Phát triển du lịch cộng đồng cần tôn trọng văn hoá địa phương

Đào Vũ 01/01/2023 03:00

Du lịch cộng đồng là cách tốt nhất vừa làm du lịch vừa giữ gìn bản sắc văn hoá, tôn trọng văn hoá địa phương, cần có người dân địa phương tham gia để bảo vệ tài nguyên văn hóa và môi trường.

Việt Nam có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Đây là loại hình du lịch được xem là mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa. Không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà du lịch cộng đồng còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương.

Du lịch cộng đồng gắn liền với đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương

Du lịch cộng đồng gắn liền với đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương

Mỗi địa phương một sản phẩm du lịch cộng đồng

Để khai thác các tiềm năng sẵn có, hầu hết các địa phương đã có sản phẩm du lịch đặc trưng. Loại hình du lịch này hiện nay đang rất hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Có thể kể tới như Làng Chài Việt Hải (Hải Phòng); Làng Cổ Đường Lâm (Hà Nội); Du lịch cộng đồng vùng sâu thành sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam với Làng cổ Lộc Yên, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng du lịch cộng đồng Cẩm Thanh, rừng dừa Bảy Mẫu,...

Đặc biệt, những năm gần đây, du khách thường tìm đến Mộc Châu được trải nghiệm cùng đồng bào hái quả, trồng rau sạch, quan sát quy trình chế biến các sản phẩm từ sữa bò, hòa mình vào những điệu xòe Thái, những điệu dân ca cổ, ngủ nhà sàn truyền thống, nằm đệm bông gạo, thưởng thức đặc sản núi rừng … Hoặc đi du lịch đến các tỉnh miền núi Tây Bắc, Đông Bắc để trải nghiệm du lịch cộng đồng.

Thiềng Liềng nổi tiếng với làng nghề làm muối

Thiềng Liềng nổi tiếng với làng nghề làm muối

Gần đây, Sở Du lịch phối hợp UBND huyện Cần Giờ triển khai xây dựng điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, khác biệt so với các sản phẩm du lịch đã có của TP Hồ Chí Minh. Ấp Thiềng Liềng là ấp đảo nằm cách trung tâm xã Thạnh An khoảng 7km, giao thông đi lại bằng đường thủy, ngành nghề chủ yếu của người dân là sản xuất muối, còn lại buôn bán nhỏ, đánh bắt nuôi trồng thủy sản,... là ấp đảo nhỏ còn hoang sơ, mộc mạc, có núi Giồng Chùa (ngọn núi đá duy nhất của thành phố), có cánh đồng muối trắng xóa... nhiều tiềm năng phát triển du lịch". Đây được xem là sản phẩm du lịch cộng đồng đúng nghĩa đầu tiên của TP Hồ Chí Minh trong nỗ lực làm mới sản phẩm, đón khách du lịch trong mùa cao điểm cuối năm.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, với mong muốn khai thác du lịch kết hợp bảo tồn văn hóa, giới thiệu các tập quán, hoạt động sinh kế, đồng thời hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch gắn với điểm đến hộ gia đình, tăng trải nghiệm mua sắm cho du khách khi đến với Thiềng Liềng, mô hình du lịch cộng đồng đã ra đời. Tour du lịch cộng đồng cũng khắc phục được trở ngại hiện nay nhờ di chuyển bằng tàu cao tốc nên chỉ mất hơn 60 phút, du khách sẽ xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1).

Một mô hình sản phẩm du lịch cộng đồng mới tại Thiềng Liềng được đưa vào khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch

Một mô hình sản phẩm du lịch cộng đồng mới tại Thiềng Liềng được đưa vào khai thác

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, đây là mô hình du lịch phát triển trên cơ sở khai thác năng lực của cộng đồng dân cư kết hợp với tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa của địa phương, do cộng đồng dân cư địa phương xây dựng và quản lý. Gắn chặt với sinh kế của cư dân, du lịch cộng đồng Thiềng Liềng không chỉ tạo ra sản phẩm du lịch bền vững mà còn góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa và xây dựng sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng.

Tuy nhiên, trước những tác động lớn của nhân tố con người, giá trị di sản và văn hóa địa phương sẽ chịu tác động rất lớn. Nếu không có các biện pháp và chính sách phát triển du lịch phù hợp sẽ làm tổn hại đến văn hóa và di sản của địa phương. Hơn hết, cần phải đảm bảo được chất lượng cuộc sống của dân cư tham gia vào hoạt động phát triển du lịch cộng đồng.

Chia sẻ về chính sách phát triển du lịch cộng đồng hướng đến sự phát triển bền vững, Ông Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, các điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng có 16 dịch vụ phục vụ du khách, với các sản phẩm du lịch mang đặc trưng hệ sinh thái rừng ngập mặn và văn hóa của người dân vùng biển như ẩm thực và thức uống vùng biển, không gian nghề muối, không gian hoài niệm, homestay, đờn ca tài tử, ngâm chân thư giãn... Tất cả sản phẩm du lịch do chính các hộ dân và cư dân đang sinh sống tại ấp đảo Thiềng Liềng thực hiện. Bên cạnh các sinh kế chính, việc tạo công ăn việc làm dịch vụ du lịch nhằm tăng thu nhập, giải quyết việc làm và nâng cao dân trí của cộng đồng, thông qua đó góp phần bảo vệ biên giới biển đảo của thành phố...

Phát triển du lịch cần giữ lại cho cộng đồng

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Đoàn Mạnh Cương – Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: “Du lịch cộng đồng cần có sở hữu cộng đồng: Cộng đồng là chủ thể quản lý di sản dân tộc, có phong cách và lối sống riêng cần được tôn trọng; cộng đồng có quyền sở hữu các tài nguyên và do vậy có quyền tham gia vào các hoạt động du lịch. Thu nhập từ du lịch cộng đồng cần giữ lại cho cộng đồng: Lợi nhuận thu được từ du lịch được chia sẻ công bằng cho cộng đồng để bảo vệ môi trường; cộng đồng thu lợi nhuận và lợi ích kinh tế trực tiếp để tái đầu tư cho địa phương ngoài hỗ trợ của Chính phủ”.

Du lịch cộng đồng cần có sự tham gia của cộng đồng để bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa

Du lịch cộng đồng cần có sự tham gia của cộng đồng để bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa

Cũng theo Tiến sĩ, cần phải có chiến lược phát triển du lịch theo hướng bền vững, chú trọng tăng cường tính văn hóa trong hoạt động du lịch. Định hướng đúng đắn phát triển du lịch nói chung và từng địa phương nói riêng dưới góc độ này là tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo hướng du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái; nhằm đạt đồng thời hiệu quả kinh tế và xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ được môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Hoạt động du lịch cộng đồng phải làm giàu thêm bản sắc và truyền thống dân tộc, làm đẹp thêm cảnh quan môi trường, ngăn chặn không cho các tiêu cực và tệ nạn xã hội xâm nhập vào hoạt động kinh doanh.

Đoàn Mạnh Cương đánh giá: “Xét về bản chất, du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung, thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương (phong cảnh, văn hoá…). Mô hình du lịch cộng đồng tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa với những sinh hoạt rất đời thường và những món ăn dân dã đậm chất địa phương.
Ngoài ra, mô hình du lịch bền vững này góp phần thúc đẩy các chiến lược xóa đói giảm nghèo, tạo ra sinh kế đồng thời khuyến khích vai trò của người dân bản địa trong việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương.”

Có thể bạn quan tâm

  • Tây Nguyên tạo

    Tây Nguyên tạo "đòn bẩy" cho du lịch cộng đồng

    03:30, 31/12/2022

  • Thái Bình: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP

    Thái Bình: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP

    01:30, 28/12/2022

  • Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh (Kỳ III): Cần giải pháp bền vững

    Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh (Kỳ III): Cần giải pháp bền vững

    02:00, 17/12/2022

  • Tạo đột phá trong phát triển du lịch cộng đồng

    Tạo đột phá trong phát triển du lịch cộng đồng

    12:27, 28/11/2022

  • Quảng Ninh: “Đòn bẩy” du lịch cộng đồng

    Quảng Ninh: “Đòn bẩy” du lịch cộng đồng

    03:45, 08/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển du lịch cộng đồng cần tôn trọng văn hoá địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO