Mỹ vừa áp thuế nhập khẩu tối thiểu 10% lên tất cả các quốc gia xuất khẩu vào nước này, cùng với mức thuế cao hơn đối với khoảng 60 nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch áp dụng các mức thuế đối ứng nhắm vào tất cả các nước trên thế giới. Theo đó, Mỹ tuyên bố mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu từ mọi quốc gia, có hiệu lực từ ngày 5/4.
Nhiều quốc gia chịu mức thuế cao hơn. Cụ thể, mức thuế mới của Mỹ đối với một số quốc gia, khu vực gồm: Trung Quốc (34%), Liên minh châu Âu (20%), Nhật Bản (24%), Hàn Quốc (25%), Thụy Sĩ (31%), Anh (10%), Malaysia (24%), Ấn Độ (26%), Brazil (10%), Indonesia (32%), Việt Nam (46%), Singapore (10%), Ukraine (10%), Venezuela (15%)…
Trước đó, ông Trump đã áp thuế 25% lên ô tô nhập khẩu (có hiệu lực từ 3/4) và các mức thuế riêng biệt nhắm vào Trung Quốc, Canada, và Mexico.
Theo một số chuyên gia, các chính sách thuế sắp tới của ông Trump có thể tác động tới hơn 3.000 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, một con số lớn hơn nhiều so với những gì ông Trump thực hiện trong nhiệm kỳ đầu. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump áp thuế với khoảng 380 tỷ USD hàng nhập khẩu.
Như vậy, chiến lược thương mại của ông theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thay vì chủ nghĩa toàn cầu hóa, với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết” nhằm tái định hình nền kinh tế theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.
Chính sách thuế quan đối ứng của ông Trump được đánh giá có thể đẩy thế giới vào một giai đoạn bất ổn kinh tế mới.
Các quốc gia bị ảnh hưởng có thể sẽ đáp trả bằng thuế quan tương ứng, dẫn đến một cuộc chiến thương mại leo thang. Canada và EU đã phát tín hiệu về các biện pháp trả đũa, trong khi Trung Quốc có thể tiếp tục giảm giá đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu, làm gia tăng căng thẳng tiền tệ.
Với các mức thuế vừa công bố, trong trung hạn, giá hàng hóa tiêu dùng toàn cầu có thể sẽ tăng mạnh do chi phí nhập khẩu tăng. Các nước phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ có thể chứng kiến tăng trưởng kinh tế chậm lại nếu không tìm được thị trường thay thế. Ngược lại, các quốc gia ít bị ảnh hưởng, như Nga hay một số nước Nam Mỹ, có thể hưởng lợi tạm thời.
Về dài hạn, nếu các quốc gia không đàm phán được với chính quyền Trump, thuế quan được duy trì, cấu trúc thương mại toàn cầu có thể thay đổi vĩnh viễn. Theo đó, các tập đoàn đa quốc gia sẽ buộc phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, quá trình này tốn kém và mất thời gian, có thể làm giảm hiệu quả kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể khiến GDP toàn cầu giảm 0,5-1%/năm trong thập kỷ tới.
Dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho thấy nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đã đạt 136,6 tỷ USD vào năm 2024, tăng khoảng 19% so với năm 2023.
Với mức thuế 46% đối với Việt Nam, 5 lĩnh vực chủ chốt của Việt Nam có thể chịu tác động mạnh. Cụ thể, 5 nhóm ngành chính (chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ năm 2024), là điện tử (các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện) chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của sang Mỹ; Dệt may, da giầy chiếm 21,9%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm 7,6%; Nông-thủy-hải sản chiếm 3,5%; Thép và nhôm chiếm 2,7%.
Các doanh nghiệp sẽ không thể né tránh được các tác động của chính sách thuế quan của chính quyền Trump. Động thái này khiến các công ty phải xem xét lại, đa dạng chuỗi cung ứng của mình; tận dụng cơ hội từ các FTAs mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, Việt Nam sẽ phải tăng cường đàm phán, giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam; nhập khẩu thêm hàng hóa từ Mỹ để cân bằng cán cân thương mại. Đặc biệt, Việt Nam cần xem xét tiến tới ký kết FTA với Mỹ.