Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phát đi tín hiệu rằng, biến động ngoại hối mạnh mẽ sẽ bị cản trở và thị trường cần chuẩn bị cho sự can thiệp đột ngột nếu dòng vốn tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá.
>>Nhân dân tệ có thể tiếp tục suy yếu, dòng tiền tháo chạy
Theo SCMP, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm so với đồng đô la Mỹ trong bối cảnh xuất khẩu giảm trong tháng 8. Sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chậm lại do lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn.
Trong năm nay, Nhân dân tệ đã mất giá 6,3% so với đồng USD và Bắc Kinh cũng phát tín hiệu sẽ hỗ trợ đồng tiền của nước mình. Các nhà phân tích nhận thấy, nước này vẫn có các công cụ, bao gồm cả việc sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ để hỗ trợ đồng tiền.
Có một số nguyên nhân chính khiến đồng Nhân dân tệ suy yếu như: Thứ nhất, triển vọng kinh doanh kém và khoảng cách lợi suất ngày càng lớn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Thị trường chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc cũng phải hứng chịu dòng vốn ròng tháo chạy từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, do tâm lý tiêu cực đối với tài sản bằng đồng Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, đồng tiền yếu đi đã hỗ trợ các hoạt động thương mại của Trung Quốc trong bối cảnh nước này phục hồi chậm hơn dự kiến, khiến hàng xuất khẩu rẻ hơn. Vào năm 2022, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại hàng hóa cao kỷ lục, là nguồn thu ngoại hối quan trọng của đất nước do xuất khẩu liên tục vượt xa nhập khẩu trong những năm gần đây.
Thứ hai, việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), nhằm hỗ trợ nền kinh tế cũng có thể gây thêm áp lực lên đồng Nhân dân tệ. Đồng Nhân dân tệ giao dịch bên ngoài Trung Quốc đại lục cũng suy yếu xuống khoảng 7,36 CNY/USD vào sáng ngày 8/9, tiến gần đến mức thấp nhất trong lịch sử.
Dự báo của Bank of America cho hay, đồng tiền Trung Quốc có thể suy yếu hơn nữa xuống mức 7,4 CNY/USD, nhưng có thể tăng trở lại mức 7,2 CNY vào cuối năm nay.
Adarsh Sinha, đồng Giám đốc khu vực châu Á tại BoA cho biết: “Nếu các con số không đạt như dự báo, đặc biệt trong vài tuần tới, tôi cho rằng rủi ro đối với dự báo sẽ tăng lên, nó có thể là 7,4 CNY/USD, hoặc thậm chí là 7,5 - 7,6 CNY”.
Vị chuyên gia nói thêm rằng, các quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) trong thời gian còn lại của năm cũng rất quan trọng.
>>Đồng Nhân dân tệ giảm - Lưu ý khi "mía không ngọt cả 2 đầu"
Vào đầu tháng 9, PBoC cho biết họ sẽ cắt giảm lượng tiền gửi ngoại hối mà các tổ chức tài chính phải nắm giữ làm dự trữ - một động thái được cho là nhằm hạn chế tốc độ giảm giá đồng Nhân dân tệ gần đây.
Cũng có những thông tin khác trên các phương tiện truyền thông rằng, PBoC đã yêu cầu các ngân hàng thương mại bán USD và mua vào Nhân dân tệ.
Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương đã tiếp tục ấn định điểm trung bình của đồng Nhân dân tệ vững hơn so với dự đoán của thị trường, điều mà các nhà giao dịch hiểu là dấu hiệu cho thấy PBoC không đồng tình với sự yếu kém của đồng tiền. Theo đó, điểm trung bình của đồng Nhân dân tệ là điểm tham chiếu cho giao dịch và đồng tiền được phép giao dịch trên hoặc dưới 2% so với điểm mức do PBoC ấn định mỗi ngày.
Ngân hàng Trung ương cũng đã tăng tỷ lệ điều chỉnh an toàn vĩ mô xuyên biên giới cho các doanh nghiệp và tổ chức tài chính, giúp các doanh nghiệp trong nước dễ dàng huy động vốn từ thị trường nước ngoài hơn.
Chuyên gia tại Bank of America lưu ý, trong vài tuần qua, chi phí tài trợ của đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài đã tăng lên, khiến các nhà đầu tư phải vay và bán khống (đầu cơ vào tài sản được dự đoán sẽ giảm giá trị) đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài để mua USD trở nên đắt đỏ hơn. “Đây là lần đầu tiên họ thực hiện hoạt động này kể từ năm 2017- 2018. Tất cả các biện pháp cùng nhau đã có hiệu quả hợp lý trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá”.
Hiện, các nhà phân tích tin tưởng Bắc Kinh sẽ cân nhắc chi phí và lợi ích trong việc quản lý tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ trong những tháng tới.
Trong báo cáo chính sách tiền tệ hàng quý vào tháng 8, PBoC cam kết sẽ phản ứng tích cực và giữ ổn định trước áp lực giảm giá đối với đồng nội tệ.
Theo ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, Trung Quốc có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới và trước đây, nước này từng được sử dụng để ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài cũng như biến động ngoại hối.
“Từ việc can thiệp ngoại hối rõ ràng hơn bằng cách sử dụng dự trữ ngoại hối trong quá khứ, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có vẻ ưa thích các biện pháp nghịch chu kỳ, cũng như can thiệp bằng lời nói để định hướng kỳ vọng.
Đã có những tín hiệu được PBoC đưa ra rằng, biến động ngoại hối mạnh mẽ sẽ bị cản trở và thị trường cần chuẩn bị cho sự can thiệp đột ngột nếu dòng vốn tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá. Trừ khi có sự thay đổi lớn về chênh lệch lợi suất với Mỹ hoặc tâm lý về tài sản của Trung Quốc được cải thiện; Nhưng thật khó để biết đồng Nhân dân tệ sẽ xoay sở như thế nào nhằm tránh các áp lực xuất phát từ thị trường và dòng vốn”, Natixis cho biết.
Về tác động với Việt Nam, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, sự tương quan giữa VND với CNY ngày càng giảm mạnh. Khi Nhân dân tệ suy yếu trầm trọng sẽ làm hàng hoá nước này rẻ đi và trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu trọng yếu. Đây là điều mà các doanh nghiệp sản xuất phải thận trọng và có chiến lược phù hợp.
Ngược lại, cũng có ý kiến lạc quan rằng, khi Nhân dân tệ suy yếu so với VND sẽ giúp các doanh nghiệp nhập khẩu được hưởng lợi nhờ nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ đi, điển hình là với ngành dệt may. Đồng thời, tỷ giá VND/USD tăng giúp mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khi tình hình xuất khẩu của Việt Nam đã có những tín hiệu khởi sắc trở lại từ tháng 8.
Có thể bạn quan tâm
05:15, 21/08/2023
05:01, 16/07/2023
16:00, 11/07/2023
05:00, 22/06/2023