 6,4 °C trong suốt thế kỷ XXI.

Nếu nói bãi rác Đa Phước bốc mùi do biến đổi khí hậu thì phải có quan trắc hàng chục năm chứ không thể thấy một cách cảm tính là trời nắng do biến đổi khí hậu, từ đó tác động lên bãi rác.

Để thấy rằng quy kết ô nhiễm từ một bãi rác có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu chẳng khác nào chạy trốn trách nhiệm. Vì biến đổi khí hậu là thực trạng chung toàn cầu nên không thể đòi hỏi ai phải có trách nhiệm cụ thể!?

Không nghi ngờ gì nữa, khi nào còn những lý do trời ơi đất hỡi thì khi đó còn cho thấy thái độ bàng quan với thực tại, sự hiểu biết có vấn đề và cả sự bất lực với đòi hỏi chính đáng của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ô nhiễm, ngập nước: Khi khái niệm bị đánh tráo!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO