Góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về phân loại khoáng sản còn bất cập, cần đánh giá tổng thể, khách quan, toàn diện theo nhu cầu và tiến bộ khoa học, công nghệ phát triển và dự lường trong tương lai để phân nhóm khoáng sản.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (Dự thảo) được đưa ra lấy ý kiến gồm 12 Chương với 117 Điều, tăng 1 Chương và 31 Điều so với Luật khoáng sản năm 2010.
Quy định còn bất cập
Dự thảo đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7. Trong đó, đa số ý kiến đồng tình với mục đích xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về phân nhóm khoáng sản. Theo đó, tại khoản 1 Điều 7 Dự thảo, căn cứ công dụng và mục đích quản lý, khoáng sản được phân thành 4 nhóm.
Cụ thể, khoáng sản nhóm I bao gồm khoáng sản kim loại; khoáng sản năng lượng; đá quý, đá bán quý; khoáng chất công nghiệp; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên. Khoáng sản nhóm II bao gồm các loại khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng có giá trị cao. Khoáng sản nhóm III bao gồm các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn. Khoáng sản nhóm IV bao gồm các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét có tên gọi khác chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải của mỏ, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
Trước nội dung quy định trên, nhiều ý kiến cho rằng, một số loại khoáng sản có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau và phụ thuộc vào trình độ công nghệ ở thời điểm điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng nên khó xác định thuộc nhóm khoáng sản nào, gây chồng chéo thẩm quyền quy hoạch khoáng sản, có thể dẫn đến lãng phí tài nguyên hoặc ảnh hưởng đến vấn đề dự trữ tài nguyên quốc gia.
Do đó, cần phân định rõ các loại khoáng sản cụ thể theo công dụng để bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong quản lý và tránh tạo kẽ hở pháp luật có thể dẫn đến những sai phạm, thất thoát và lãng phí.
Cân nhắc quy định về phân nhóm khoáng sản
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS TS Lương Quang Khang, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, phân nhóm khoáng sản là một trong những điểm mới và là cơ sở khoa học xuyên suốt cho việc xây dựng nội dung các chương, điều, khoản của Dự thảo.
Tuy nhiên, đối với khoáng sản nhóm II (điểm b, khoản 1) bao gồm các loại khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng, cần chính xác để phù hợp với Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
“Về quy định phân nhóm khoáng sản cần lưu ý các vấn đề liên quan đến một số khoáng sản như than, quặng phóng xạ, titan, bauxit và mối quan hệ giữa than, dầu và khí, đá phiến”, PGS TS Lương Quang Khang đề xuất.
Đồng ý rằng còn bất cập, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy định và việc phân nhóm khoáng sản.
Dự thảo phân loại dựa theo công dụng và mục đích quản lý đối với 4 nhóm khoáng sản. Tuy nhiên, sự phân định rành mạch của 4 nhóm có liên quan đến quy hoạch khoáng sản và đặt ra một số vấn đề, vì vậy, cần đánh giá một cách tổng thể, khách quan, toàn diện theo nhu cầu và tiến bộ khoa học, công nghệ phát triển và dự lường trong tương lai để phân nhóm khoáng sản thành 4 nhóm. Bởi trong 4 nhóm khoáng sản có cơ chế quản lý khác nhau; khoáng sản nhóm II, nhóm III, nhóm IV đều có thể làm vật liệu xây dựng.
“Trong trường hợp khoáng sản nhóm III, nhóm IV muốn được sử dụng như nhóm II, việc quản lý sẽ như thế nào? Vì vậy, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu việc phân loại như Dự thảo có tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, liên quan đến vấn đề khoáng sản nhóm 4 để phục vụ cho việc khai thác vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình xây lắp, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính và khắc phục được việc khan hiếm vật liệu để phục vụ cho các công trình cao tốc, công trình trọng điểm quốc gia. Nếu quy định quá thông thoáng, dễ dẫn tới lạm dụng, do vậy cần có biện pháp để quản lý.
“Cần cân nhắc nếu đưa các loại đất sét vào khoáng sản nhóm IV, thì cần phải phân loại, bởi có loại đất sét có giá trị kinh tế rất cao (đất sét để làm gốm sứ giá trị còn cao hơn cả than), nếu không quản lý đất sét dễ bị trà trộn, dễ bị lợi dụng. Do vậy, trong các loại sét, cần phân loại đất sét có giá trị kinh tế cao cần được xếp vào loại khác, còn những loại sét thông thường có thể xếp vào nhóm IV”, ông Thanh đề nghị.