ODA có là quả ngọt?

Đại Dương 28/04/2018 05:03

Bộ KH&ĐT vừa đề nghị các bộ, địa phương báo cáo đánh giá các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA và vay vốn ưu đãi bao gồm các chương trình, dự án đã kết thúc và đang triển khai.

Đây là một trong những yêu cầu của UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội hồi cuối tháng 1/2018 về "Tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016-2020". Đề nghị này của Bộ KH&ĐT là cần thiết không chỉ vì yêu cầu của Quốc hội, mà quan trọng hơn, đó còn là yêu cầu từ thực tiễn, xuất phát từ lợi ích cụ thể của những địa phương, nhóm cư dân được thụ hưởng lợi ích hay chịu ảnh hưởng của các chương trình, dự án ODA.

p/Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một trong nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA tai tiếngp/Ảnh: Quỳnh Trang.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một trong nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA tai tiếng Ảnh: Quỳnh Trang.

Nở rộ các dự án ODA

Còn nhớ, tại một cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ cuối năm 2018, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện giải trình với Quốc hội về việc nợ vay ODA lên tới 600 nghìn tỷ đồng, vượt gấp đôi định mức Quốc hội cho phép (300.000 tỷ đồng).

Bởi lẽ, hàng chục tỷ USD vốn ODA đã đổ vào nền kinh tế. Ngoài những công trình làm cho người dân cảm nhận được lợi ích tích cực như Cầu Nhật Tân, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, hay xa hơn là đường vành đai 3 Hà Nội, thì đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, hay những lình xình từ công trình đại lộ Đông Tây, TP HCM gần 10 năm trước đây khiến hai quan chức của TP HCM dính vòng lao lý vẫn là điều đáng suy ngẫm.
Theo danh mục tổng hợp, từ năm 1993 đến ngày 31/12/2017, cả nước có khoảng 2.591 chương trình, dự án vay vốn ODA, vay vốn ưu đãi. Trong đó, các bộ, ngành có khoảng 1.279 dự án, chương trình; các địa phương có khoảng 1.197 dự án, còn lại là của các ngân hàng, Đài truyền hình Việt Nam…

  Từ năm 1993 đến ngày 31/12/2017, cả nước có khoảng 2.591 chương trình, dự án vay vốn ODA. Trong đó, các bộ, ngành có khoảng 1.279 dự án, các địa phương có khoảng 1.197 dự án.

Có thể bạn quan tâm

  • Cắt giảm khoản chi mua ô tô trong các dự án ODA

    12:30, 08/03/2018

  • Phân bổ vốn ODA: Đừng vì “chậm” mà "mất điểm” trong mắt nhà đầu tư

    07:10, 22/10/2017

  • Việt Nam chưa thể “tốt nghiệp ODA”

    13:00, 17/08/2017

  • Đừng để ODA trở thành “sát thủ” của nền kinh tế

    13:00, 18/08/2017

Đương nhiên, như một quy luật tất yếu, với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu vốn để phát triển hạ tầng là rất cao. ODA, như nguyên nghĩa của từ này, có tính ưu việt khá cao khi nó vừa là nguồn vốn vay ưu đãi, chính thức, vừa là gói hỗ trợ vì mục đích phát triển của các nước giàu cho các nước nghèo.

Lãi suất ODA thấp, thường dưới 3%/năm, trung bình từ 1-2%/năm, thời gian cho vay cũng như thời gian ân hạn vay dài (thường từ 25-40 năm mới phải hoàn trả và thời gian ân hạn vay 8-10 năm). Đồng thời, nguồn vốn ODA thậm chí còn có phần viện trợ không hoàn lại lên tới 25%.

Đương nhiên, “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, các nước giàu khi viện trợ ODA đều gắn với những lợi ích và chiến lược như mở rộng thị trường, mở rộng hợp tác có lợi cho họ, đảm bảo mục tiêu về an ninh quốc phòng hoặc theo đuổi mục tiêu chính trị… Vì vậy, họ đều có chính sách riêng hướng vào một số lĩnh vực mà họ quan tâm hay họ có lợi thế… ODA cũng thường gắn với việc mua trang thiết bị hoặc trả phí dịch vụ, các điều khoản mậu dịch… từ những nước cho vay.

Hệ lụy của ODA

Cũng chính vì vậy, các vay ODA tuy có toàn quyền quản lý sử dụng ODA nhưng thông thường, các danh mục dự án ODA cũng phải có sự thoả thuận, đồng ý của nước viện trợ, dù không trực tiếp điều hành dự án nhưng họ có thể tham gia gián tiếp dưới hình thức nhà thầu hoặc hỗ trợ chuyên gia.

Đương nhiên, lợi ích cho cả bên cho vay và bên vay là hiện hữu. Nhưng vấn đề là hạn chế các rủi ro từ quản lý, triển khai nguồn vốn ODA từ các nước vay ODA, hay tiếp nhận ODA mới là vấn đề. Những yếu tố nội tại ấy phải kể tới tình trạng tham nhũng, thất thoát, lãng phí; xây dựng chiến lược, quy hoạch thu hút và sử dụng vốn ODA vào các lĩnh vực chưa hợp lý; trình độ quản lý thấp, thiếu kinh nghiệm trong quá trình tiếp nhận cũng như xử lý, điều hành dự án…

Người ta hẳn không thể quên được việc Nhật Bản năm 2009 đã bắt Tổng giám đốc Công ty tư vấn Thái Bình Dương, PCI vì tội hối lộ quan chức ở nước ngoài để thắng thầu. Kéo theo đó là ông Huỳnh Ngọc Sỹ, lúc đó là Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, Trưởng ban quản lý dự án Đại lộ Đông – Tây (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) TP.HCM, và ông Lê Quả cũng bị phía Việt Nam bắt giam, khởi tố vì tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.

Những lùm xùm, chậm trễ trong dự án ODA của Trung Quốc cho dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông khiến cho những công trình “giá rẻ” thực sự rất… đắt. Bởi cái giá phải trả không chỉ là đội vốn, mà còn là thời gian kéo dài, tác động kinh tế, xã hội tiêu cực tới thủ đô nói chung và những nhóm cư dân xung quanh dự án nói riêng.

Mặt khác, những tiêu cực trong quản trị, điều hành, triển khai các dự án sử dụng vốn ODA cũng đã ảnh hưởng không tốt tới “bộ mặt” của Việt Nam trong con mắt các nhà tài trợ. Người ta hẳn không quên những ý kiến gay gắt của các quốc gia viện trợ ODA cho Việt Nam tại những cuộc đối thoại cấp Chính phủ khi đề cập tới những tiêu cực, bất minh trong sử dụng vốn ODA nhiều năm gần đây.

Bởi vậy, dù ODA được xác định là giải pháp cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhưng chỉ trong điều kiện nguồn vốn này được sử dụng hiệu quả trên nền tảng cơ chế công khai, minh bạch. Ngược lại, ODA sẽ là rất tai hại nếu tham tham nhũng, lãng phí không được loại trừ. Trách nhiệm giải trình vì vậy cũng cần đề cao đối với mọi bộ, ngành, địa phương sử dụng nguồn vốn mà con cháu đời sau phải còng lưng trả nợ.

Tổng kết này sẽ nhìn thẳng vào sự thật, vào những góc khuất của việc sử dụng vốn vay ODA ở Việt Nam. Chẳng hạn, ODA đóng góp đến đâu, thất thoát thế nào, có những dự án vừa làm xong đã lạc hậu, sản phẩm không thể cạnh tranh, vốn ưu đãi biến thành nợ xấu, có vấn đề gì ở đằng sau đó... "Đây là dịp để chúng ta chủ yếu nhìn lại mình và cần phải nhìn nhận khách quan. Chẳng hạn, trong việc đặt mua các thiết bị, máy móc, thông thường nếu là vốn ODA của các tổ chức quốc tế hoặc các nước phát triển thì họ yêu cầu đặt mua máy móc, thiết bị tương đối tốt, đồng bộ nhưng như thế thì đắt.

Quốc hội, Bộ KH&ĐT yêu cầu báo cáo đánh giá về ODA. Đây chính là cơ hội tốt để tìm cách biến ODA trở thành quả ngọt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
ODA có là quả ngọt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO