Trong khuôn khổ dự án “Phát triển Doanh nghiệp Xanh tại Việt Nam”, Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp Phát triển Bền vững & Hội chợ Thương mại Xanh, được tổ chức tại Quy Nhơn.
Tham dự sự kiện có hơn 60 đại biểu, bao gồm: nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương, và cá nhân quan tâm đến kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Sự kiện nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đồng thời tạo không gian kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ được cập nhật thông tin về chính sách hỗ trợ, thảo luận về cơ hội và thách thức trong chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững.
Phát biểu tại sự kiện ông Yang Lifu (Dương Lập Phu), Giám đốc Kho ươm tạo thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc-ASEAN, Tổng giám đốc Công ty TNHH Văn hóa và Sáng tạo Zaochen Hạ Môn cho biết, thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam cũng đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, với quy mô tăng trưởng 28,5% vào năm 2023. Thương mại điện tử xuyên biên giới đã mở ra không gian thị trường rộng lớn hơn cho doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam không chỉ có tiềm năng lớn ở trong nước, mà qua thương mại điện tử xuyên biên giới, các sản phẩm có thể được đưa ra toàn cầu, mang lại vô tận khả năng cho những người khởi nghiệp.
Mặc dù thị trường thương mại điện tử Việt Nam đầy cơ hội, song cũng đang đối mặt với một số thách thức, tổng kết lại chủ yếu gồm những mặt sau: Chuỗi cung ứng và các dịch vụ hỗ trợ trong nước của Việt Nam chưa đủ mạnh, làm hạn chế khả năng cung ứng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Cơ sở hạ tầng logistics cần được hoàn thiện, phạm vi và hiệu quả của dịch vụ chuyển phát nhanh cần được nâng cao. Hiện nay, hơn một phần ba giao dịch thương mại điện tử vẫn dựa vào thanh toán bằng tiền mặt (COD), điều này đã phần nào hạn chế sự tiện lợi và an toàn của giao dịch thương mại điện tử. Ngành thương mại điện tử cần những người có kiến thức chuyên môn và kỹ năng, song Việt Nam hiện nay vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Yang Lifu chia sẻ.
Theo ông Yang Lifu,những thách thức này cần sự nỗ lực chung của các nhà khởi nghiệp và chính phủ, để vượt qua bằng cách tối ưu hóa logistics, phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao sức cạnh tranh và bồi dưỡng nhân tài.
Điểm nhấn quan trọng của sự kiện là phiên thuyết trình gọi vốn của hai doanh nghiệp tiêu biểu được lựa chọn sau nhiều khóa đào tạo và huấn luyện từ dự án Phát triển Doanh nghiệp Xanh tại Việt Nam: Công ty TNHH MTV VITA – chuyên sản xuất các sản phẩm chế biến từ rau củ và Công ty CP Nếp Việt Heritage – phát triển dòng nước uống lên men truyền thống. Hai doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu mô hình kinh doanh trước các quỹ đầu tư, chuyên gia và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư tiềm năng.
Bên cạnh đó, phiên gọi vốn còn là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp khác tham dự quan sát, học hỏi về cách trình bày ý tưởng, xây dựng chiến lược thu hút nhà đầu tư và tối ưu hóa mô hình kinh doanh, hoàn thiện hồ sơ gọi vốn có khả năng thu hút nhà đầu tư. Các chuyên gia và nhà đầu tư cũng sẽ đưa ra những nhận xét, tư vấn giúp doanh nghiệp hoàn thiện mô hình kinh doanh phù hợp với thị trường và yêu cầu của các quỹ đầu tư.
Dự án “Phát triển Doanh nghiệp xanh tại Việt Nam” là một hoạt động hợp tác giữa Quỹ Châu Á (TAF) và Trung tâm ICISE được triển khai tại Bình Định. Dự án nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và xanh của tỉnh Bình Định - một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng nhanh chóng ở cấp địa phương. Dự án sẽ đạt được mục tiêu này thông qua việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xanh và các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh ở giai đoạn sớm trong tỉnh.
Hội chợ Thương mại Xanh được diễn ra tại sự kiện với 20 doanh nghiệp địa phương trưng bày sản phẩm và giải pháp thân thiện với môi trường tại Trung tâm ICISE. Đây là cơ hội để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, kết nối với khách hàng, đối tác và nhà phân phối tiềm năng.
Với mục tiêu thúc đẩy kinh tế xanh và tiêu dùng bền vững, hội chợ kỳ vọng trở thành cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng kinh doanh bền vững tại địa phương.
Trong khuôn khổ dự án “Phát triển doanh nghiệp Xanh tại Việt Nam”, ICISE quyết định thành lập CLB Khởi nghiệp Xanh Bình Định” (GREENIF Binh Dinh) dựa trên nhu cầu kết nối, chia sẻ và mong muốn hợp tác từ các DN khởi nghiệp theo định hướng xanh tham gia dự án trên địa bàn tỉnh Bình Định. ICISE là đơn vị quản lý và bảo trợ; Công ty CP Tư vấn Đổi mới sáng tạo FiNNO là đơn vị cố vấn chuyên môn khởi nghiệp.
Đây là CLB tiên phong kết nối và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh tại tỉnh, với mong muốn góp phần thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh tối ưu tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực. Đồng thời, kết nối cộng đồng doanh nghiệp trẻ năng động để hợp tác, đổi mới sáng tạo; tạo giá trị cộng hưởng thông qua sự kết hợp nguồn lực, công nghệ và kiến thức, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững.