Ông Nguyễn Đức Tài trở thành triệu phú đôla như thế nào?

Theo Trí Thức Trẻ 14/06/2018 06:29

Nếu như thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, ông Nguyễn Đức Tài chỉ có 30.000 USD thì hiện tại ông đã có trong tay 53 triệu USD tính riêng số cổ phiếu sở hữu ở Thế giới Di động.

Khi ông Nguyễn Đức Tài – con trai một người bán hàng rong nói rằng sẽ tạo ra cuộc cách mạng cho ngành công nghiệp điện thoại di động của Việt Nam, rất ít người bận tâm tới điều đó.

"Ai cũng cười nhạo tôi", ông Tài nhớ lại thời điểm năm 2009.

Tuy nhiên, ông ấy đã đúng. Công ty Thế giới di động (Mobile World) của ông đã trở thành đơn vị bán lẻ lớn nhất cả nước, và sau đó là một trong những cổ phiếu lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Công ty hiện đạt giá trị thị trường 1,7 tỷ USD.

Giờ đây, khi ông Tài nói rằng đang từng bước cải cách ngành công nghiệp thực phẩm của nước nhà, mọi người đã bắt đầu lắng nghe ông nói.

"Tương lai của ngành rau củ rất rõ ràng. Đó không còn là câu hỏi liệu có thành công hay không. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi", ông Tài, 49 tuổi nói trong bài phỏng vấn với tờ Bloomberg tại TP Hồ Chí Minh vừa qua.

Thành công của ông Tài trên cương vị một doanh nhân đến từ nỗ lực muốn hiện đại hóa Việt Nam. Với điện thoại di động, ông đã mở ra thứ mà ông nói là "chuỗi bán lẻ đường phố cao cấp" đầu tiên – nơi khách hàng có được cảm giác an toàn về chất lượng và nguồn gốc các thiết bị được bán. Còn trong thế giới mua sắm thực phẩm, ông đang cố gắng thay thế những khu chợ truyền thống ẩm thấp bằng hệ thống cửa hàng rau củ cao cấp.

Ông Tài đã mở cửa hàng 'Bách hóa xanh' đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2016, bán rau củ, thịt, cá với nguồn gốc nhãn mãc rõ ràng và những sản phẩm cần thiết khác như mì và đồ uống. Trên thực tế thực phẩm được bán ở chợ truyền thống không phải lúc nào cũng sạch. Người mua không cần biết nguồn gốc tới từ đâu và giá cả thì mỗi nơi mỗi khác.

376 cửa hàng

'Bách hóa xanh' hiện đã có 376 cửa hàng trong thành phố.

"Giấc mơ của tôi là chiếm 10% trong tổng thị trường rau củ trị giá 60 tỷ USD tính tới năm 2022". Điều đó sẽ giúp tăng gấp đôi mức doanh thu 3 tỷ USD của công ty vào năm ngoái.

15 năm trước, cuộc bùng nổ điện thoại thông minh toàn cầu diễn ra, ngoại trừ Việt Nam bởi các thiết bị quá đắt đỏ.

"Ở thời điểm đó, chỉ những lãnh đạo hoặc người giàu mới có thể mua điện thoại di động. Sở hữu một chiếc điện thoại dường như là việc không thể với nhiều người và tôi nghĩ mình cần làm điều gì đó thể thay đổi tình hình".

Vì vậy trong năm 2003, ông đã bỏ việc Giám đốc chiến lược tại một công ty điện thoại để mở doanh nghiệp của chính mình. Ông mở 3 cửa hàng trong một con phố nhỏ ở TP Hồ Chí Minh nhưng thất bại chỉ sau vài tháng vì địa điểm không phù hợp và chưa thể giành được niềm tin của người tiêu dùng.

Đến năm 2004, ông thử lại một lần nữa và thành lập nên Mobile World với 4 người bạn khác. Lúc này, ông đã mở các cửa hàng trên những con phố lớn và bán các thiết bị với nguồn gốc rõ ràng.

Thế giới di động đã có 1.065 cửa hàng trên khắp Việt Nam và chiếm 45% thị phần điện thoại thông minh và điện thoại di động trên cả nước tính tới cuối tháng 4. Cuối năm 2017, có khoảng 120 triệu hợp đồng di động trong cả nước, tức là hơn cả lượng dân số 94 triệu người của quốc gia này. Doanh thu điện thoại di động đã tăng mạnh nhờ kinh tế phát triển.

"Cơ hội đến chớp nhoáng và thị trường phát triển nhanh vượt xa những gì tôi có thể tưởng tượng".

Ông Tài lớn lên trong nghèo khó ở TP Hồ Chí Minh. Mẹ ông bán xôi và bánh gạo rong. Điều đó khiến ông luôn canh cánh một mục tiêu là: Làm sao để có cuộc sống tốt hơn cha mẹ mình.

"Tôi luôn muốn nghĩ lớn và làm lớn".

Cổ phiếu tăng chóng mặt

Cổ phiếu Thế giới di động đã tăng hơn 6 lần kể từ khi niêm yết trên sàn vào năm 2014. 10 chuyên gia phân tích thì có tới 9 người nhận định "mua" đối với mã này. Thế giới di động cũng là công ty Việt Nam duy nhất trong danh sách 50 công ty niêm yết lớn nhất châu Á do Forbes bình chọn vào năm ngoái. "Hiện tại giấc mơ của tôi là đạt cột mốc doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2022".

Tuy nhiên, 'Bách hóa xanh' chỉ đóng góp 3% doanh thu cho Mobile World trong 4 tháng đầu năm 2018. Với các lãnh đạo công ty, chuỗi này vẫn "đang trong quá trình thử nghiệm và sửa sai". Mảng này đã công bố lỗ Ebitda 60 tỷ VNĐ (tương đương 2,64 triệu USD) trong quý đầu tiên, khiến công ty buộc phải đóng 3 cửa hàng và nghừng mở 7 cửa hàng mới. Công ty cũng giảm kế hoạch mở cửa hàng mới trong năm nay xuống còn 500 từ 1.000.

"Bách hóa xanh vẫn trong giai đoạn không chắc chắn", theo ông Nguyễn Đức Hiếu – một chuyên gia phân tích tại Viet Dragon Securities. "Đây không phải ngành dễ ăn bởi nó cần có chuỗi cung ứng tốt – điều rất khó ở thời điểm này bởi thị trường Việt Nam chưa có đủ những đơn vị cung cấp thực phẩm như thịt, rau củ lớn và tươi. Thị trường rất lớn nhưng việc thực thi không dễ dàng".

Dẫu vậy, ông Tài không từ bỏ. Nếu như thời điểm bắt đầu khởi nghiệp chỉ có 30.000 USD thì hiện tại ông đã có trong tay 53 triệu USD tính riêng số cổ phiếu sở hữu ở Thế giới di động. Khi mà ngày một giàu hơn, ông không còn quan tâm tới tài sản của mình nữa.

Chris Freund – ông chủ Mekong Capital – một đơn vị đầu tư rất sớm vào Thế giới di động mô tả ông Tài như một doanh nhân "hết sức bình dị". Được biết trong những chuyến công tác nước ngoài, ông Tài vẫn chia sẻ phòng với 3 người khác.

Tuy nhiên, với ông Tài, chiếc áo phông màu vàng mà ông thường xuyên mặc không thể hiện ông là người keo kiệt. Đó đơn giản là vấn đề tiết kiệm thời gian để giành cho việc tìm cách xây dựng đế chế rau củ của mình.

"Tôi rất mệt mỏi khi phải nghĩ xem mặc gì. Tôi thích giành thời gian đó để nghĩ về cách phát triển công ty hơn".

Tựa bài do enternews đặt

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ông Nguyễn Đức Tài trở thành triệu phú đôla như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO