Phát triển bền vững - Chìa khóa thành công của PAN

Lê Sáng thực hiện 07/07/2018 06:21

Thông qua chiến lược M&A để xây dựng thành công chuỗi giá trị từ nông trại đến bàn ăn (Farm-Food-Family), PAN còn chủ động lập Báo cáo phát triển bền vững hàng năm.

Xung quanh câu chuyện phát triển bền vững khá đặc biệt này, DĐDN đã có nội dung trao đổi với ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn PAN.

Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc The PAN Group

Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc The PAN Group

Xu thế tất yếu

- Tại sao PAN xác định theo đuổi chiến lược phát triển bền vững (PTBV) trong khi đối với phần lớn doanh nghiệp tại Việt Nam đây vẫn là một khái niệm còn khá xa lạ thưa ông?

Chúng tôi nhận thức một Công ty Nông nghiệp và Thực phẩm không chỉ có vai trò lớn trong đảm bảo an ninh lương thực mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn xã hội. PAN mong muốn đóng góp cho sự phát triển của ngành nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam, đem lại những giá trị nhiều hơn cả những giá trị kinh tế tạo ra. Mục tiêu của PAN là đưa thương hiệu Việt vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội là một trong những mối quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Mặc dù còn là khái niệm mới mẻ tại Việt Nam nhưng chúng tôi đánh giá được tầm quan trọng và xu hướng tất yếu trong tương lai để đưa ra những định hướng nhất quán trong chiến lược phát triển. Thực tế thì các nước trên thế giới hiện nay đã dành sự quan tâm đặc biệt tới những vấn đề như biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước, đóng góp cho cộng đồng, an toàn sức khỏe hay đối xử công bằng với người lao động. Đó cũng là vấn đề trách nhiệm với môi trường và xã hội của cộng đồng doanh nghiệp.

Phát triển bền vững là bài toán hài hòa lợi ích. Ảnh: Báo cáo PTBV của PAN

Phát triển bền vững là bài toán hài hòa lợi ích. Ảnh: Báo cáo PTBV của PAN

 - Xin ông cho biết chiến lược PTBV đã đem lại những kết quả ra sao cho PAN?

Từ ngày đầu thành lập, PAN chưa có khái niệm rõ ràng cho vấn đề này. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu và tham khảo các chiến lược và mô hình phát triển của những tổ chức trên thế giới, cũng như xuất phát từ chính yêu cầu của các nhà đầu tư, chúng tôi đã dần hình thành nên những định hướng và kế hoạch hành động rõ ràng cho chiến lược PTBV. Một điều dễ nhận thấy là hình ảnh của Tập đoàn PAN đối với các nhà đầu tư thực sự trở nên uy tín, thân thiện hơn khi có được một chiến lược PTBV rõ ràng và những hành động cụ thể. Khách hàng, đối tác đều đánh giá rất cao khi nhận thấy nỗ lực của PAN cho một chiến lược phát triển dài hạn và chúng tôi đã vinh dự được trở thành đối tác của các nhà đầu tư uy tín trong nước và quốc tế. Với chiến lược đó, Tập đoàn PAN đã thu hút được nhiều nhà đầu tư uy tín trong nước và quốc tế như SSI, NDH, CSC (Việt Nam), IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới), ADB, Quỹ TAEL (Singapore), Tập đoàn Daiwa, Sojizt (Nhật Bản).

Tại Việt Nam, PAN được hưởng lợi nhờ sự tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt cao hơn cả quy định của luật pháp trong nước, được cơ quan nhà nước, cộng đồng xã hội và doanh nghiệp ghi nhận, ủng hộ trong hoạt động sản xuất kinh doanh có trách nhiệm. Có thể nói, chúng tôi đang đứng trước cơ hội lớn mở rộng về quy mô, nâng cao về hiệu quả hoạt động nhờ thực hiện các chuẩn mực quốc tế  về PTBV với sự quyết tâm và trách nhiệm cao nhất.

Bài học thực tiễn

- Thách thức trong việc áp dụng chiến lược PTBV trong lĩnh vực nông nghiệp của PAN tại Việt Nam ra sao thưa ông?

Là đơn vị tiên phong, chúng tôi đương nhiên gặp nhiều khó khăn khi theo đuổi chiến lược PTBV. Từ nội tại doanh nghiệp, ngoài việc tăng chi phí đầu tư tài chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuẩn bị nhân lực để tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, chúng tôi còn phải thay đổi cách thức hoạt động, thuyết phục hệ thống nhà cung cấp, khách hàng… chấp nhận những thay đổi đó. Chúng tôi thuyết phục các đối tác bên ngoài, đồng thời đào tạo, nâng cao nhận thức của từng nhân viên, từng người lao động trong công ty để thấu hiểu ý nghĩa và cùng công ty triển khai những bước đi phù hợp.

Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp có thành tích bảo vệ môi trường, an toàn lao động, thực hiện trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên trên thực tế triển khai còn nhiều hạn chế và chưa tạo được sự khác biệt đáng kể giữa các doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững và các doanh nghiệp khác.

Do đó những cố gắng của PAN cũng chưa được ghi nhận và đánh giá đầy đủ. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có những chính sách cũng như chương trình truyền thông mạnh mẽ từ chính phủ nhằm tạo sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ trong một tương lai gần khi sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Tổng Giám đốc Coca - Cola Việt Nam: Phát triển bền vững -

    Tổng Giám đốc Coca - Cola Việt Nam: Phát triển bền vững - "Phím enter” của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong CMCN 4.0

    09:51, 05/07/2018

  • Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững là thách thức lớn với Việt Nam

    Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững là thách thức lớn với Việt Nam

    14:10, 05/07/2018

  • Thủ tướng chỉ ra 3 trụ cột cho Việt Nam phát triển bền vững

    Thủ tướng chỉ ra 3 trụ cột cho Việt Nam phát triển bền vững

    18:20, 05/07/2018

  • Nâng cao ý thức và thực hành phát triển bền vững

    Nâng cao ý thức và thực hành phát triển bền vững

    08:56, 05/07/2018

- Kinh nghiệm thànhcông trong việc thực hiện chiến lược PTBV của PAN là gì?

Thực sự là nói PTBV thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm thì mới gặp rất nhiều trở ngại khiến chúng ta phải lưỡng lự có tiếp tục không. Mỗi doanh nghiệp đều có vấn đề riêng của mình, nằm trong bối cảnh khác nhau nên không thể có chung một cách làm hoặc một đích tới, và thành công phụ thuộc lớn vào người đứng đầu doanh nghiệp.

Một trang trong báo cáo bền vững 2017 của PAN

Một trang trong Báo cáo Phát triển bền vững năm 2017 của PAN

 Khi quyết tâm từ người đứng đầu đủ lớn, đủ nhiệt huyết để chuyển tới toàn bộ nhân viên cấp dưới thì cả hệ thống mới nhìn chung một hướng và cùng góp sức để đi đến thành công cuối cùng.

Sức ép từ nhà đầu tư, khách hàng tuy lớn nhưng đâu đó doanh nghiệp thực hiện vẫn mang tính khiên cưỡng nhằm đạt được những mục tiêu về doanh thu, lợi nhuận. Chỉ khi nào doanh nghiệp tự nhận thức được tầm quan trọng và xu hướng tất yếu, cũng như các cấp lãnh đạo đủ tâm và sự kiên định thì mới có thể tự tin vào những hành động của mình, triển khai hiệu quả những chiến lược phát triển dài hạn. Hy vọng sẽ ngày càng có nhiều hơn doanh nghiệp tham gia và các hoạt động phát triển bền vững, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Báo cáo bền vững của PAN được xây dựng theo 4 nguyên tắc trong tiêu chuẩn GRI

Báo cáo PTBV của PAN được xây dựng theo 4 nguyên tắc trong tiêu chuẩn GRI

Lan tỏa

- Ông đánh giá ra sao về Bộ chỉ số chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do VBCSD -VCCI xây dựng và đánh giá?

Như đã nói ở trên, Việt Nam cần ghi nhận, khuyến khích thiết thực và rõ ràng hơn với những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI là một trong những công cụ hữu hiệu nhằm đánh giá chính xác và toàn diện doanh nghiệp. Càng nhiều doanh nghiệp được đánh giá càng tốt, đặc biệt là các công ty niêm yết.

Trước hết cần tạo một sân chơi minh bạch và uy tín nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Thêm nữa bộ chỉ số cần được truyền thông mạnh mẽ hơn trong cộng đồng xã hội để tất cả có thể hiểu và ủng hộ thiết thực cho những doanh nghiệp làm tốt. Ngoài ra bộ chỉ số CSI cũng nên điều chỉnh cho phù hợp và gắn liền với những chỉ số tương ứng của quốc tế để các nhà đầu tư, khách hàng có thể tin tưởng tham gia vào thị trường Việt Nam.

Khi đó, đương nhiên các doanh nghiệp sẽ có ý thức làm tốt hơn và quan tâm tới việc tham gia chấm điểm theo bộ chỉ số này. Việc đó sẽ giúp nâng cao sự minh bạch của doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển bền vững ở thị trường Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Doanh nghiệp quan tâm có thể tham khảo Báo cáo Bền vững năm 2017 của PAN tại đây: PAN-SR-2017_VN_Review

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển bền vững - Chìa khóa thành công của PAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO