Ngoài các chính sách khuyến khích, Việt Nam cần kiên trì, nhất quán trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc tế cho phát triển điện gió ngoài khơi.
Lộ trình thực hiện
Điện gió ngoài khơi là mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn của Việt Nam, do đó những khó khăn để khai thác nguồn điện này đang được Chính phủ chỉ đạo xuống các Bộ, ngành có báo cáo trình Thủ tướng xem xét kế hoạch phát triển để xây dựng lộ trình và cơ chế khuyến khích phù hợp nhằm thu hút đầu tư ở lĩnh vực này ngoài biển đông.
Cụ thể mới đây Chính phủ có công văn số 6337/VPCP -CN gửi xuống Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên & Môi trường, Tập đoàn PVN, EVN yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo về nhiệm vụ nghiên cứu đề án thí điểm điện gió ngoài khơi để báo cáo lại Thủ tướng, trong đó có dự thảo bảng giá cho điện gió với các dự án như thế nào. Kế hoạch này Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan phải hoàn thành báo cáo về mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi trình Thủ tướng trước tháng 6/2025.
Ngoài ra Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý ngành năng lượng phụ trách xây dựng kế hoạch giảm phát thải trong ngành năng lượng, đặc biệt là lĩnh vực điện lực sẽ triển khai lập kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện Quy hoạch điện VIII và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét. Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích phát triển các dự án điện gió ngoài khơi phục vụ phụ tải tại chỗ, phát triển điện khí LNG, sản xuất các dạng năng lượng mới như hydro xanh, amoniac, đảo tích hợp đa mục tiêu điện, nhiên liệu...
Như vậy kế hoạch triển khai điện gió ngoài khơi đã được Chính phủ lên lộ trình rõ ràng cho việc lập báo cáo kế hoạch thực hiện để triển khai thí điểm, nhằm dần tháo gỡ các vướng mắc và có chính sách phù hợp cho nhà đầu tư phát triển.
Song song với các mục tiêu và lộ trình đưa ra, chúng ta cần nhìn nhận phát triển ĐGNK còn quá nhiều khó khăn và bất cập.
Đề xuất các giải pháp
Trên cơ sở phân tích cơ hội, thách thức và ý nghĩa sử dụng năng lượng bền vững khi phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, chúng tôi đề xuất các nhóm giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ và chuyên biệt cho phát triển điện gió ngoài khơi. Trước mắt, cần ưu tiên sửa đổi, bổ sung những quy định còn chồng chéo, bất cập trong Luật Điện lực, Luật Năng lượng tái tạo, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo và các văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, cần sớm ban hành Nghị định riêng về cấp phép khảo sát tiềm năng, lập dự án và khai thác điện gió ngoài khơi, trong đó quy định rõ trình tự, thủ tục, thời gian và trách nhiệm của các bên liên quan. Về lâu dài, cần xem xét xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về cho phép thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi và Luật chuyên biệt về điện gió ngoài khơi để tạo hành lang pháp lý vững chắc.
Thứ hai, cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi dài hạn để khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế. Các chính sách này cần bao gồm cơ chế đấu thầu cạnh tranh và giá mua điện ưu đãi riêng biệt, hỗ trợ về thuế, phí, tiền thuê mặt nước biển, cơ chế bảo lãnh tín dụng và các quỹ phát triển dành riêng cho điện gió ngoài khơi. Bên cạnh đó, cần các chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ, nội địa hóa sản xuất thiết bị và phát triển chuỗi cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.
Thứ ba, cần thành lập cơ quan quản lý Nhà nước đầu mối, trực thuộc Chính phủ để chỉ đạo thống nhất công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể về điện gió ngoài khơi cấp quốc gia. Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm cấp phép và hỗ trợ các dự án theo cơ chế một đầu mối phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan để tháo gỡ các vướng mắc và rút ngắn quy trình, thời gian thực hiện dự án.
Thứ tư, cần thành lập các trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác với các nước có nền công nghiệp điện gió ngoài khơi phát triển; xây dựng các chương trình đào tạo bài bản về kỹ thuật, quản lý dự án điện gió ngoài khơi để chủ động về nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này.
Thứ năm, công tác quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi cần đi trước một bước, tạo nền tảng định hướng cho các nhà đầu tư. Cần khẩn trương phê duyệt và triển khai Quy hoạch không gian biển quốc gia, trong đó xác định rõ các vùng biển ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo. Quy hoạch này phải được lồng ghép và thống nhất với các quy hoạch ngành khác như quy hoạch bảo tồn biển, giao thông, khai khoáng, du lịch, an ninh quốc phòng... Cơ sở dữ liệu về gió, địa chất, môi trường biển cũng cần được số hóa và công khai rộng rãi cho các bên liên quan khai thác, sử dụng.
Thứ sáu, cần kiên trì, nhất quán trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc tế cho phát triển điện gió ngoài khơi. Việt Nam cần chủ động tham gia và tận dụng các chương trình, quỹ hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nước phát triển cho chuyển dịch năng lượng tái tạo; tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia có kinh nghiệm và tiềm lực đầu tư vào các dự án điện gió trên biển; huy động các nguồn vốn xanh, trái phiếu xanh, vốn hỗ trợ công nghệ sạch... cũng sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Thứ bảy, Việt Nam cần chủ động tham gia tích cực hơn nữa vào mạng lưới hợp tác quốc tế về phát triển điện gió ngoài khơi; chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm quản lý, kiến tạo chính sách và triển khai dự án thực tiễn từ các quốc gia đi đầu như Vương quốc Anh, Đan Mạch, Đức và Trung Quốc...
Cuối cùng phát triển các dự án điện gió ngoài khơi phục vụ phụ tải tại chỗ, phát triển điện khí LNG, sản xuất các dạng năng lượng mới như hydro xanh, ammoniac xanh...
(*) Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo