Đến nay, các sản phẩm du lịch biển tại Quảng Nam vẫn còn đơn sơ, thiếu tính hấp dẫn để khách du lịch trải nghiệm và lưu trú lâu hơn.
>>Kỳ vọng mùa hè sôi động cho du lịch Quảng Nam
Với hơn 125 km chiều dài bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như: Cửa Đại, An Bàng, Hà My, Tam Thanh, Bãi Rạng, Tam Tiến, cùng với một số các hòn đảo lớn nhỏ gần bờ... Quảng Nam đang sở hữu nhiều lợi thế để xây dựng sản phẩm du lịch biển quy mô.
Thống kê từ Sở VH-TT&DL Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt hơn 4,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt gần 2,1 triệu lượt khách, khách nội địa đạt 2.475.000 lượt khách. Theo thống kê, doanh thu ngành du lịch đạt 4.600 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 10.810 tỷ đồng.
Về du lịch, tỉnh Quảng Nam nằm ở trung tâm của tuyến du lịch của miền Trung với nhiều loại hình du lịch mang đặc trưng về di sản văn hóa, sự đa dạng của các thắng cảnh thiên nhiên, ẩm thực, các làng nghề truyền thống và đặc biệt là đường bờ biển dài và một số các hòn đảo lớn nhỏ gần bờ để phát triển du lịch biển, đảo. Tuy nhiên việc quy hoạch phát triển du lịch biển tại đây vẫn chưa được triển khai đúng với tiềm năng.
Có thể thấy, tại khu vực Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình,... đang tập trung để xây dựng các dự án bất động sản du lịch nhưng đến nay đa phần các án đều trong giai đoạn đang triển khai. Tại vùng lõi Hội An vẫn thiếu các sản phẩm du lịch trọng tâm về biển để khách du lịch trải nghiệm, ngoài ra địa phương này cũng đang thiếu công viên biển, lối đi xuống biển để phục vụ du khách.
Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho hay thời gian quan địa phương đã có những chính sách thu hút được nhiều nhà đầu tư đến Quảng Nam, phát triển nhiều dự án du lịch biển lớn như Hoiana, Tui Blue Nam Hội An, Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An đã mang lại sự tiện nghi đẳng cấp quốc tế phục vụ khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết hạ tầng giao thông kết nối các khu nghĩ dưỡng ven biển với sân bay Chu Lai, sân bay quốc tế Đà Nẵng, với cảng Kỳ Hà và cảng biển du lịch Cửa Đại, các khu điểm du lịch biển như An Bàng (Hội An), Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Hải (Núi Thành),... đã được xây dựng và khai thác thông qua tuyến đường ven biển Võ Chí Công và hệ thống đường thanh niên ven biển.
“Tuy nhiên, việc khai thác du lịch biển của Quảng Nam thời gian qua được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Hoạt động du lịch biển chủ yếu tập trung tại thành phố Hội An, việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở khai thác ven bờ, các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan chưa nhiều, thể thao biển chưa được phát triển,... Hoạt động phát triển du lịch biển của cộng đồng còn mang tính tự phát, thiếu tính liên kết, thiếu đầu tư. Những bất cập về quy hoạch, hạ tầng du lịch biển chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ,... đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh du lịch biển”, ông Văn Bá Sơn cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An có 2 vấn đề là quy hoạch không gian, các loại hình du lịch biển cần được phát triển và tháo gỡ các cơ chế để phát triển du lịch biển, vì hiện nay đang vướng mắc rất nhiều. Do đó, cần có chỉ đạo chung của UBND tỉnh Quảng Nam về vấn đề này để cơ hội, tầm nhìn về biển tiếp tục phát triển.
“Biển và đảo phải đi đôi với nhau và Quảng Nam có thế mạnh về đường thủy, đặc biệt, phát triển du lịch biển cần phải gắn biển đảo vào bờ, gắn biển với 3 dòng sông lớn Cổ Cò, Trường Giang và Thu Bồn để bổ trợ liên hoàn chuỗi dịch vụ. Ngoài ra, đến bây giờ Quảng Nam cũng chưa có tàu biển du lịch, chưa có người đầu tư lĩnh vực này. Cùng với đó là cần liên kết giữa Quảng Nam và Đà Nẵng để phát triển du lịch biển, đưa khách giữa 2 địa phương tại đây”, ông Lanh nói.
Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ du lịch thể thao Cầu Vồng Biển cho biết đang có một số vướng mắc trong công tác quy hoạch, cấp phép hoạt động đối với một số môn như Ca nô kéo dù bay, phao kéo, đi bộ dưới đáy biển, thuyền buồm,... nên đơn vị đang giảm quy mô hoạt động, chỉ khai thác hợp đồng với các công ty lữ hành nhỏ, thời gian tổ chức khoảng vài giờ đồng hồ trong ngày.
“Vì vậy, Quảng Nam cần ban hành các văn bản có liên quan để tạo điều kiện khai thác phát triển dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước một các hiệu quả hơn. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch biển nhìn chung còn đang được khai thác ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết nên còn chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa cạnh tranh được với các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Khánh Hoà,... cần sớm có giải pháp nhằm thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư lớn để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển trên địa bàn”, vị đại diện doanh nghiệp đề xuất.
Có thể bạn quan tâm