Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển điện hạt nhân: Cần tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm

Gia Nguyễn 18/02/2025 11:15

Cùng với các cơ chế, chính sách đặc thù đang được bàn thảo, theo chuyên gia, để thực hiện mục tiêu phát triển điện hạt nhân, cần tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm.

Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030 - 2031, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

phat-trien-dien-hat-nhan-17.2.1.jpg
Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030 - 2031, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng - Ảnh minh họa: ITN

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã đề xuất một loạt cơ chế chính sách đặc thù cho dự án như việc triển khai song song các thủ tục, thỏa thuận đàm phán, phê duyệt đầu tư; lựa chọn nhà thầu theo hình thức chìa khóa trao tay, chỉ định thầu; huy động vốn từ nhiều nguồn không phải chịu rủi ro tín dụng...

Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến cũng đề xuất kịch bản về cơ cấu nguồn điện. Theo kịch bản cơ sở, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (công suất 2 tổ máy x 1.200MW) vận hành giai đoạn 2031 - 2035 và Ninh Thuận 2 (công suất 2 tổ máy, mỗi tổ 1.200MW) vận hành giai đoạn 2036 - 2040. Với kịch bản cao, cả 2 nhà máy này vận hành cùng giai đoạn 2031 - 2035.

Việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân và xây dựng 2 dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 là cần thiết và quan trọng, cho nên, cùng với các cơ chế, chính sách đặc thù đang được bàn thảo, theo chuyên gia, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện hạt nhân, cần tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm.

phat-trien-dien-hat-nhan-17.2.2.jpg
Theo chuyên gia, cần tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm - Ảnh minh họa: ITN

Nhìn nhận về vấn đề này, TS Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường cho rằng, để phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam một cách an toàn và bền vững, cần áp dụng các giải pháp trọng tâm như thúc đẩy hợp tác quốc tế, hoàn thiện khung pháp lý, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cải cách chính sách giá điện.

Theo vị chuyên gia này, điện hạt nhân sẽ bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam, cung cấp nguồn điện ổn định và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Dự án này là minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc chuyển đổi mô hình phát triển sang năng lượng sạch, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh và thân thiện với môi trường. Hơn nữa, quá trình triển khai dự án sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ hiện đại và xây dựng đội ngũ chuyên gia hạt nhân có trình độ cao, từ đó nâng cao năng lực công nghệ quốc gia.

Việc tìm kiếm đối tác nước ngoài trong công tác chuyển giao công nghệ và quản lý dự án không chỉ tạo ra các mối liên kết chiến lược mà còn giúp Việt Nam tích lũy kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Như vậy, năng lượng hạt nhân không chỉ là một giải pháp cho hiện tại mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai của đất nước.

Cũng theo TS Tô Văn Trường, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân hiện nay đối mặt với nhiều thách thức lớn. Phát triển điện hạt nhân không chỉ là bài toán tài chính mà còn đòi hỏi công nghệ cao với 2 thách thức lớn nhất là bảo đảm an toàn lò phản ứng và xử lý chất thải phóng xạ.

Chính phủ đã giao cho hai tập đoàn lớn của đất nước là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Petrovietnam (PVN) nhiệm vụ đầu tư vào 2 nhà máy điện hạt nhân. Để bảo đảm thành công và an toàn cho các dự án này, việc hợp tác với các đối tác quốc tế có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến là điều thiết yếu. Thông qua hợp tác này, các công nghệ phù hợp sẽ được lựa chọn, qua đó xác định quy mô, công suất và tổng vốn đầu tư.

Ngoài ra, cần thiết phải điều chỉnh và bổ sung khung pháp lý, cụ thể là hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử để phù hợp hơn với thực tiễn phát triển. Về cơ sở hạ tầng, việc xác định địa điểm xây dựng và tái khởi động lập báo cáo khả thi là cần thiết, nhằm bảo đảm các yếu tố về giải phóng mặt bằng và kết nối giao thông.

“Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong lĩnh vực này như Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Tham gia vào các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ giúp cập nhật tiêu chuẩn an toàn và công nghệ hiện đại nhất”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho rằng, khi đã bắt tay vào việc tái khởi động các dự án điện hạt nhân, chúng ta phải ngay lập tức đi làm việc với các đối tác, kể cả các đối tác trước đây đã từng hợp tác với chúng ta làm điện hạt nhân Ninh Thuận, đó là Liên bang Nga và Nhật Bản. Cùng với việc đó chúng ta có thể tìm thêm những đối tác mới tiềm năng và họ có cả kinh nghiệm và tiềm lực, quyền lực trong lĩnh vực hạt nhân, với sự tư vấn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IEA).

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển điện hạt nhân: Cần tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO