Tràn vào Việt Nam, nhiều mẫu ô tô Trung Quốc định giá bán “trên trời”, chỉ nhà giàu mới đủ tiền mua. Trong khi thương hiệu, chất lượng và dịch vụ sau bán hàng chưa tạo được niềm tin.
GAC Motor thuộc sở hữu của Tập đoàn tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC Group) thông qua nhà phân phối Tanchong Group, đã giới thiệu hai mẫu xe GS8 và M8 tại thị trường Việt Nam.
GS8 thuộc phân khúc SUV cỡ D, 7 chỗ ngồi, sử dụng động cơ xăng 2.0 lít tăng áp, công suất 248 mã lực. GAC GS8 bán ở Việt Nam có hai phiên bản dẫn động một cầu, giá 1,269 tỷ đồng và 1,369 tỷ đồng. GS8 cạnh tranh với các đối thủ như Ford Everest, Hyundai Santa Fe, Kia Sorento, Mazda CX 8...
M8 là mẫu MPV cỡ lớn, sử dụng động cơ xăng 2.0 lít tăng áp, công suất 248 mã lực, dẫn động cầu trước. Xe có ba phiên bản với giá bán lần lượt 1,699 tỷ đồng, 1,799 tỷ đồng và 2,199 tỷ đồng. M8 sẽ cạnh tranh cùng các đối thủ như Kia Carnival và Volkswagen Viloran...
Ngay sau khi công bố giá, hầu hết người tiêu dùng quan tâm đến ô tô đều thấy bất ngờ. Bởi thương hiệu mới lạ, lại là “xe Tàu” mà lại định bán giá cao hơn cả xe Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhiều người đặt câu hỏi: với giá bán này có mấy ai mua, dù xe được trang bị nhiều công nghệ hiện đại.
GAC lại đang đi theo “vết xe đổ” của một số hãng xe Trung Quốc đã vào thị trường Việt Nam trước đó. Cụ thể là Haval H6 HEV khi trình làng với mức giá đến gần 1,1 tỷ đồng; Lynk & Co có giá bán các mẫu xe từ 999 triệu đến 2,199 tỷ đồng; Haima 7X-E giá 1,111 đến 1,23 tỷ đồng… Những mẫu xe này khi vào Việt Nam được định giá “trên trời” và kết cục là đạt doanh số bán thê thảm. Sau vài tháng một số mẫu xe đã phải giảm giá như phá giá. Chẳng hạn như: Haval H6 HEV giảm giá xuống chỉ còn hơn 800 triệu đồng; Haima 7X-E giảm giá xuống còn 981 triệu và 1,1 tỉ đồng.
Nhiều dự báo cho rằng 2 mẫu xe của GAC đưa vào Việt Nam cũng chỉ để trưng bày mà thôi. Doanh số bán sẽ không vượt quá 2 con số, trong đó đa số người bán cũng chính là người mua. Hoặc là sau vài tháng lại giảm giá hàng trăm triệu đồng, tự đánh mất uy tín mà cũng chẳng khiến cho doanh số tăng lên.
Với người dân Việt Nam, đến nay ô tô vẫn là tài sản lớn. Vì vậy khi mua xe, những yếu tố luôn được quan tâm hàng đầu là thương hiệu, chất lượng, giá bán… Thương hiệu ô tô Trung Quốc (xe Tàu) còn mới lạ, chất lượng chưa được khẳng định, mà định giá bán ngang ngửa với ô tô Đức, Mỹ, Nhật, Hàn thì cầm chắc sẽ bị khách hàng “quay lưng”.
Theo dự báo, quy mô thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 triệu xe vào năm 2030 và 1,5 triệu xe vào 2035. Nhận thấy tiềm năng lớn, nhiều hãng ô tô Trung Quốc đã gia nhập “cuộc chơi”. Tính đến nay hầu hết các hãng xe lớn trong top 10 của Trung Quốc đã có mặt tại thị trường Việt Nam.
Ô tô Trung Quốc hiện nay dù đa dạng mẫu mã, giàu công nghệ tính năng… nhưng việc thuyết phục được khách hàng Việt Nam không phải là câu chuyện một sớm, một chiều. Bởi, thực tế thị trường ô tô Việt Nam khá đa dạng với các thương hiệu của Đức, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… Sản phẩm của những thương hiệu này đã tạo được chỗ đứng, niềm tin trong suy nghĩ của khách hàng Việt Nam.
Trong khi đó, ngoài thương hiệu yếu hơn, thì chất lượng nhiều sản phẩm chưa đáng tin cậy. Có mẫu xe ra đời ở Trung Quốc từ năm 2018, chất lượng kém, bán giá rẻ nhưng vẫn ế ẩm, tồn kho, đưa sang Việt Nam đổi thương hiệu bịp người tiêu dùng. Có những mẫu xe khi chạy tốc độ cao trên cao tốc, luôn cho cảm giác lái không an toàn, thiếu tin cậy.
Không những thế, khách hàng Việt Nam còn lo ngại cả về dịch vụ sau bán hàng của ô tô Trung Quốc nữa. Có khá nhiều lời phàn nàn về chất lượng dịch vụ sau bán hàng của các hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất là thiếu phụ tùng thay thế, phải chờ đợi lâu.
Việc định giá cao nhằm mục đích xóa tan định kiến về ô tô Trung Quốc “giá bèo”, “chất lượng lởm” và muốn sánh ngang hàng với các thương hiệu Đức, Mỹ, Nhật, Hàn đến nay chưa đem lại hiệu quả tại thị trường Việt Nam, ngược lại càng khiến người tiêu dùng “quay lưng”.