Không còn “quay cuồng” với các dự án bất động sản cao cấp, siêu sang, nhiều chủ đầu tư bất động sản lớn đang lên kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội.
>>TP.HCM “giải cứu” thành công 5 dự án bất động sản
Mới đây, Tập đoàn Nam Long đã thông tin trong quý 2/2023 sẽ chính thức triển khai dự án chung cư thuộc dòng sản phẩm nhà ở xã hội EHomeS tại Cần Thơ. Được biết, đây là dự án thành phần thuộc khu đô thị tích hợp Nam Long II Central Lake, dự kiến sẽ có giá bán khoảng từ 620 triệu đồng/căn (đã bao gồm VAT).
Bên cạnh đó, Tập đoàn Nam Long cũng triển khai dự án căn hộ vừa túi tiền là EHome Southgate tại khu đô thị Waterpoint Bến Lức (tỉnh Long An) giáp ranh TP.HCM có tầm giá bán dao động từ 1 tỉ đồng/căn.
Hay trong tài liệu đại hội cổ đông vừa công bố, Vinhomes cũng tiếp tục thông tin về thương hiệu nhà ở xã hội Happy Home, đây sẽ là "một trong những trọng tâm phát triển" vào thời gian tới.
Dù chiến lược này đã được công bố từ năm ngoái, việc mở rộng quỹ đất cho phân khúc này và triển khai sẽ được Vinhomes tiến hành trong năm nay. Công ty dự kiến bổ sung dự án tại nhiều tỉnh, thành như Hải Phòng, Hưng Yên, Khánh Hòa. Đầu tháng 4 vừa qua, Vinhomes cũng đã công bố làm dự án nhà ở xã hội Vinhomes Happy Home (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.756 tỷ đồng.
Ngoài ra, Liên doanh Công ty BIC và Him Lam vừa qua cũng thông tin đang triển khai xây dựng hạ tầng của 3 tòa cao 22 tầng với khoảng 1.900 căn hộ tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội.
Theo các chuyên gia, nhà ở xã hội dù được nhận định có nguồn cầu lớn, song vướng mắc về pháp lý và câu chuyện lợi nhuận thấp khiến các chủ đầu tư không mấy mặn mà. Các chủ đầu tư lớn trước đó vẫn đang "say sưa" với bất động sản cao cấp.
>>Tháo gỡ khó khăn từng dự án bất động sản: Cần cú hích đủ mạnh
Tuy nhiên, ở thời điểm này, khi nguồn cung vẫn tắc nghẽn, thị trường trầm lắng, tăng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ là giải pháp cứu doanh nghiệp, "rã đông" thị trường địa ốc. Khi tham gia phân khúc này, các chủ đầu tư kỳ vọng vào 2 điểm sáng, về thanh khoản và nguồn tín dụng (cho cả chủ đầu tư và người mua).
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP Invest cho rằng, nhà ở xã hội là lối thoát tối ưu, nhưng lợi nhuận nhà ở xã hội thấp hơn và cũng không ít khó khăn bởi các điều kiện với người mua, thời điểm bán, chính sách vay nhưng nếu các doanh nghiệp biết chắt chiu, đây vẫn là con đường lui có ánh sáng.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu thị trường Savills TP.HCM cũng cho rằng: Nguồn cung nhà ở tại TP.HCM hiện nay rất đa dạng. Nhiều chủ đầu tư đang hướng đến xây dựng nhà ở xã hội, nhà giá rẻ và nhà bình dân. Đây là thị trường thuận lợi cho những người mua có dòng tiền sẵn. Họ có thể mua ngay những sản phẩm chất lượng với mức giá mềm hơn tại thời điểm này cùng khả năng sinh lời cao.
Ngoài ra, đối với đối tượng người mua để ở, họ vẫn có thể sở hữu được một sản phẩm tốt. Khi người mua có đủ ngân sách, ví dụ như khoảng 70% tổng giá trị nhà ở, thì họ có thể dẫn dắt thị trường vì nhóm khách hàng này có nhiều lựa chọn phù hợp.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng việc các tập đoàn bất động sản lớn đang hướng đến xây dựng nhà ở xã hội và nhà giá bình dân là động thái tái cơ cấu lại danh mục sản phẩm. Hướng phù hợp với tài chính của đại đa số người mua ở thực, là một bước đi quan trọng giúp cân bằng và ổn định lại thị trường, mang lại tín hiệu đầy tích cực để giải "cơn khát" cho phân khúc nhà giá rẻ vốn đã "cạn" nguồn cung vài năm gần đây.
Theo ông Châu, để khuyến khích doanh nghiệp làm nhà giá rẻ, chính quyền cần có các động thái hỗ trợ thiết thực như cần nhanh chóng cởi trói về cơ chế, chính sách, nhất là chính sách về đất đai.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM “giải cứu” thành công 5 dự án bất động sản
05:00, 23/04/2023
Tháo gỡ khó khăn từng dự án bất động sản: Cần cú hích đủ mạnh
17:00, 22/04/2023
Giảm thiểu rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản
12:35, 22/04/2023
Một số khuyến nghị chính sách cấp bách gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản
15:26, 21/04/2023