Kinh tế thị trường không thể phát triển một cách tối ưu nếu như chỉ có sự tương tác tự nhiên và thiếu chặt chẽ của các chủ thể kinh tế là Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Việt Nam bước vào năm Tân Sửu 2021, năm đầu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025 với bức tranh kinh tế khá tích cực: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao, tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Mức thu nhập vẫn còn ở trung bình thấp.
Với tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Việt Nam đang đặt ra cho mình một thách thức vô cùng to lớn. Vậy đây có phải là nhiệm vụ bất khả thi của chúng ta khi như phải nhấc bổng trái đất? Nếu khả thi thì đâu là điểm tựa giống như câu nói nổi tiếng của Archimedes - nhà toán học vĩ đại nhất thời cổ đại và là một trong những nhà toán học vĩ đại nhất mọi thời đại: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng cả trái đất"?
Kinh tế thị trường là phát minh quan trọng nhất của loài người trong lịch sử phát triển kinh tế xã hội. Cơ chế bất diệt đó dựa trên động lực phát triển bất biến của con người là “lòng tham vô đáy” (nhân dục vô nhai) hay như phương Tây dùng khái niệm “không bao giờ thỏa mãn” (non-satiation). Điều đó cũng giải thích tại sao một số nước sử dụng nền kinh tế thị trường để có sự phát triển cao hơn cũng như đang có có kế hoạch tham vọng khám phá ra trái đất thứ hai...
Công cuộc đổi mới kinh tế của Việt Nam cuối thập niên 80 của thế kỷ trước đã chứng kiến sự hình thành lần đầu tiên của chính sách kinh tế thị trường và sức mạnh của nó tại Việt Nam trong đổi mới nông nghiệp - lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế đất nước qua hình thức cơ chế thị trường “khoán canh tác” (contract farming).
Bắt đầu từ tư duy “Khoán hộ” của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc và Nghị quyết chính sách “Khoán sản” của Bí thư Hải Phòng Đoàn Duy Thành đã làm cơ sở cho “Chỉ thị 100” của Ban Bí thư (1/1981) và Nghị quyết “Khoán 10” (4/1988) của Bộ Chính trị khóa VI. Sức sản xuất khi đó thực sự được giải phóng đã biến một nền kinh tế có lạm phát trên 700%, nghèo đói và hàng năm phải nhập lương thực trở thành một quốc gia giải quyết được cơ bản về lương thực, bảo đảm an ninh lương thực, mà còn có gạo xuất khẩu. Điều kỳ diệu này đã được các sử gia ghi chép: “Như mơ giữa ban ngày”.
Kế thừa và nhận thức sâu sắc kinh nghiệm và thành tựu của công cuộc đổi mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chính sách đột phá và điểm tựa cho tầm nhìn 2045 của đất nước: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường...”.
Trong cơ chế thị trường, giá cả đóng vai trò là tín hiệu để phân bổ các nguồn lực. Quy luật cung và cầu dựa trên động lực “lòng tham vô đáy” của người mua và người bán trong thị trường đảm bảo việc phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả vì bản thân mỗi đơn vị kinh tế là một bộ xử lý thông tin cho sự hợp tác và cạnh tranh một cách hợp lý.
Ngược lại, trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các nhà hoạch định (các cơ quan chính phủ khác nhau) đã thực hiện công việc phân bổ nguồn lực một cách chủ quan và bao cấp. Kết quả là sự phân bổ sai nguồn lực và triệt tiêu các động lực trong nền kinh tế ở mức độ cao dẫn đến mất cân đối giữa các ngành và địa phương.
Chính vì vậy những nước phát triển cao đều là những nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Ngay cả Trung Quốc để trở thành nền kinh tế thứ 2 trên thế giới đã phải cải cách cơ chế cũ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, kinh tế thị trường tự nó không phải là chiếc đũa thần để phát triển kinh tế xã hội một cách tối ưu nếu như chỉ có sự tương tác tự nhiên và thiếu chặt chẽ của các chủ thể kinh tế là Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Động lực theo quy luật “lòng tham vô đáy” của quan chức, doanh nghiệp và người dân nếu không có một thể chế phù hợp điều chỉnh sẽ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại, tham nhũng, khủng khoảng thừa, vỡ nợ, lợi ích nhóm, chênh lệch giàu nghèo, tàn phá môi trường... Điều đó dẫn đến sự méo mó thị trường, triệt tiêu động lực, không tạo được sự cộng hưởng cho các động lực làm cho đòn bẩy thị trường mất tác dụng...
Theo các nhà kinh tế học, trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam, một thể chế cần phải được xây dựng trong nền kinh tế thị trường để cả 3 chủ thể kinh tế hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ và hiệu quả:
1. Chính phủ cần nhận thức kinh tế thị trường là cơ chế quan trọng nhất để khơi dậy và thúc đẩy động lực cốt lõi của con người và toàn xã hội theo hướng tích cực nhằm phát triển kinh tế xã hội.
Do đó cần phối hợp chặt chẽ với cả 2 chủ thể còn lại xây dựng và hoàn thiện thể chế đảm bảo thị trường vận hành hiệu quả trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng cứng và mềm phù hợp, thúc đẩy công bằng và tăng trưởng, công ăn việc làm, ổn định chính sách kinh tế vĩ mô và an ninh quốc gia.
Đặc biệt, bên cạnh việc đảm bảo đời sống, cần nêu cao kỷ luật, đạo đức công chức theo lý luận về công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ phải là “công bộc” của nhân dân. Vì chỉ có như vậy, lòng tham công chức mới trở thành hoài bão và khát vọng cống hiến cho đất nước
2. Doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động nâng cao kỹ năng kinh doanh sản xuất của nền kinh tế thị trường trong nước cũng như nước ngoài khi Chính phủ đã sử dụng biện pháp kích cầu thông qua cam kết thực hiện các FTA đa phương. Đặc biệt chú ý là các đối tác trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATG), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... đa số là những nền kinh tế có nền kinh tế thị trường phát triển cao
3. Các cơ quan đại diện cho người dân, người tiêu dùng như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Hiệp hội quần chúng, người tiêu dùng... cẩn phát huy cao trách nhiệm đại diện trong lập pháp, xây dựng quy định để bảo vệ người tiêu dùng cũng như quyền dân chủ bình đẳng với hai chủ thể còn lại.
Các tổ chức xúc tiến, Hiệp hội ngành nghề, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động mở rộng và thành lập cơ quan nghiên cứu và phát triển thị trường đối tác quan trọng mà Việt Nam đã ký kết hợp tác kinh tế song phương và đa phương một cách chuyên nghiệp nhằm phát triển kinh tế hải ngoại bền vững trong chuỗi giá trị toàn cầu.
4. Xây dựng cơ chế đối thoại và hợp tác dân chủ, bình đẳng và hài hoà (xác định điểm cân bằng lợi ích) để cả 3 chủ thể kinh tế tham gia tích cực và chủ động vào các thị trường mạng tính đột phá trong sản xuất công nghiệp, thương mại đầu tư và tài chính cũng như thị trường lao động và đất đai đảm bảo năng lực cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ đất nước với bối cảnh thời đại cạnh tranh công nghệ 4.0 và thách thức địa chính trị khu vực.
Thực hiện tầm nhìn 2045 của đất nước là một cơ hội cũng như một thách thức lớn của dân tộc. Trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế, nhiệm vụ này chỉ có thể khả thi khi chúng ta phải phát triển kinh tế thị trường ở mức độ cao song hành với việc hoàn thiện thể chế phù hợp với 3 chủ thể kinh tế cùng tham gia chủ động, tích cực và bình đẳng.
Với 3 trụ cột trong một thể chế vững chắc như vậy, chúng ta sẽ tin tưởng rằng kinh tế thị trường sẽ tạo ra một điểm tựa vô song thúc đẩy sự cộng hưởng động lực của các chủ thể kinh tế nhằm phát triển các thị trường đột phá, đưa đất nước đến nơi mà chúng ta mong muốn khi chúng ta kỷ niệm thế kỷ đầu tiên thành lập nước.
Có thể bạn quan tâm
04:55, 11/03/2021
04:55, 10/03/2021
04:55, 09/03/2021
04:50, 08/03/2021
04:55, 06/03/2021
04:55, 05/03/2021
04:55, 04/03/2021
04:55, 03/03/2021
04:50, 02/03/2021
04:50, 01/03/2021
04:50, 24/02/2021
05:30, 21/02/2021
11:10, 20/02/2021
04:50, 16/02/2021
11:01, 13/02/2021