Còn cách điểm tuyệt đối 100 khá xa, Quảng Ninh vẫn còn nhiều dư địa để cải cách, tiếp tục tiến xa trên các chỉ số đã đạt mục tiêu và nâng hạng ở các chỉ số chưa đạt mục tiêu.
Đó là nhận định của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI tại hội nghị trực tuyến phân tích chuyên sâu các chỉ số PCI Quảng Ninh.
Không ngủ quên trong chiến thắng
Chỉ sau 20 ngày đón nhận cup quán quân PCI năm 2019, Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh để phân tích chuyên sâu các chỉ số tăng điểm, thăng hạng, chỉ số giảm điểm, giảm hạng để tiếp tục bàn các giải pháp nâng cao chất lượng PCI bền vững.
Mục tiêu đề ra trong năm 2020 của Quảng Ninh là tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu. Đồng thời, cải thiện hơn nữa tổng điểm PCI, tập trung chính vào cải thiện điểm số và nâng hạng của 03 chỉ số chính: Chi phí Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Việc cải thiện điểm số không chỉ so với chính mình so với cùng kỳ mà quan trọng phải so với các tỉnh/thành phố trong nhóm dẫn đầu các chỉ số thành phần.
Phấn đấu cải thiện tổng điểm từ 73.40 lên 75.30 điểm, tăng 1.90 điểm so với năm 2019. Đối với 10 chỉ số thành phần, phấn đấu có 08 chỉ số trong top 05/63 (Chi phí Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự), 02 chỉ số trong top 10/63 (Tiếp cận đất đai, Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp). Ưu tiên tập trung và cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của 03 chỉ số: Chi phí Gia nhập nhập thị trường, Tiếp cận đất đai và Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù năm 2019, PCI Quảng Ninh giữ vững ở vị trí số 01/63 tỉnh, thành phố nhưng vẫn có 04 chỉ số giảm hạng và tổng điểm còn cách rất xa đến thang điểm tuyệt đối 100. Điều đó cho thấy Quảng Ninh vẫn còn rất nhiều dư địa để cải cách, tiếp tục tiến xa trên các chỉ số đã đạt mục tiêu và nâng hạng ở các chỉ số chưa đạt mục tiêu.
Trên cơ sở phân tích kết quả năm 2019, so sánh với năm 2018, điểm số và thứ hạng của một số chỉ số thành phần trong bảng tổng sắp có sự khác biệt rõ rệt: Có 06 chỉ số tăng điểm và tăng hạng (Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự); trong đó có 03 chỉ số trong top 5 (Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động và Đào tạo lao động). Đặc biệt, chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự, trong nhiều năm liền, tỉnh Quảng Ninh chỉ nằm ở nhóm dưới thì năm nay đã vươn lên vị trí thứ 06/63, tăng 37 bậc. Bên cạnh đó, năm 2019, tỉnh Quảng Ninh có 02 chỉ số tăng điểm nhưng giảm hạng (Tính minh bạch và Chi phí thời gian) và 02 chỉ số giảm điểm và giảm hạng (Chi phí Gia nhập thị trường và Tiếp cận đất đai). Đáng lưu ý, năm nay chỉ số Chi phí Gia nhập thị trường tiếp tục giảm điểm và giảm 24 bậc, từ vị trí thứ 01 (trong 02 năm liên tiếp 2016 và 2017), rơi xuống vị trí thứ 12/63 năm 2018 và vị trí thứ 36/63 năm 2019.
Ngoài ra, chỉ số cơ sở hạ tầng của Quảng Ninh năm 2019 tăng 14 bậc, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố.
Phát huy “kho tàng” ý tưởng
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, nhìn vào các chỉ số thành phần PCI năm 2019, tỉnh Quảng Ninh mặc dù không đứng số 1 ở tất cả các chỉ số nhưng lại là địa phương có số lượng các chỉ số đứng trong tốp 5 nhiều nhất cả nước. Kết quả đó cho thấy sự quan tâm, thực thi, nỗ lực cải thiện tất cả các lĩnh vực của tỉnh...
Đặc biệt, nhìn vào chỉ số chính và các chỉ số thành phần năm 2019 cho thấy Quảng Ninh có rất nhiều điểm sáng. Cụ thể, đã tạo được thương hiệu chính quyền năng động sáng tạo thể hiện chỉ số tính năng động, tiên phong của chính quyền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Năng lực thực thi ở cấp sở, ngành và địa phương được ghi nhận tốt nhất. Môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng hơn. Chất lượng đào tạo lao động cải thiện rõ cho thấy chính sách giáo dục của tỉnh đang đi đúng hướng cũng như sự quan tâm cho tỉnh trong phát triển nguồn nhân lực.
Niềm tin của doanh nghiệp vào thiết chế pháp lý của tỉnh ngày càng được củng cố. Gánh nặng chi phí không chính thức được giảm bớt khi tình trạng nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp giảm rõ rệt. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đang cải thiện từ tìm kiếm thông tin thị trường, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, dịch vụ công nghệ, đào tạo...
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Quảng Ninh có một “kho tàng” của những ý tưởng đổi mới, sáng tạo và cải cách, vì vậy trước những xu hướng chuyển dịch các chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay đang diễn ra nhanh chóng, tỉnh Quảng Ninh sẽ có nhiều lợi thế, cơ hội để đón "làn sóng" đầu tư mới, tạo nên những cải cách mới, lấp đầy dư địa còn lớn hiện nay...
Ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, PCI đã làm nên thương hiệu, sự khác biệt của Quảng Ninh trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong việc thúc đẩy các thành phần kinh tế, đón bắt các cơ hội đầu tư với công nghệ thông minh hơn, “sạch” hơn. Với mục tiêu giữ vững thương hiệu, vị thế của mình, Quảng Ninh sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan nhà nước ở từng cấp, lấy mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia, dân tộc là ưu tiên hàng đầu; xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước các cấp của tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động công khai, minh bạch, rõ ràng. Đồng thời, xây dựng tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, hoạt động trên nền tảng công nghệ cao; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu tiêu cực; bố trí cán bộ có trình độ, năng lực làm việc trong môi trường công khai, minh bạch, nhanh - sạch - chuyên nghiệp - chính xác tại các Trung tâm Hành chính công; khi bổ nhiệm cán bộ, bắt buộc phải có tiêu chí đã làm việc tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện, cấp tỉnh và phải có thành tích công tác…
Có thể bạn quan tâm